Xây nhà chọc trời: Cuộc đua không điểm dừng

12/10/2012 06:00 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1873, người Mỹ hoan hỷ khánh thành tòa nhà cao nhất thế giới ở New York, 6 tầng, 46m, lúc đó là kỷ lục. Giờ nếu còn tồn tại thì tòa nhà này sẽ chẳng còn được ai nhắc đến. Ngay cả tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay, Burj Khalifa ở Dubai, cũng chưa chắc tại vị được ở kỷ lục 828m của mình. Thế giới đang chạy đua xây nhà chọc trời và các kỷ lục có nguy cơ bị san lấp trong thời gian ngắn.

1.600 mét vào năm 2025

Nếu như tháp Đế chế ở New York Mỹ lập kỷ lục thế giới về độ cao (381 mét) vào năm 1931 thì phải hơn 4 thập niên sau kỷ lục này mới bị san lấp bởi người anh em trung tâm Thương mại Thế giới (417m). Và bây giờ, khi mà Burj Khalifa vẫn còn đang ngây ngất với kỷ lục mới xác lập vào năm 2012 với độ cao 828 mét thì mới đây ông Timothy Johnson, kiến trúc sư kiêm Chủ tịch hội đồng nhà cao tầng và môi trường đô thị Chicago, đã công bố bản kế hoạch xây dựng tòa nhà cao 1.600m đang trong quá trình triển khai, sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ông Johnson từng là kiến trúc sư trưởng thiết kế tòa nhà Sail tại vịnh Marina của Singapore. Đây cũng là một trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới. Ông này cho biết từng thảo luận với một nhà phát triển về kế hoạch xây dựng một tòa nhà có chiều cao gần 2.000m cách đây 4 năm. Tuy nhiên kế hoạch bị hủy bỏ do khủng hoảng kinh tế bùng phát.

Những tuyên bố nêu trên khiến người ta nhớ lại cuộc cạnh tranh giữa hai thành phố New York và Chicago của Mỹ về việc xây những tòa nhà cao tầng nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20 giờ đây đã trở thành xa xưa. Bởi vì, trong số 10 tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay, châu Á chiếm tới 8, Trung Đông cũng khá nhiều, nhà chọc trời đang di chuyển về phía Đông và chưa biết bao lâu sẽ dừng lại.

Kiến trúc sư Hani Rashid cho rằng “cơn sốt xây nhà chọc trời vẫn chưa giảm nhiệt kể cả sau khi tòa tháp đôi bị khủng bố và cơn sốt đó đang lan nhiều nhất ở châu Á nơi mà số lượng dân số ở các đô thị lớn đang phình nở khó kiểm soát”. Kang Sun Jong, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung phụ trách thiết kế, dự báo triển vọng thị trường trong việc xây dựng các tòa nhà chọc trời trong khu vực là rất sáng sủa. Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu cứ 5 ngày thì xây xong một tòa nhà chọc trời. Theo tờ Telegraph thì Trung Quốc đặt ra mục tiêu xây 200 nhà chọc trời trong 3 năm tới bởi “có thể phải đón nhận làn sóng di cư mới từ nông thôn lên thành thị trong những thập kỷ sắp tới”. Trung Quốc không nuôi ý định phá kỷ lục của Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới nhưng nước này có thể giữ kỷ lục với những tòa nhà cao thứ 2 hay thứ 3 trên thế giới vào năm 2015. Điển hình là tòa nhà Thượng Hải, công trình hiện còn dang dở, được kỳ vọng sẽ đạt chiều cao “khủng” 632m hay trung tâm Greenland ở Vũ Hán cao tới 606m khi hoàn thành. Hiện mật độ nhà chọc trời ở Trung Quốc dẫn đầu là Hong Kong với 58 tòa nhà, Thượng Hải có 51 và Thâm Quyến có 46.

Càng ngày thời gian giữ kỷ lục tòa nhà cao nhất thế giới ngày càng rút ngắn lại. Tòa nhà Đế chế (Empire) ở New York hoàn thành năm 1931 giữ kỷ lục cao nhất thế giới trong hơn 40 năm. Tháp Sears ở Chicago giữ kỷ lục trong 25 năm. Giờ đây thành phố nào may mắn mới nắm giữ được kỷ lục trong hơn nửa thập kỷ. Tháp đôi Petronas (Kuala Lumpur) hoàn thành năm 1998 đã bị tháp Taipei 101 (Đài Loan) vượt qua năm 2004. Tuy nhiên, tháp Taipei 101 cũng chỉ giữ được kỷ lục trong 6 năm khi tháp Burj (Dubai) hoàn thành vào 2010.


Tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai

Nhà chọc trời khoe sức mạnh kinh tế?

Người ta cho rằng việc đua nhau xây các tòa nhà chọc trời ngoài những tiện dụng trong việc phân bổ dân số còn chứng tỏ tiềm lực kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phố công nghiệp Thượng Hải (Trung Quốc) từ những năm 1990 đã được ví như Manhattan của châu Á với hàng loạt tòa nhà cao chót vót. Hiện các nước đang phát triển đang bỏ xa Mỹ và châu Âu trong cuộc chạy đua xây dựng những tòa nhà “lủng trời” (trên 600m). Những tòa nhà này không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế mà còn mang ý nghĩa thể hiện sự giàu có của quốc gia.

Tốc độ tăng trưởng cao, sự thịnh vượng và những chính trị gia xem tòa nhà cao tầng như biểu hiện cho quyền lực là những yếu tố đẩy cơn sốt cao ốc tiếp tục trong nhiều năm nữa. Ngay cả những thành phố ít được biết đến trong vùng cũng có tham vọng cháy bỏng được sở hữu các kiến trúc thật độc đáo để thay đổi diện mạo của mình, sẵn sàng đưa ra nhiều ưu đãi để biến điều đó thành hiện thực.

Tháp Tokyo ở Nhật hoàn thành vào năm 2012, cao 643m, hiện đứng thứ 2 thế giới

Một số người cho rằng những lợi ích về phát triển kinh tế mà những cao ốc chọc trời mang lại cho một thành phố nào đó còn quan trọng hơn danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới. Goh Tuan Sui, Tổng giám đốc điều hành công ty tư vấn địa ốc WTW Malaysia, nhận định: “Tòa tháp đôi Petronas có thể không còn là tòa nhà cao nhất thế giới, nhưng nó đã làm thay đổi Malaysia và quan niệm về Kuala Lumpur. Ngoài ra, một tòa nhà như thế cũng có tác dụng nâng cao tiêu chuẩn đối với những tòa nhà được xây sau nó”. Kiến trúc sư Jean Nouvel cho rằng: “Đây là một nhu cầu kinh tế. Khi giá đất ngày một lên, giải pháp tốt nhất là xây cao ốc. Cho dù phí tổn có thể cao gấp đôi, đầu tư vào đây có lời gần như chắc chắn. Cho nên trong vài thập kỷ tới, xây những nhà chọc trời cao trên 500m sẽ là chuyện bình thường”. Nhà chọc trời không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn là giá trị hình ảnh, nhiều khi còn mang cả tính biểu tượng. Ví dụ như bạn hoàn toàn có thể tự hào giới thiệu công ty của mình đang ngụ tại Burj Khalifa ở Dubai, một trong vài cao ốc cao nhất nhì thế giới và điều đó sẽ làm tăng niềm tin nơi đối tác…

Hội đồng nhà cao tầng và môi trường đô thị Chicago nhận định rằng Trung Quốc sẽ là nước dẫn đầu thế giới về số nhà cao tầng. Năm ngoái, 23 tòa nhà cao hơn 200m đã hoàn thành ở Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên, kiến trúc sư Timothy Johnson nhận định Trung Quốc sẽ rất khó để xây được tòa nhà cao nhất thế giới do tác động của suy thoái đang làm nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chậm lại. Thay vào đó, 5 tòa nhà cao nhất thế giới trong năm 2020 sẽ xuất hiện ở ba quốc gia Trung Đông là Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Ả-rập Xê-út và Qatar.

Hoa Thiên (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm