08/10/2019 06:54 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin về việc “phố cà phê đường tàu” tại Hà Nội sắp bị dẹp bỏ lại khiến nhiều bạn trẻ hào hứng đổ xô tới khu vực này để... trải nghiệm một lần cuối cùng. Và kết quả là: tại “phố đường tàu” Phùng Hưng vào lúc 15h30 chiều (6/10), một đoàn tàu buộc phải dừng khẩn cấp trong thời gian ngắn để khách du lịch và người dân có thời gian tìm chỗ tránh tàu!
Nằm ở khu vực phố Phùng Hưng, nơi có tuyến đường sắt nổi,những quán cà phê ấy nằm san sát bênhành lang đường sắt chật hẹp, với rất nhiều bộ bàn ghế kê sát đường tàu. Và, cảm giác mạnh – khi những chuyến tàu chạy sát cạnh bàn - chính là lý do khiến “phố cà phê” đặc biệt này bỗng nhiên nổi tiếng.
Trước khi chứng kiến các tai nạn đường sắt kinh hoàng, có lẽ rất nhiều người chỉ thấy sự yên bình, lãng mạn trên những tuyến đường ray chạy dài tít tắp, thi thoảng có một đoàn tàu hú còi xình xịch chạy qua... Bởi thế nên họ sinh nhờn, nghĩ rằng, tàu đến, tàu đi có giờ giấc, lại có còi báo, làm gì mà chẳng tránh được, cứ nhanh chân hoặc nhấn ga vọt lẹ là qua...
Đường sắt đúng là rất bình yên, rất an toàn, nếu chúng ta tôn trọng hành lang bảo vệ đường tàuvà tuyệt đối tuân thủ luật lệ giao thông ở các điểm giao cắt.
Còn lại, “đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay”, ta không chỉ thấy phơi phới “bốn mùa vui” mà còn thấy cả những sự thảm khốc diễn ra trong tích tắc trên những cung đường có vẻ bình yên ấy.
Chẳng đâu xa, Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160km.Sáng 8/7, trong khi băng qua đường ray để đi vệ sinh ở khu vực đường Giải Phóng, một người đàn ông khoảng 60 tuổi đã không quan sát và bị tàu hỏa cán tử vong tại chỗ.
Rồi, vài tháng trước nữa, đêm 4/3,tàu hỏa chở hàng đang di chuyển trên cầu Long Biên đã đâm một người đàn ông (không rõ danh tính) rơi xuống sống Hồng và mất tích. Đó cũng chính là đoạn đường sắt mà nhiều năm nay đã trở thành địa điểm chụp ảnh “hot” của giới trẻ.
Và còn rất nhiều nữa….
Những năm đầu học cấp 1, tôi nhớ có phong trào “Em yêu đường sắt quê em” được nhiều trường học trên cả nước phát động và thi đua, đặc biệt là những nơi có đường sắt đi qua. Trải qua 60 năm, giờ đây phong trào có tên “Thiếu nhi bảo vệ đường sắt” đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với gần 300 trường học kết nghĩa tại 34 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Trong thời gian qua, phong trào đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, làm giảm thiểu các tệ nạn ném đá, ném các chất bẩn gây thương tích cho hành khách khi tàu chạy qua, đồng thời cũng nâng cao ý thức của mọi người về an toàn đường sắt.
***
Các em thiếu nhi thì có phong trào như thế. Còn những quán “cà phê đường tàu”, được mở ra bởi những hộ dân sống trong hành lang an toàn đường sắt thì sao?
Cảm giác mạnh thật, nhưng tôi không thể an tâm, khi chứng kiến du khách đua nhau “chiêm ngưỡng” cảnh đoàn tàu đi qua ở khoảng cách chỉ 40 cm cạnh mình. Tại một số khu vực đường tàu cắt ngang, giới trẻ và du khách còn kéo đến thi nhau tạo dáng, chụp ảnh, thậm chí dạo bộ trên cả đường ray. Khi có tàu sắp sửa chạy qua, các chủ quán sẽ nhắc nhở khách hàng thu dọn bàn ghế, sẵn sàng đứng nép vào tránh tàu chạy qua.
Không ai phản đối bạn hoài cổ với những đoàn tàu chạy qua phố cổ. Chỉ có điều đừng quên rằng, đằng sau vẻ yên bình của những thanh ray kia là những ẩn họa khôn lường, có thể xuất hiện trong tích tắc, nếu không tuân thủ các quy tắc an toàn khi tiếp cận nó. Đường ray không phải là con đường tản bộ trong công viên để dạo chơi, check in và tạo dáng hoài cổ, mà nó là “xa lộ” của những chuyến tàu lao đi với quán tính khủng khiếp.
Vì thế hãy trả lại hành lang an toàn cho các đoàn tàu di chuyển, đừng coi việc ngồi uống cà phê và tụ tập chụp ảnh, ngắm nhìn tàu chạy qua nơi đây như là một “phong trào” tìm kiếm cảm giác mạnh. Phong trào ấy chắc chắn sẽ để lại “vị đắng” gấp nhiều lần so với cốc cà phê chúng ta ngồi nhâm nhi để ngắm nhìn tàu chạy qua.
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất