VFF cần những người dám “tử vì đạo”

03/09/2011 18:55 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Ngồi ghế Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ III và IV, ông Phạm Ngọc Viễn chính là một trong những người đặt nền móng cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Có lúc lâm vào sóng gió chốn hậu trường, mất chức, nhưng tiếng nói trong nghề của ông Viễn vẫn rất nặng ký để rồi ông lại trúng vào chức vụ Phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn khóa VI.

* Một chu kỳ đã qua, ông có cảm nghĩ gì khi nhìn lại một hành trình không phải ngắn mà bóng đá Việt Nam đang bước đi trên lộ trình lên chuyên nghiệp?

- Vậy mà đã 11 năm bóng đá Việt Nam tiến lên giải chuyên nghiệp. Có thể nói V-League là “đứa con tinh thần” mà tôi dành trọn tâm huyết. Năm 1998, lúc tôi bắt đầu có ý tưởng thành lập giải chuyên nghiệp, mọi thứ chỉ như con số “0”. Ngoài lời động viên của Liên đoàn bóng đá châu Á lẫn Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á, chúng ta đều bắt đầu từ hai bàn tay trắng. Trong cương vị Tổng thư ký VFF, tôi đã tổ chức 2 chuyến tham quan đi Malaysia (1998) rồi Hàn Quốc (2000), để quan chức Liên đoàn, các câu lạc bộ (CLB) có cái nhìn rõ hơn về giải đấu chuyên nghiệp. Thời điểm đó, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản sớm thành lập giải nhà nghề trước chúng ta 5 năm. Mỗi giải đấu lại có cái hay, cái dở riêng. Thành thử, áp dụng cho bóng đá ta không đơn giản. Tôi đã chấp bút viết đề án bóng đá bán chuyên nghiệp dày 150 trang, mất rất nhiều tâm lực.

V-League cần phát huy nội lực

* Vậy quan điểm thành lập giải chuyên nghiệp của ông có gì nổi bật và đáng lưu ý?

- Bóng đá Việt Nam sẽ có mô hình rõ ràng chia thành 3 bậc: Cơ quan điều hành giải đấu - các CLB chuyên nghiệp - các huấn luyện viên, cầu thủ chuyên nghiệp. Dựa trên mô hình này, cấp điều hành sẽ định hướng các CLB đào tạo huấn luyện viên, cầu thủ đạt đẳng cấp chuyên nghiệp. Thứ hai, trên cái nền ấy, bóng đá Việt Nam cần phải có được cái móng vững vàng hơn. Dựa trên sự đào tạo bài bản, có căn cơ, bóng đá Việt Nam sẽ được lợi từ sự phát triển về chất của từng đội bóng. Dù gì đi nữa, V-League ra đời nhằm nâng cao chất lượng của bóng đá Việt Nam, và mục đích cao nhất là cho ra lò những cầu thủ Việt Nam có năng lực chuyên môn tốt và chỉ có một nền bóng đá chuyên nghiệp mới nâng tầm đẳng cấp bóng đá Việt Nam.


Ông Phạm Ngọc Viễn, Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn của VFF. Ảnh: CTV

* Tiếc rằng ông đã không đi đến cùng với đề án đó?

- Tôi rời công tác tổ chức giải chuyên nghiệp vào năm 2005. Thành thử định hướng và những mục tiêu của tôi với V-League phần nào bị ảnh hưởng. Ví dụ như đã là các CLB chuyên nghiệp, ngoài chuyện con dấu, mô hình hoạt động, chuyện tổ chức hệ thống đào tạo trẻ bài bản là bắt buộc. Ấy thế mà, ngoài những đội bóng đáng biểu dương như Sông Lam Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Hoàng Anh Gia Lai... Có CLB như Vissai Ninh Bình chỉ có mỗi đội U15 là chấm hết. Kiểu đầu tư thiếu căn cơ ấy khiến các đội bóng bơm tiền vào sàn chuyển nhượng, đẩy giá cầu thủ lên chóng mặt. Tất nhiên, do sự khan hiếm cầu thủ nội giỏi, trượt giá về tiền mặt, khiến các CLB làm vậy, nhưng vô tình giết chết V-League về lâu về dài.

* Còn chuyện các CLB nhập tịch ồ ạt ngoại binh và quá ít đất diễn cho các cầu thủ trẻ thì sao, thưa ông?

- Do thiếu đi cầu thủ nội chất lượng, các CLB chạy đua nhập tịch, giành giật cầu thủ ngoại cũng trở thành trào lưu. Chuyện “đi đêm”, “chích” cầu thủ đội bạn nhiều không kể xiết. Đó là mầm loạn làm V-League đi chệch hướng và mất đi giá trị tôn chỉ của chúng ta. V-League cần là sân chơi của cầu thủ Việt, chuyện hạn chế nhập tịch, giảm dần ngoại binh trên sân là điều bắt buộc. Chứ có trận đấu ở V-League, cộng cả ngoại binh lẫn ngoại binh nhập tịch lên tới chục người thì còn ra thể thống gì. Trong khi cầu thủ nội, cầu thủ trẻ lại bị cho ra rìa vì thể lực, thể hình thua ngoại binh. Nhìn lại về cầu thủ nội, tôi cũng chưa thấy ổn, nhất là ý thức nghề nghiệp và tư cách.

* Theo ông, đâu là những mặt tích cực nhất ở V-League?

- 14 đội bóng V-League đều đã chuyển qua doanh nghiệp, đấy là tín hiệu mừng. Bản quyền truyền hình một trận đấu tuyển Việt Nam với đội nước ngoài cách đây vài năm chỉ có giá vài nghìn USD. Hiện tại, mức giá bản quyền truyền hình V-League đạt con số 6 tỷ. Chưa kể các CLB đã có tiền quảng cáo trên áo đấu, tiền quảng cáo trên sân... Với mức phí từ quảng bá chỉ đạt 30% số kinh phí các ông bầu đổ ra, nhưng giá trị thương hiệu, quảng bá cực lớn. Bởi không có bóng đá, liệu có ai biết bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hiển... là ai. Ngoài ra cơ chế về luật, mô hình tổ chức dần dần hoàn thiện.

* Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để V-League trở lại đúng quỹ đạo chuyên nghiệp?

- Tôi thực sự mừng ngoài Hoàng Anh Gia Lai, một số đội bóng V-League như Hà Nội.T&T, Hòa Phát Hà Nội, Sông Lam Nghệ An tính tới việc xây dựng học viện bóng đá. Chưa kể những trung tâm đào tạo trẻ có tên tuổi từ thời bao cấp cũng đang phát triển tốt từ CLB chuyên nghiệp tới khâu đào tạo trẻ. Theo tôi, với một số đội không có các đội trẻ, VFF cần có quy định thời hạn và xử phạt về hành chính nghiêm khắc hơn. Việc rút bớt số lượng ngoại binh xuống chỉ còn 2 cầu thủ trên sân, không nên nhập tịch bừa bãi nên triển khai quyết liệt. CLB mang danh chuyên nghiệp nhưng chưa đủ chuẩn cần đưa xuống hạng dưới. Chỉ có mạnh tay như thế, V-League mới trở lại đúng hướng đi đã vạch sẵn trong lộ trình 2001-2010 mà tôi đã từng vạch ra trước đó.

“Bằng chứng đâu?”, vẫn là bài toán hóc búa

* Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận “Bộ máy VFF chưa theo kịp tốc độ phát triển V-League”, còn ông?

- V-League vẫn trong giai đoạn quá độ, mọi thứ vẫn trong tình trạng “sai thì sửa” nên chuyện bộ máy VFF chưa theo kịp tốc độ bóng đá là việc bình thường. Ngay như xử lý kỷ luật, VFF hay Ban kỷ luật có luật trong tay để xử, nhưng mọi chuyện không phải dễ. Thời điểm này khác với lúc các anh Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly phạt đội bóng mà không cần bằng chứng cụ thể cũng làm được. Giờ không có bằng chứng, doanh nghiệp họ kiện chết, bởi số tiền đầu tư vào bóng đá là quá lớn. Theo tôi, cần có thêm một bộ phận thứ ba tách bạch và chuyên giải quyết vấn đề này.

* Ông nhận xét gì về công tác trọng tài?

- Tôi công nhận mùa này nhiều trận đấu chưa thực sự nghiêm túc. Và bản thân các trọng tài ở ta vừa yếu lại vừa thiếu về chất và lượng. Sai sót của trọng tài Trần Công Trọng (trận Hải Phòng - Hòa Phát) rồi trọng tài Nguyễn Văn Quyết (trận Bình Dương - Hải Phòng) cần phải được làm rõ hơn, thậm chí phải nhờ cơ quan điều tra.

Nói đi nói lại, cuối cùng lại đụng đến bài toán khó: Bằng chứng đâu? Cho nên, trong cuộc họp VFF tới đây, chuyện thành lập cơ quan chuyên trách của VFF có tính chất pháp quyền sẽ được đề cập. Bởi xử phạt không thể nói chuyện tình cảm mà phải dùng hình luật mà xử lý. Tất nhiên cơ quan này sẽ tách ra hoạt động riêng rẽ và chịu trách nhiệm xử lý những sai phạm từ lớn đến nhỏ.

* Chuyện một ông bầu sở hữu nhiều đội bóng, VFF sẽ tính sao?

- Phải có cách xử lý khéo léo. Vì quá độ, bóng đá Việt Nam cần những ông bầu tâm huyết và sẵn sàng chi tiền phát triển đội bóng. Nhưng về lâu về dài, VFF sẽ phải siết chặt về luật và không còn có chuyện ông bầu quản lý gián tiếp hay trực tiếp 2 đội bóng cùng chơi một giải đấu.

Bài học Christian Letard

* Việc VFF đền gần 200.000 USD cho huấn luyện viên Christian Letard sau khi đơn phương chấm dứt hợp đồng và ông “gãy” ghế, đấy thực sự là cú sốc với bóng đá Việt Nam...

- Thực ra chuyện phá hợp đồng với huấn luyện viên khi không còn thấy phù hợp là chuyện bình thường trong bóng đá. Chỉ buồn ở chỗ chuyện “bé xé ra to” và mọi tội lỗi lại bị đẩy hết lên vai tôi. Tôi từ chức nhẹ nhàng, bởi có người rơi vào hoàn cảnh như tôi, lại chẳng tìm cách đổ lỗi cho tập thể. Chuyện đúng sai thế nào giờ ai cũng rõ, đấy là cái sai chung, trong thời điểm chấp nhận được. Nhiều người nói, nếu không có sự cố đáng buồn ngày đó, ông Viễn đã cống hiến được cho bóng đá chuyên nghiệp nhiều hơn. Cũng có người nói đùa ông Viễn là kẻ tử vì đạo để giúp bóng đá Việt Nam có thêm những bài học đắt giá nhằm phát triển tốt hơn. Tôi cũng hay nói đùa bóng đá Việt Nam đang chập chững lên chuyên nên cần những người dám tử vì đạo, và VFF cũng vậy.

* Khóa VI, trúng ghế Phó chủ tịch chuyên môn VFF. Hẳn lúc đó ông nhiều xúc cảm lắm!

- Sau gần 4 năm quy ẩn, tôi mới trở lại trong vai trò phụ trách chuyên môn VFF. Nói thật là có quá nhiều thay đổi về nhân sự, cách vận hành trong tổ chức, điều hành, quản lý. Bản thân tôi sau cú vấp Letard cũng kín tiếng và thận trọng hơn trong mọi việc làm. Tất nhiên tôi cũng chưa hài lòng lắm với những gì mình làm, nhưng bắt đầu từ mùa sau, tôi sẽ dấn thân sâu hơn vào hoạt động cải tổ các ban ở VFF.

Đấy là cần phải mạnh tay chống tiêu cực, mạnh tay trong việc trong sạch hóa đời sống bóng đá. Không chỉ từ VFF, mà từ trọng tài, CLB, cầu thủ cũng như từ khán đài, tất cả đều cần thay đổi để có được sự chuyên nghiệp hơn. Tâm nguyện cuối cùng của tôi là V-League vươn lên tầm châu lục. Kéo theo đó bóng đá Việt Nam cũng thơm lây và giành được nhiều danh hiệu. Chứ tôi nghĩ danh hiệu vô địch AFF Cup 2008 là quá ít, trong khi chúng ta đủ tiềm lực để có nhiều thành công hơn nữa.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mộc Miên(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm