Tuyển Việt Nam: 9 điều kiện để tiki-taka 'nảy mầm'

10/04/2016 06:14 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đội tuyển Việt Nam đã kết thúc hành trình ở vòng loại World Cup 2018 nhưng với HLV Hữu Thắng và quá trình xây dựng một đội tuyển chơi thứ bóng đá mà người Việt ao ước là kỹ thuật nhịp nhàng thì mới chỉ bắt đầu. Cần quá nhiều thứ để Hữu Thắng có thể áp dụng lối chơi ấy thành công.

1. Các CLB V-League phải chấm dứt chơi bóng dài

Liệu có thể thành công không khi các cầu thủ quanh năm tập các giáo án chơi bóng dài, câu bóng bổng và thực hiện lối đá đó hàng tuần trong khoảng 26 tuần (gần như liên tiếp) rồi khi lên đội tuyển đòi hỏi họ phải chơi với lối chơi hoàn toàn khác? Các CLB ở Anh chơi thiên về thể lực nên đội tuyển Anh nhiều năm qua cũng có lối chơi tương tự dù họ đã thay đổi so với lối đá truyền thống chọc sâu chạy dài (Kick & Rush).




Đội tuyển Đức chơi Latin hơn từ thời HLV Klinsmann nhưng phải tới khi Bayern, Dortmund và nhiều CLB khác bớt thực dụng hơn, chú trọng tới kiểm soát bóng hơn thì Đức mới vừa đá đẹp và có hiệu quả tối đa. Ngay ở Thái Lan, nhiều CLB nước này cũng đã chơi kỹ thuật, chiến thuật được đề cao, thì đội tuyển của họ mới nâng tầng từ mức đá hợp lý lên mức có thể chuyền 25-30 đường liên tục rồi ghi bàn như thời gian qua.

2. V-League phải có nhiều bóng sống hơn

Ông Tanaka Koji, nguyên Trưởng giải V-League từng đưa ra đánh giá là trung bình mỗi trận ở V-League, bóng lăn chưa đầy một hiệp, tức là khoảng 44 phút. Thời gian còn lại là tranh cãi với trọng tài, ném biên, nhặt bóng, phạt góc, nằm sân, chờ bác sĩ... Thời lượng như vậy thua xa so với bóng đá đỉnh cao ở châu lục, là giải VĐQG Nhật, khoảng 55 phút, và ở châu Âu là 60-65 phút.




Với đội tuyển, khi đấu những trận quan trọng ở khu vực, thời gian bóng lăn cũng cao hơn. Và lối chơi kiểm soát bóng nếu đi kèm cả yêu cầu gây sức ép để giành lại bóng thật sớm sẽ đòi hỏi rất nhiều về thể lực. HLV Miura thường có xu hướng chọn các cầu thủ to khỏe là để khắc phục hạn chế đó, không mất nhiều thời gian vào việc nâng cao thể lực. Nhưng HLV Hữu Thắng lại chọn người để thực thi lối đá kỹ thuật, mà nhiều người lại mỏng cơm, thiếu sức bền sức mạnh.

Vấn đề này có thể được giải quyết khi đội tuyển tập trung dài hạn, nhưng nó sẽ ngốn một quỹ thời gian tương đối. Vì thế, nền tảng V-League tiếp tục cho thấy vai trò quan trọng. Giải pháp ở đây là cần hành động đồng bộ, mà đôi khi còn liên quan tới cả đội ngũ trọng tài nếu như các HLV ở các CLB không coi trọng việc đó còn các cầu thủ vẫn cứ lười nhác. Một V-League cần phải có những trận đấu giảm bớt thời gian bóng chết. Bóng đá châu Âu đỉnh cao trước đây thực hiện điều này thông qua việc các trọng tài yêu cầu đưa bóng trở lại cuộc chơi nhanh hơn, và sẵn sàng trừng phạt những lỗi câu giờ. Và họ đã làm tốt tới mức các trận đấu chỉ còn câu giờ kỹ thuật (chuyền bóng qua lại, đưa bóng tới cột cờ góc...).

3. Mặt sân ở Việt Nam không còn là mặt ruộng

Chúng ta đổ lỗi cho cái sân ở Iran quá xấu và ảnh hưởng tới chất lượng lối chơi của đội tuyển. Nhưng sân bóng đó thực ra cũng chẳng tệ hơn so với nhiều sân bóng ở V-League. Hãy cụ thể một chút: Chỉ có hai cầu thủ đá chính ở đội tuyển là được chơi và tập hàng tuần trên mặt sân chất lượng khi về với CLB, là Văn Thanh và Văn Toàn của HAGL. Hai trong số các hậu vệ là Ngọc Hải và Đình Hoàng chơi và tập ở SLNA, nơi mà mặt sân không được đánh giá tốt.




Hoàng Thịnh ở Thanh Hóa, nơi mặt sân cũng nổi tiếng vì xấu. Các trận đấu diễn ra trên mặt sân xấu thì không thể đòi hỏi phải có chất lượng kỹ thuật tốt ngay cả khi các HLV bỏ thói quen yêu cầu các cầu thủ bơm bóng cho tiền đạo Tây. Và như trên đã nói, chất lượng trận đấu ở V-League tốt thì chất lượng đội tuyển cũng tốt.

4. Đội hình 11 người sẽ gãy

HLV Hữu Thắng đã luôn xếp Xuân Trường, Tuấn Anh ở hàng tiền vệ, và thêm cả Văn Toàn đá tấn công bên hành lang phải, Văn Thanh đá hậu vệ trái đá chính ở cả hai trận đầu tiên – tín hiệu cho thấy sự trọng dụng. Đặc biệt, Xuân Trường và Tuấn Anh, Văn Toàn đá gần nhau để trông đợi sự ăn ý trong phối hợp và phát huy phong cách đá kỹ thuật.




Nhưng Tuấn Anh không phát huy được khi đá ngay sau lưng tiền đạo. Và trên hết, khó lòng trông đợi các cầu thủ mới 20 tuổi đạt được sự ổn định và chịu được áp lực. Họ chỉ là sự chuẩn bị cho tương lai, còn trước mắt và cho AFF Cup, đội tuyển cần những sự bổ sung để đội hình có chiều sâu hơn, nhiều sự lựa chọn hơn.

5. Văn Quyết và Công Phượng phải tạo nên sự khác biệt

Văn Toàn đã chơi tốt ở trận gặp Đài Loan (TQ) với một cú đúp. Nhưng ở trận với Iraq, Toàn không tạo được dấu ấn nào, nên sẽ hợp lý hơn nếu vị trí của Toàn được dùng để thử nghiệm các phương án Văn Quyết (bị VFF treo giò) hoặc Công Phượng (đang bình phục chấn thương).




Đây là những cá nhân đã chứng tỏ được nhiều hơn, có trải nghiệm và bản lĩnh hơn, đồng thời phù hợp với lối chơi kỹ thuật nhờ kiểm soát bóng, có khả năng đột phá. Sự đóng góp của họ nếu có sẽ làm giảm áp lực lên Công Vinh, người chắc chắn sẽ luôn là quân bài chủ chốt của HLV Hữu Thắng, nhưng Vinh lại đã 31 tuổi.

6. Bắt đầu với đào tạo trẻ

Đây là câu chuyện không phải để giải quyết các bài toán cho đội tuyển hiện tại. Nhưng khi lối chơi kỹ thuật, phối hợp nhỏ được coi là phù hợp với người Việt Nam, và bản thân chiều cao của người Việt cũng khó có thể được nâng tầng ngang bằng với các nước phát triển khác, thì các cầu thủ phải được dạy rất kỹ, chuẩn mực về cả kỹ thuật và tư duy.




Từ năm 1995, sự khác biệt giữa bóng đá Việt Nam và Thái Lan (qua lăng kính đội tuyển) là kỹ năng chạm bóng thứ nhất (1st touch). Đến năm 2003 vẫn là vấn đề đó (như đánh giá của Giám đốc Kỹ thuật Rainer Wilfeld lúc ấy). Và ngày nay cũng vẫn là "bước một". Lối đá kỹ thuật, phối hợp nhanh chỉ có thể được thực hiện khi các cầu thủ đỡ bóng chuẩn xác, quan sát nhanh (thậm chí từ trước) và có đồng đội di chuyển hợp lý. Giải U19 quốc gia mới đây ở Khánh Hòa mới thấy sự cải thiện về thể hình của các đội nói chung chứ chưa thấy nâng cấp về kỹ thuật và tư duy chơi bóng.

7. HLV phải có một phương pháp huấn luyện phù hợp

Ông Calisto có phương pháp huấn luyện mà không HLV nào ở Việt Nam từng thấy trước đó: Chỉ cho các cầu thủ tập với bóng, và thi đấu đối kháng. Ông mất hàng giờ mỗi ngày để chỉ cho các cầu thủ phải xử lý một đường bóng thế nào cho hợp lý, và quan trọng nhất, tất cả các vị trí còn lại phải di chuyển theo thế nào.




Việc tổ chức phòng ngự và giành lại bóng ra sao cũng được cắt nghĩa kỹ lưỡng. Chính vì thế đội tuyển của ông chơi cân bằng, và giàu tính nghệ thuật. Như vậy, phương pháp huấn luyện là tối quan trọng sau khi đã rõ ràng về triết lý. Đó là lý do mà tại sao Zidane phải cắp sách đi học Guardiola. Louis Van Gaal có ảnh hưởng lớn tới chính Guardiola nhưng các phương pháp huấn luyện của HLV trẻ người Tây Ban Nha lại tạo nên sự khác biệt. HLV Hữu Thắng sau hai trận hài lòng vì các cầu thủ hiểu họ cần phải chơi như thế nào, nhưng trận đấu với Iraq cho thấy quá nhiều vấn đề trong cách triển khai lối chơi dù đối thủ không còn xuất sắc nữa.

8. Phản công có thể là lẽ sống

Hầu hết các tình huống nguy hiểm ở trận gặp Đài Loan (TQ) là từ các pha phản công. Kể cả cú sút dội xà ngang của Công Vinh sau những đường chuyền mẫu mực cũng là từ phản công. Khi một đội bóng còn chưa có sự ăn ý trong việc chủ động tấn công, kiểm soát bóng, gây sức ép thì việc xây dựng những miếng phản công là con đường dễ mang lại hiệu quả.




Đấu với Iraq cũng là một bài tập để sau này phải đối phó với các đội bóng mạnh hơn trong khu vực, như Thái Lan chẳng hạn. HLV Hữu Thắng cũng đã chú trọng tới việc xếp đội hình sao cho đội tuyển có thể phản công trước Iraq bằng quyết định kéo cả Công Vinh và Văn Toàn mở rộng sang hai biên. Đây là cách tổ chức phản công mà ông Calisto từng xây dựng cho đội tuyển và ĐTLA: Đá phản công nhưng bằng những pha phối hợp nhóm ở tốc độ cao, ít chạm.

9. Chấp nhận thất bại ban đầu

Có thể thấy, khi đội tuyển thua Iraq 0-1 mà vẫn được khen ngợi thì rõ ràng Hữu Thắng đang được ủng hộ mạnh mẽ. Đây là điều hoàn toàn trái ngược so với những gì dư luận và truyền thông dành cho các HLV trưởng, kể cả nội lẫn ngoại.




Nó mở ra cơ hội cho Hữu Thắng có thể thử nghiệm con người, lối chơi, và lấy mục tiêu AFF Cup cuối năm làm trọng. HLV Calisto năm 2008 từng có 12 trận chuẩn bị không thắng trước khi họ tìm thấy niềm vui ở AFF Cup có thể là bài học quý.   

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm