Khoa học sẽ ‘khai tử’ Paralympic trong tương lai?

05/03/2014 19:10 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Hãy tưởng tượng một tương lai không còn sự kiện thể thao cho người khuyết tật. Một tương lai mà tất cả các VĐV sẽ được chữa khỏi. Kịch bản cách đây vài thập kỷ nghe chừng có vẻ nực cười, bây giờ không còn quá xa vời với sự phát triển của khoa học.


Các VĐV tranh tài tại Paralympic
mùa Đông

Theo các chuyên gia về y tế, thế giới đang có những tiến bộ quan trọng về hiểu biết và cách thức để giải quyết tình trạng tê liệt của các bộ phận trên cơ thể con người. Một số chuyên gia tin rằng thời điểm đó sẽ sớm đến khi các vấn đề tê liệt thứ yếu như ruột, bàng quang, rối loạn chức năng tình dục, biến chứng trong hô hấp, giảm trương lực cơ và mật độ xương; sẽ có thể chữa trị thông qua việc kết hợp các loại thuốc, thay thế tế bào, tập luyện và cả hỗ trợ từ các thiết bị điện tử. Đó là những dấu hiệu đáng khích lệ trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho mục tiêu cuối cùng: phục hồi chức năng của các chi bị tê liệt.

“Đây là một quá trình vô cùng phức tạp nhưng chúng tôi tin sẽ làm được”, bà Susan Howley, phó Giám đốc trung tâm nghiên nghiên cứu chứng tê liệt Christopher And Dana Reeve Foundation có trụ sở tại New Jersey, Mỹ cho biết. “Một số những người giỏi nhất trong ngành khoa học thần kinh đang nghĩ tới việc chữa trị tổn thương tủy sống và đang nỗ lực để hiện thực hóa nó. Đang có những kỳ vọng lớn”, bà Susan chia sẻ với AFP.

Tê liệt, toàn bộ hay một phần, xảy ra khi thông điệp từ não bộ bị mất trên đường tới các cơ bắp. 20 năm qua, các nhà nghiên cứu chưa tập trung tìm ra phương pháp chữa bệnh mà chỉ đơn giản là làm cho người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

“Có một niềm tin rằng bạn sinh ra với số lượng neuron thần kinh nhất định và khi chúng chết đi thì sẽ không thể chữa trị”, Mark Bacon – Giám đốc nghiên cứu tại trung tâm Spinal Research của Anh cho biết. Suy nghĩ đó nay đã bị bác bỏ. Trong phòng thí nghiệm những thí nghiệm phi thường đang được tiến hành. Chúng bao gồm thay thế, tái sinh tế bào, loại bỏ các mô sẹo, điện xung trị liệu và kết nối não bộ. Bên cạnh đó, còn có một số thử nghiệm lâm sàng để rà soát một loại thuốc hay kỹ thuật y tế mới.

Hy vọng về một bước đột phá

Sự đổi mới này đầy hứa hẹn nhưng gây tranh cãi liên quan tới việc thay thế hoặc tiếp thêm sức mạnh cho các tế bào của hệ thần kinh trung ương đã chết hoặc hỏng bằng cách sử dụng phôi thai tế bào gốc. “Chúng tôi hy vọng một bước đột phá”, Martin McGlynn- Chủ tịch của trung tâm StemCells Inc, nơi đang tiến hành cấy tế bào gốc trực tiếp vào

xương sống của bệnh nhân bị tê liệt, cho biết. “Phương pháp này có tiềm năng sẽ đem lại lợi ích lâu dài và làm giảm đáng kể gánh nặng chăm sóc sức khỏe tổng thể của bệnh nhân”.

Mặc dù đầy hứa hẹn nhưng những chuyên gia như bà Howley chỉ ra rằng việc nghiên cứu tế bào gốc, giống như hầu hết liệu pháp khác, đang trong giai đoạn trứng nước. “Chúng ta cần phải hiểu rõ những vấn đề như: loại tế bào tốt nhất được cấy ghép và loại tế bào nào sẽ thực sự thích nghi với hệ thần kinh trung ương để hoạt động tốt? và làm thế nào để đối mặt với những vết sẹo tại nơi bị thương tổn?”.

50.000: Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 người bị tổn thương tủy sống, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tê liệt.
Ba năm qua, phương pháp điện xung trị liệu đã cho thấy những dấu hiệu tích cực. Liệu pháp này bỏ qua nỗ lực liên kết não và các cơ, chỉ tập trung vào việc giảm đau, giảm trương lực cơ co thắt, thư giãn cơ... Một số thí nghiệm cho thấy người bị liệt đã có thể đứng trên đôi chân của mình và di chuyển nhẹ nhưng hầu như không có cảm giác. Một số thì đã có thể lấy lại chức năng kiểm soát bàng quang và chức năng tình dục. Nhưng điều kỳ diệu đó chỉ đến với ố ít bệnh nhân luôn tin rằng chẳng có gì là không thể làm được.

Phương pháp kết nối não bộ (sử dụng điện cực để đọc các suy nghĩ của não bộ, qua đó thực hiện chuyển tiếp tin nhắn đó tới các cơ để điều khiển nó hoạt động) cũng đã được sử dụng dù cho khá đắt đỏ.

Vậy cơ hội chữa bệnh sẽ thế nào? “Rõ ràng chẳng thể có viên đạn phép thuật duy nhất. Cách chúng ta suy nghĩ về việc chữa trị tổn thương tủy sống là phải tiến hành dần dần, từ vấn đề dễ dàng nhất cho tới khó hơn. Đó là một quá trình dài”, bà Howley cho biết.

K.Đ
Theo AFP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm