09/02/2018 08:00 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Về Nhật Tân trước tháng Chạp, giữa cơn gió mùa chính Đông tê buốt, những cành đào vừa tuốt lá khẳng khiu như thêm giá lạnh.
Trước kia, cứ độ giáp Tết, người chơi đào đến Nhật Tân thường tìm tới dinh đào, giờ đây, họ men theo bờ đê, ra phía bãi sông Hồng. Nếu có trót đi từ mạn Tứ Liên, nơi những vườn quất đang độ vào màu thì đến đây hẳn sẽ hụt hẫng vì gặp ngay những cành đào khẳng khiu, xám xịt. Nhưng đây là lúc cây đào đang tích nụ, chờ đúng độ Tết đến, Xuân về để bừng nở. Trăm năm trước đây vẫn thế, Xuân về người ta cứ phải nhắc đến hoa Đào xứ này.
Dinh Đào xưa thuộc một vùng gò cuối thôn Tây dọc đường cái gần hồ Tây, nơi mà đào hoa nở đẹp vô cùng, hơn hẳn cả độ bền lẫn độ thắm, dù vẫn chỉ là cây đào ấy mà thôi. Những người đam mê sắc đào Nhật Tân vẫn nhớ, xuất xứ đào Nhật Tân nằm ở dinh đào nay thuộc cụm 3, phường Nhật Tân, Tây Hồ.
Chữ “dinh” vốn là một từ rất sang trọng quý giá. Dinh là nơi chỉ dành cho những bậc quyền quý. Đào ở đây hẳn được người ta nâng niu như một thứ thượng phẩm cao sang nên mảnh này mới được gọi là “dinh”.
Đào trồng trong các dinh đào cổ thì chẳng đâu sánh được, bởi đất trong dinh cổ là đất cát pha, lẫn sỏi, bở và không ngấm nước rất hợp với cây đào. Dinh đào cổ hướng ra mặt Hồ Tây, quanh năm lộng gió. Nắng, gió và hơi nước đã tạo nên nụ đào căng mẩy, phấn trắng mịn màng, dăm đào đỏ tía, bông đào nở căng, sắc hồng tươi đậm, cánh nhiều hơn đào nơi khác. Khi hoa nở hết sẽ tàn và rụng từng cánh chứ không héo quắt lại. Những người Hà Nội sành chơi, một khi đã chọn những cây đào trong dinh đào cổ, họ sẽ chẳng bao giờ muốn chơi những cây đào trồng ở nơi khác.
Nhưng bãi bể nương dâu, biến thiên của tạo vận, dinh đào cứ bị đẩy lùi ra xa mãi. Công trình, dự án dựng lên, dinh đào lùi dần đến mạn chót bên trái đường Lạc Long Quân từ chùa Tảo Sách đến đường ra công viên nước. Rồi đến khi cơ dinh còn lại chỉ là những luống đào nằm rải rác, bị che khuất sau những ngôi nhà cao tầng bề thế.
Sinh nghề tử nghiệp, người dân không thể bỏ đào, họ chạy lên đồng dùng đất lúa trồng đào, rồi lại thuê đất làng tiếp tục trồng đào. Cho đến khi dinh đào chuyển hẳn thành “vùng đào kinh tế” ngoài bãi sông Hồng. Thành phố hỗ trợ đắp đê quai ngoài đê bối, làm đường, kéo điện, tôn nền đất cao lên để trồng đào.
Từ chỗ được coi là một di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, là biểu tượng văn hoá của Hà Nội trong ngày Tết với những ý tưởng hùng hồn sẽ dành chỗ xây dựng một công viên đào thuộc đất Nhật Tân để lưu giữ giống đào quý gọi là “đào di sản” cho khách thưởng lãm, đến khi ra ngoài bãi sông Hồng cũng đã là một sự thay đổi ghê gớm của một thương hiệu nức tiếng đại diện cho một vùng đất kinh kỳ hào hoa.
Trồng đào đất bãi có gió, có phù sa, có hơi nước sông Hồng có cái nhàn hơn. Nhưng người làm đào cũng lại ít cái thú hơn ở dinh đào ngày trước. Âu cũng là một sự thay đổi tất nhiên của những con người làm nên thương hiệu riêng có của đất Hà Thành.
Bởi có lẽ, những người ở dinh đào chẳng phải nông dân thuần túy mà còn phảng phất chút dáng dấp phố thị. Ngày xưa làm đào là nâng niu, tự hào, thậm chí có nhà tự cao, tự đại. Nay thì làm kiểu nông dân thâm canh gối vụ lấy nhiều làm lãi. Trong cái kỳ cuộc chăm cây, ít thấy đâu bóng dáng của niềm hưng phấn, cái tình gửi vào cây nó cũng ít đi. Mối lo thất bát sau cuộc đầu tư bạc tỷ và công sức cả năm đè nén hơn nhiều.
Lại càng tiếc nhớ “dinh đào” nay đã lùi xa.
Thảo Nhi
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất