CĐV bức xúc vì vé trận Việt Nam - Indonesia

05/12/2016 05:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Vé trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2016 trận Việt Nam – Indonesia đã được VFF bán ra vào hôm 3/12. Phe vé, cách thức bán vé vẫn nổi lên như những hạn chế lớn là điều những người quản lý cần phải giải quyết tốt hơn nữa.

Vé trận Việt Nam – Indonesia loạn giá

Trước trận đấu, Liên đoàn bóng đá Việt Nam – VFF thông báo 4 mức giá vé trận đấu giữa Việt Nam – Indoensia là 150.000 VNĐ, 250.000 VNĐ, 300.000 VNĐ và 400.000 VNĐ. Thế nhưng tình trạng phe vé đầu cơ tích trữ khiến giá vé thay đổi chóng mặt.

Một chiếc vé mệnh giá 150.000 VNĐ được phe vé rao bán lên thành 1.000.000 VNĐ ngay thời điểm VFF vẫn còn đang bán vé qua đường công văn ở trụ sở và trực tiếp ở SVĐ QG Mỹ Đình. Nhiều khán giả đùa rằng “số dân phe đi xếp hàng mua vé ngày hôm qua khéo còn đông hơn số người thật sự muốn vào sân thưởng thức bóng đá”.

Tình trạng phe vé chen ngang vào đoàn người đang xếp hàng ngay ngắn là nỗi bức xúc chung của những khán giả lặn lội đường xa, bỏ thời gian đi mua vé. Lực lượng chức năng đã có những biện pháp răn đe những người gây rối nhưng dường như không thể làm xuể. Thực trạng ấy khiến những người đến sớm, xếp hàng trước mà phải mua vé sau trở nên giạn dữ, nhiều người do phải xếp hàng quá lâu và tâm lý ức chế đã bỏ về giữa chừng.

Kết thúc trận bán kết lượt đi, Việt Nam thất bại 1-2 trước Indonesia phần nào đó khiến giá vé giảm nhiệt. Hôm qua (4/12), giá vé chợ đen đã không còn ở mức đắt gấp 7, 8 lần như ngày đầu. 1 cặp vé 150.000 VNĐ dân phe chỉ còn dám nói thách 1.200.000 VNĐ, 1 cặp 250.000 VNĐ là 1.500.000 đến 1.700.000 VNĐ. Trong khi đó vé loại 400.000 VNĐ ở khán đài A vẫn có giá khá cao, vào thời điểm tối qua 1 cặp vé như vậy chạm ngưỡng 2.700.000 VNĐ.

Dân phe rao giá vé trên trời không còn là cảnh tượng hiếm thấy ở bóng đá Việt Nam trước mỗi trận đấu được cho là quan trọng và có sức nóng. Tuy nhiên, việc người dân, những khán giả thực sự phải mua 1 tấm vé gần bằng nửa tháng lương là điều khiến nhiều người vẫn bức xúc. Trên các diễn đàn bóng đá của Việt Nam, nhiều người kêu gọi tẩy chay việc mua vé từ dân phe, nhiều người lại cho rằng vấn đề vẫn nằm ở những người quản lý.


Phe vé rao bán ngay trước cổng SVĐ QG Mỹ Đình, giá vé có thời điểm đắt gấp 7, 8 lần giá gốc. Ảnh: Thanh Hà

VFF không giữ đúng lời hứa

Năm 2014, sức hút của lứa U19 HAGL Arsenal JMG tại giải U19 Đông Nam Á đã khiến giá vé tăng lên chóng mặt. Lượng người mua cũng tăng dữ dội xếp hàng trước cổng trụ sở VFF khiến bức tường của Liên đoàn đổ sụp vẫn là hình ảnh đáng nhớ nhất cho cơn sốt vé khi ấy. VFF đã không giữ đúng lời hứa về một cuộc “cách mạng” trong khâu bán vé.

Không đến mức đổ tường, đợt bán vé trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Indonesia không nóng đến mức ấy nhưng một cánh cổng phụ của VFF cũng đã không còn đứng vững trước sức ép của người hâm mộ.

Hàng nghìn người bỏ công việc xếp hàng mua vé ủng hộ đội tuyển trước cổng trụ sở VFF lẫn cổng SVĐ QG Mỹ Đình. Rất nhiều người mua được vé, nhưng cũng rất nhiều người ra về tay trắng. Nhiều người lặn lội xếp hàng từ 7, 8 giờ sáng đến chiều tối vẫn không thể có tấm vé trên tay.

Anh Nguyễn Thành Nam  ở Hà Nội nói với giọng bức xúc: “Tôi là dân văn phòng vẫn phải đi làm vào sáng thứ 7 (3/12 – PV) nhưng xin nghỉ để xếp hàng mua vé xem đội tuyển từ 7h sáng. Tôi xếp hàng như mọi người, nhưng cuối cùng mãi không tới lượt, lại còn nhiều người chen ngang. Mất cả ngày mà giờ chẳng có vé, vừa mệt vừa mất thời gian coi như một ngày vô nghĩa”.

Nhiều người có chung cảm xúc như anh Nam, họ quá mệt mỏi với cách thức bán vé của BTC nên đã bỏ về, có người lớn tiếng “tại sao không bán vé online để tránh tốn thời gian của quá nhiều người phải xếp hàng”. Bác Nguyễn Văn Sinh ở Hà Đông nói thẳng: “Tôi cũng xếp hàng, nhưng được chen vào mua rồi bị bắt ngồi thành từng hàng sao mà thấy khổ, như đi mua cân gạo, cái bánh, lạng thịt thời bao cấp vậy”.

Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm