Bầu Kiên có phải là một “tội đồ”?

03/09/2011 14:08 GMT+7 | V-League

(TT&VH Cuối tuần) - Làm ông bầu bóng đá nói riêng và thể thao nói chung không có nghĩa rằng tôi có tiền tỉ thì tôi có quyền và nó là đội bóng của tôi thì hãy mặc kệ tôi.

Từng có nhiều người Hà Nội liên hệ với tòa soạn Thể thao & Văn hóa chỉ để bày tỏ một điều rằng “Hà Nội ACB chỉ là đội bóng của ông Kiên nào đó, và họ cũng chẳng biết rõ ông Kiên đấy là ai, chứ không phải nó là CLB của bóng đá thủ đô”.

Họ bảo rằng họ rất bức xúc khi giới truyền thông gọi Hà Nội ACB là đội bóng thủ đô và những thất bại của đội bóng này, ví như thua tan nát hay rớt hạng đã làm cho con tim của người hâm mộ nơi đây nhói đau. Vì “chỉ có vài chục hoặc cùng lắm là trăm người đến sân xem đội bóng ấy, chứ dân số Hà Nội thì các anh biết rồi đấy, năm bảy triệu người chứ có ít đâu. Mà ngày trước, bóng đá Hà Nội là hơn 2 vạn khán giả ngồi kín sân Hàng Đẫy, là biết bao người ngồi nhà dõi xem qua màn hình tivi”.


Cách làm bóng đá của bầu Kiên không giống ai ở V-League. Ảnh: VSI

Hà Nội ACB cũng giống như một đội bóng không phải của thủ đô nữa, hoặc nếu vẫn còn, nó cũng chỉ như một đứa con ghẻ.

Vòng đấu áp chót V-League 2011, các đội bóng phải đá cùng giờ, Hòa Phát đi đá sân khách ở Long An, Hà Nội ACB và Hà Nội T&T đá sân nhà, nhưng tất cả cùng chung một sân Hàng Đẫy. Kết cục là HN T&T được ở lại, còn Hà Nội ACB xuống Mỹ Đình để nhận cái “án tử” xuống hạng Nhất khi đối đầu với Sông Lam Nghệ An, để thua 1-3.

Cái sân Hàng Đẫy từ năm 1958 vẫn được coi như sân của đội bóng Công an Hà Nội, tiền thân của Hà Nội ACB, dù cho có cả nửa tá các CLB đã từng lấy đây làm sân nhà như Đường sắt, Thể Công, Thanh niên Hà Nội, Hòa Phát...

Cách nay 7 năm, khi người ta cải tạo sân Hàng Đẫy, trồng lại mặt cỏ, bầu Kiên và bầu Long - Tuấn của Hòa Phát bỏ ra 2 tỉ đồng đầu tư dưới sự đồng ý của Sở Thể dục Thể thao thành phố và Ban quản lý sân theo kiểu nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nhưng giờ thì Hà Nội ACB giống như một đội bóng vừa mới ở đâu về ngụ cư và xin được thuê cái sân thân thuộc ấy đá mùa V-League ít vinh dự nhưng đầy lo âu.

Đó cũng chỉ là một sản phẩm của quy luật nhân - quả chứ không phải là sự hắt hủi vô cớ nếu nhìn lại những gì mà bầu Kiên đã làm.

Ông đã biến một CLB giàu truyền thống, đầy cá tính trở thành một thứ đồ chơi của riêng mình mà ở đó sự phản đối với cách quản lý của Liên đoàn, hay những mặt trái trong việc ứng xử với các trọng tài... chỉ là sự ngụy biện.

Vì đội bóng ấy thiếu sự đầu tư ngay trong cả khâu phát triển nền tảng để tạo ra những thế hệ cầu thủ có khả năng chứ không chỉ là chuyện keo kiệt trong việc thực thi cơ chế lương thưởng hay tham gia vào thị trường chuyển nhượng.

Khi Roman Abramovich trở thành ông chủ của Chelsea, ông đã nói rằng làm ông bầu là một công việc với những trách nhiệm rất lớn chứ không phải chỉ là chuyện tôi có tiền và tôi mua CLB rồi thì đó là chuyện của tôi, và không cần đếm xỉa đến các CĐV, đến truyền thống của CLB. Tức là với những ông bầu, bóng đá có thể là trò chơi, một cái thú giống như chơi chim, chơi bonsai..., một nỗi đam mê, nhưng còn có trách nhiệm rất lớn với một địa phương, với phong trào bóng đá, và thậm chí là với cả nền bóng đá của một quốc gia.

Trở lại với những trích dẫn phản ứng của bạn đọc Thể thao & Văn hóa là những người dân ở thủ đô nói trên, rõ ràng bầu Kiên qua sự tiếp quản, đầu tư và dẫn dắt đội bóng của mình, ông đã “hạ gục” một biểu tượng của thể thao và bóng đá Hà Nội, đã chẳng cáng đáng được bất cứ trách nhiệm nào với người hâm mộ cả.

Hay nói theo ngôn ngữ bóng đá thì cứ Thành Lương - một cầu thủ nhỏ con quê ở Hà Tây (cũ) ghi được 1 bàn ở tuyến trên trong trận đấu có tên “vì bóng đá Hà Nội” thì bầu Kiên ở dưới hàng thủ lại đốt lưới nhà 2 quả.

Vũ Hoàng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm