Vệt máu và chiếc áo blouse...

18/04/2017 09:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Bác sĩ Lê Quang D là Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, đồng thời là trưởng kíp trực ngày 16/4 tại Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội). Khi đang xem hồ sơ bệnh án, bố của một bệnh nhân nhi dùng cốc thủy tinh đập thẳng vào đầu bác sĩ D khiến ông bất tỉnh.

Vụ việc đang được điều tra làm rõ, song hình ảnh người bác sĩ với chiếc blouse trắng loang lổ máu này đang khiến nhiều độc giả thở dài.

Bởi, bác sĩ D bị tấn công ở nơi đáng lẽ phải là an toàn bậc nhất của xã hội: bệnh viện.

***

Cuối năm 2016, tôi có đưa người nhà đi cấp cứu tại bệnh viện tại Hà Nội sau một vụ tai nạn. Khoảng thời gian chờ phẫu thuật, trong phẫu thuật, rồi hậu phẫu với người nhà có lẽ là điều không ai muốn trải qua trong đời.

Lúc chờ phẫu thuật, cả phòng cấp cứu rặt người nhà bệnh nhân đều rất căng thẳng. Ai cũng mong người nhà mình có thể được cấp cứu trước, với hi vọng xác suất qua khỏi của bệnh nhân sẽ cao hơn.


Bác sĩ D. bị người nhà bệnh nhi hành hung khiến ngất xỉu và phải khâu 7 mũi. Ảnh: Internet

Khi đó, mọi ranh giới đạo đức đều mong manh. Ai ai cũng lướt một vòng danh bạ điện thoại, để tìm những "mối" có thể giúp cho sự sống của người nhà.

Rồi, trong quá trình phẫu thuật, người nhà bệnh nhân đứng chờ ở khu vực bên ngoài, gần phòng phẫu thuật. Tất cả đều đứng ngồi không yên. Mỗi khi y bác sĩ xướng tên bệnh nhân đã phẫu thuật xong, ai nấy đều nghẹt thở.

Bởi, sau lúc xướng tên, một chiếc cáng sẽ được đưa ra. Nếu trên chiếc cáng, bệnh nhân lấp ló đầu sau tấm chăn trắng, nghĩa là, bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng hậu phẫu. Còn, nếu khăn úp trên mặt bệnh nhân, đồng nghĩa, bệnh nhân sẽ được chuyển thẳng tới nhà xác.

Và đến phòng hậu phẫu, những ẩn họa liên quan tới tính mạng vẫn rình rập. Bệnh nhân bên cạnh người nhà tôi vừa mổ não xong. Ca mổ thành công. Nhưng khi tới phòng hậu phẫu, người nhà sơ ý không kéo thanh chắn của cáng, bệnh nhân quay người ngã lộn xuống đất. Bệnh nhân này lập tức được chuyển lại phòng phẫu thuật để mổ lại.

***

Những câu chuyện ấy chỉ là số ít trong hàng ngàn câu chuyện về sự căng thẳng, thậm chí là hoảng loạn của những ai từng đưa người thân vào bệnh viện. Khi tính mạng người thân đang bị đe dọa, nỗi đau và sự hoảng loạn ấy là lẽ tự nhiên và có thể thông cảm phần nào.

Nhưng, đồng thời, điều này cũng trực tiếp dồn thêm áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế, vốn đã chịu áp lực rất lớn từ sự quá tảihiện có về hạ tầng, về điều kiện khám bệnh và cả về số lượngngười bệnh

Mọi bức xúc, mệt mỏi, sợ hãi đều có thể khiến con người mất kiểm soát. Vụ việc ở bệnh viện Đa khoa Thạch Thất là điển hình. Và, nếu theo dõi các mặt báo, trong 3 tháng vừa qua, trên cả nước đã có không ít trường hợp những người làm trong ngành y bị hành hung, đe dọa, gây sức ép từ phía người nhà bệnh nhân.

Y, bác sĩ hiến máu cấp cứu bệnh nhân: 'chuyện thường ngày' ở bệnh viện

Y, bác sĩ hiến máu cấp cứu bệnh nhân: 'chuyện thường ngày' ở bệnh viện

Riêng tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, trong năm 2016, đã có 16 trường hợp các y bác sỹ trực tiếp hiến máu truyền cho bệnh nhân.


Không phủ nhận, những bê bối liên quan tới ngành y trong thời gian qua cho thấy: đạo đức và trách nhiệm của bác sĩ đang là một vấn đề nổi cộm trong xã hội. Nhưng ngược lại, chính họ cũng là những người cần được bảo vệ - khi nỗi đau có thể khiến những người khác nhìn họ như tội đồ, thay vì người đã trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho thân nhân của mình.

Sự bảo vệ ấy không chỉ đến ở lực lượng giữ trật tự - vốn thường rất "mỏng" tại các bệnh viện. Đó còn phải là sự bảo vệ để dư luận nhìn về ngành y một cách công bằng và chia sẻ hơn, thay vì toàn những gam màu xám.

Có như vậy, những tấm áo blouse thanh sạch mới không bị hoen nhoèn bởi máu của chính những người vận chúng!

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm