Ấn cho thầy ngoại là xong!

04/05/2011 12:31 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Bóng đá Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ ban chấp hành VFF vẫn có thói quen tìm một ông thầy ngoại hiểu về bóng đá Việt Nam một tí rồi ấn ĐT vào tay ông này và chờ thành tích là xong. Bây giờ, khi ông Calisto bất ngờ rút lui thì những nhà làm bóng đá Việt Nam vẫn không thay đổi quan điểm đấy. Cả một ban bệ, một tổ chức với những hội đồng từ thẩm định đến tranh luận, phản biện rồi còn đưa ra các dữ kiện... rất kỹ và rất lâu, nhưng vẫn chưa thể quyết được thầy nào. Thế nên đã 2 lần đến hẹn nhưng rồi lại vẫn thông báo chờ và cả xin thêm thời gian dù các giải và các nhu cầu cho ĐT lẫn đội U23 đều không thể chờ.

Thực chất thì cái khó của bóng đá Việt Nam là các ban bệ như Hội đồng HLV hay những nhà cố vấn chuyên môn đều chỉ là những người đưa ra dữ kiện còn việc quyết lại thuộc về bộ máy của Thường trực VFF. Bộ máy đấy có người lo chuyên môn, có người lo tiền, có người lo ngoại giao, có người lo giải thích với báo chí và cũng có người chỉ vo tròn với các kiểu lý luận cho vừa lòng dư luận. Thế nên thỉnh thoảng người hâm mộ vẫn phì cười với cái kiểu ông nói gà, bà nói vịt như quan điểm chọn thầy nội hay thầy ngoại hoặc lúc thì lại nghe không ngại tiền lúc thì đọc được lời than tiền cao quá không thuê nổi...

Nói chung việc gật hay lắc đến giờ đã vượt khung thời gian nhưng vẫn là việc chưa thể. Thế nên cái tin Stoichkov đến vì chuyện khác nhưng thăm VFF bàn chuyện cũng là chuyện được tung hứng không ít. Hay chuyện ông thầy người Đức chấp nhận giảm lương vì đã có phần "tài trợ" khác cũng là chuyện thêm một dấu son trong việc chọn thầy...

HLV Calisto ra đi đã hơn 2 tháng nhưng VFF vẫn chưa tìm được người thay thế

Bây giờ thì có thể chắc chắn một điều là thầy ngoại vẫn là người phải có. Nó cũng giống như thời những năm 1995-1997 bóng đá Việt Nam cứ nhất định phải là thầy ngoại vì... "bụt chùa nhà không thiêng". Cái thời mà passport hay visa cho tuyển thủ nếu là thầy nội thì từ từ còn thầy ngoại thì chỉ một tiếng là đâu đó răm rắp ngay. Chính các nhà làm lãnh đạo đội bóng hồi đấy sau này có lần tâm sự: "Giao việc cho ông thầy ngoại thì yên tâm vì ông ấy hét lên là tất cả chạy theo, có huy chương thì là huy chương cho ta còn nếu thất bại thì thay ông ấy là xong vừa tránh được sức ép vừa đỡ phải đối phó với nhiều thứ...".

Đấy cũng là lý do để những nhà làm bóng đá thời bấy giờ trốn đi hàng loạt những cái cần phải làm cho một nền bóng đá muốn phát triển thực sự đó là khâu đào tạo được xem là nền tảng. Đào tạo từ cầu thủ đến đào tạo những nhà quản lý, đào tạo trọng tài, đào tạo cán bộ, đào tạo HLV... Việc trốn làm hàng loạt những vấn đề cần thiết đấy đã được "tha thứ" hay được bỏ qua không bị soi nhờ một chiếc huy chương để dân sướng. Thậm chí là có cái HCĐ như hồi Tiger Cup 1998 cũng đủ để xóa tội cho một nhóm cầu thủ bị nghi ngờ bán độ cùng những quan chức muốn lật HLV trưởng ĐT bằng đủ mọi cách.

Giữa việc ấn cho thầy ngoại để trốn việc và vất vả với lộ trình cần thiết để phát triển của một nền bóng đá cái nào hơn?

Khổ nỗi việc hơn kém đấy lại hay bị ảnh hưởng bởi thước đó một nhiệm kỳ chỉ có 4 năm nên cứ làm với phần của 4 năm rồi tính.

Khổ cho bóng đá Việt Nam là cứ ấn cho thầy ngoại là xong!

NGUYỄN NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm