Vào trung tâm thành phố bằng cáp treo đô thị để chống ùn tắc giao thông

17/01/2017 07:48 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Những tuyến vận tải cáp treo không còn là hình ảnh xa lạ trên thế giới. Không chỉ mang ý nghĩa phương tiện vận tải, nhiều công trình cáp treo lớn trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân và biểu tượng của quốc gia.

Medellin (Colombia) là thành phố đầu tiên trên thế giới sử dụng cáp treo như một phương tiện giao thông công cộng. Hệ thống cáp treo Metrocab đi vào hoạt động từ năm 2004, giờ đây là niềm tự hào của thành phố lớn thứ 2, cũng là thành phố hiện đại nhất Colombia. 

Từ khi có cáp treo, việc đi lại của người dân đã được cải thiện đáng kể. Ông John Jairo Villegas, một hướng dẫn viên du lịch cho biết:“Giờ tôi vào trung tâm chỉ còn 20-30 phút, trong khi trước kia, phải mất tới 2 tiếng rưỡi”.

Bản đồ metrocab của Medellin tương đối dễ hiểu, chia làm hai phần metro và cab (cáp treo). Metro trong thành phố chỉ có 2 tuyến A và B. Còn cáp treo có 3 tuyến: Tuyến K xây dựng đầu tiên năm 2004, dài 1,8 km nối trung tâm thành phố với khu phố ổ chuột Santo Domingo. Bốn năm sau, tuyến J dài 2,7 km đi vào hoạt động phía tây thành phố. Tuyến L là tuyến mới nhất, hoàn thiện năm 2010, mục đích thu hút du khách trải nghiệm cáp treo và lên đỉnh núi cao nhất thành phố Medellin - đỉnh Avril. 


Toàn bộ hệ thống metrocab do tập đoàn Metro của Medellin quản lý. Kinh phí cho hệ thống lấy từ ngân sách thành phố. Cáp treo mỗi ngày chở hơn 30.000 lượt khách và vì tích hợp được cả hệ thống metro và buýt nên hành khách có thể đến các tuyến chính thành phố mà không sợ tắc đường giờ cao điểm.

Người dân thành phố Medellin: “Cáp treo đã thay đổi đời sống chúng tôi. Có hệ thống giao thông này, mọi người có thể đi làm, trẻ em được đi học thuận tiện hơn, có các dự án hỗ trợ, du lịch trên công viên Avril khởi sắc”.

Với những thành phố có địa hình hiểm trở, nằm trên các sườn núi cao và dốc thì cáp treo đã giải quyết được nhiều vấn đề của giao thông đô thị.

Thủ đô Caracas của Venezuela cũng đang vận hành hệ thống tương tự từ năm 2010. Một vài thành phố Nam Mỹ khác cũng sử dụng phương thức “bay ngang thành phố” này là La Paz (Bolivia), Rio De Jainero (Brazil). 

Metrocab đang trở thành giải pháp “cách mạng” để cải tạo giao thông cho các khu ổ chuột như các nước Mỹ Latinh. Thậm chí Bogota, thủ đô của Colombia, vốn được coi là điển hình của sự thành công trong việc áp dụng hệ thống buýt nhanh BRT cũng đang xúc tiến việc học tập thành phố Medellin.

Yến Anh - Vnews

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm