(TT&VH cuối tuần) - Chỉ vỏn vẹn chưa đầy 5 lượt đấu, vòng quay thay đổi huấn luyện viên (HLV) đã bắt đầu hoạt động trở lại. Trong cuộc trao đổi với TT&VH Cuối tuần, HLV Nguyễn Văn Sỹ (Xi Măng Xuân Thành Hà Tĩnh) đã có những tâm sự về sự bạc bẽo trong nghề cầm quân mà các HLV ở ta phải gánh chịu...
Ở ta đa số HLV phải thoả hiệp với cầu thủ
* Đưa đội V. Ninh Bình thăng hạng rồi học lớp bằng A HLV của Liên đoàn bóng đá châu Á. Tại sao anh lại sớm rời chức vụ HLV trưởng tại đội bóng đất Cố đô để về nắm quyền một đội bóng ở tận giải hạng Nhì?
- Lý do đầu tiên tôi có thể giải thích chính là việc Ban lãnh đạo (BLĐ) V. Ninh Bình muốn tìm một HLV mới phù hợp hơn đối với đội bóng mới. Ngay thời điểm tôi lên làm trợ lý tại đội tuyển quốc gia, V. Ninh Bình đã xúc tiến kế hoạch mời HLV Tavares về nắm quyền. Về phía bản thân tôi chấp nhận rời cuộc chơi thanh thản. Dù gì tôi cũng đã xác định trước kết cục phải như vậy nên cũng không có gì bận tâm cả. Tôi nên tìm một mảnh đất mới lập nghiệp hơn là ở lại nơi không còn cần mình. Dĩ nhiên, đội bóng mới phải là nơi tôi thoải mái vẫy vùng và tự tay mình giúp đội bóng phát triển. Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh (XMXT. Hà Tĩnh) đáp ứng được những đòi hỏi đó nên tôi về đây cầm quân dù rằng đội bóng mới chỉ thi đấu ở hạng Nhì.
* Tôi nghe tin anh quá mệt mỏi trong việc quản quân trên cương vị HLV trưởng của V. Ninh Bình. Do đó, anh đã hai, ba lần xin nghỉ ở cuối mùa giải hạng Nhất năm vừa rồi?
- Thông tin trên cũng có phần nào đó đúng. Không phải là chuyện cầu thủ không còn nghe lời tôi. Sự thực là có quá nhiều áp lực và tác động trong và ngoài chuyên môn dồn về phía HLV trưởng. Từ một người trợ lý tôi đã được đẩy lên làm lái chính, tôi vẫn vui vẻ chấp nhận. Thời thế lúc ấy không còn cách nào khác và đó cũng là cơ hội để rèn luyện nghề nghiệp cho riêng tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian mọi thứ không còn được êm ấm như trước. Nhất là sự thiếu đồng thuận trong quan điểm quản lý và phát triển đội bóng giữa tôi và BLĐ đội xảy ra. Khi không có được tiếng nói chung, tôi không còn cách nào khác phải ra đi đề tìm một câu lạc bộ (CLB) mới vừa sức mình hơn.
Nguyễn Văn Sỹ, HLV Xi Măng Xuân Thành Hà Tĩnh: “Ở Ninh Bình người ta thích mua bán hơn” * Anh có thể nói rõ hơn về vấn đề này.
- Quan điểm của tôi trong việc xây dựng đội bóng là rất rõ ràng. Tôi muốn một đội bóng phát triển bền vững, ổn định và có tính kế thừa trong đội hình. Có thế V. Ninh Bình mới tạo được bản sắc và lối chơi ưng ý. Tuy nhiên quan điểm trên lại không phù hợp với tư tưởng làm bóng đá chuyên nghiệp ở phía cấp lãnh đạo. Bản thân họ vẫn muốn duy trì chính sách mua bán, thay máu cầu thủ hàng loạt như trước đây. Làm bóng đá như thế thì rất đau đầu vì học trò phức tạp và rất dễ sinh loạn vì cầu thủ không quy về một mối. CLB trở thành một tập thể của những mảnh ghép rời rạc và tôi rất khó giữ lại những lại những gì chất nhất cho đội bóng. Tôi lại không muốn mình làm việc mãi ở môi trường như vậy.
* Phải chăng quan điểm này biến V. Ninh Bình trở thành CLB “sát” HLV nhất trong làng bóng đá Việt khi 7 lần thay “ tướng” chỉ trong 2 năm?
- Không phải riêng V. Ninh Bình mà nhiều đội bóng ở V-League toàn ấn cầu thủ vào tay HLV cả. Họ đâu biết cầu thủ đó có hợp với sơ đồ, lối chơi, phong cách của đội nhà hay không. Ở khía cạnh nào đó, HLV ở ta toàn ở thế bị động vì có quá ít quyền hành và cuối cùng là tìm cách thoả hiệp với cầu thủ. Thử hỏi cầu thủ được mang về - mà HLV không có quyết định chính - thì họ có tôn trọng quyết định của HLV trưởng hay không? Các cầu thủ họ cũng nhanh nhạy lắm biết ai là người quyết định vấn đề chuyên môn và cả vấn đề tiền bạc. Rồi họ phản ứng ra mặt vì họ đâu có sợ HLV. Đó là nguyên do chính khiến nhiều đội bóng thay tướng không ngớt mà vẫn chưa tìm kiếm được sự ổn định.
* Có lẽ áp lực từ những đồng tiền mà các ông chủ bỏ ra cũng khiến các HLV không giữ được sự tỉnh táo cho chính mình?
- Làm môi trường áp lực cao thì HLV phải nhận được đồng tiền xứng đáng với những gì mình bỏ ra. Ở V-League hiếm có HLV nào cá tính và dám tay đôi đòi hỏi quyền lợi như HLV Lê Thụy Hải đâu. Sự bị động của HLV cũng bắt nguồn từ việc họ thiếu đi những hợp đồng đảm bảo quyền lợi ở sau lưng. Chứ ký hợp đồng như ở bên Tây đố CLB nào thay HLV như thay áo được. Luật không cho phép mà tiền đền bù thiệt hại cũng rất lớn. Chứ không phải như bên ta chỉ đền bù vài tháng lương là xong chuyện.
Ăn xổi như ở ta thì Alex Ferguson cũng chịu
* Hẳn đó là một trong những nguyên nhân khiến việc các HLV ở V-League mất việc ngày càng nhiều chỉ trong thời gian ngắn?
- Một phần nguyên do ấy từ việc các huấn luyện viên ở ta không dám hay không có được thực quyền thật sự trong việc chỉ đạo đội bóng. Ở mặt còn lại là việc BLĐ đội bóng không dám đặt hết niềm tin hay trao toàn quyền quyết định mọi công việc quản lý tầm vĩ mô cho HLV trưởng. Bởi thế mới có cái cảnh các đội bóng “trảm” tướng mà không tìm hiểu kỹ nguyên do vì đâu. Việc chạy đua thay HLV vì thành tích tạm thời mà quên đi gốc rễ sâu xa là từ đâu nên chuyện. Đó là bối cảnh phức tạp ở V-League hiện nay.
* Anh không thể phủ nhận các HLV ở ta không dám đấu tranh quyền lợi cho chính bản thân mình?
- Đành rằng là thế. Xét về quan điểm cầm quân bất cứ một HLV nào cũng có tính toán riêng để cầu thủ đội nhà có điểm rơi phong độ tốt nhất. Cuộc chiến diễn ra ở 26 vòng đấu chứ ở V-League mọi thứ lại “nóng” ngay từ vạch xuất phát. Làm thầy giỏi tới mấy cũng khó điều chỉnh tốt từ bước khởi đầu. Chỉ vì vài trận không tốt mà đẩy HLV đi nhằm “giải hạn” thì quá vội vàng. Tôi nghĩ chỉ có bóng đá Việt Nam thì chuyện này mới xảy ra nhanh như thế thôi.
* HLV cần có được “thượng phương bảo kiếm” để quyết định mọi việc. Nhưng ngay những HLV ngoại vốn giỏi chuyên môn cũng không trụ lại nhiều ở V-League thì sao?
- Không thể phủ nhận về kiến thức chuyên môn của HLV Jose Luis (ĐTLA), Robert Lim (V. Ninh Bình) là rất nhiều. Nhưng bóng đá Việt Nam luôn cần những người áp dụng vào thực tế hơn là việc xa đà vào lý thuyết. Ngay HLV Calisto thành công ở Việt Nam vì biết biến mình trở thành một người Việt thật sự. Còn rập khuôn các công thức và bài học từ bóng đá châu Âu vào V-League chỉ thất bại hoàn toàn mà thôi. Nếu các HLV ngoại biết nhìn kỹ và lắng nghe xung quanh một chút sao họ có thể thất bại mãi được.
* Anh có nhận xét gì về hành động phản ứng ra mặt của tiền vệ Rafael đối với BHL đội V. Ninh Bình khi bị thay ra ở hiệp 2?
- Tôi biết tư cách cầu thủ người Brazil này không tới nỗi nào nhưng cách phản ứng thái quá như vậy là không thể chấp nhận. Cách hành xử thiếu chuyên nghiệp và có phần xem thường BHL như vậy đáng nhẽ phải bị phạt nặng để làm gương. Ngay cả việc HLV Nguyễn Văn Thịnh phải rời chức ở HN Tiền Giang khiến tôi thực sự sốc. Chẳng có cầu thủ nào lại có thể đem lý do không hợp với phong cách hô hào trên sân của HLV đội nhà cả. Thế mới thấy nghề làm HLV của chúng tôi bạc bẽo thật sự chứ chẳng sướng chút nào.
* Anh có nghĩ mọi quyền hành và công việc phải được giao hoàn toàn cho HLV trưởng?
- Điều ấy là lẽ dĩ nhiên. Ở V-League hiện nay chỉ có SHB. Đà Nẵng là giao toàn bộ quyền lực vào trong tay HLV Lê Huỳnh Đức. HLV trưởng phải đúng nghĩa “nhà quản lý” (manager) ngay công tác đào tạo chuyên môn, quản lý và điều động cầu thủ hay HLV các đội trẻ, xét duyệt kinh phí khi thi đấu... Có thể cầu thủ mới sợ và tuân thủ nghiêm khắc mọi yêu cầu từ phía BHL. Sự thay đổi quan điểm như thế mới giúp đội bóng trở thành một khối từ trên xuống dưới rồi.
* Vậy mong mỏi lớn nhất của anh đối với nghiệp HLV tại V-League là gì?
- BLĐ các đội bóng phải tôn trọng và tạo điều kiện tốt nhất để HLV có thể an tâm là việc. Chứ còn cái cảnh đổ mọi thất bại của đội nhà do đen đủi hay vì lỗi của mỗi HLV là không nên. Nên nhớ rằng đội bóng hàng đầu nước Anh là Manchester Utd có được ngày hôm nay nhờ quyết định đúng đắn trong việc giữ chân HLV Alex Ferguson ở lại. Tuy so sánh là khập khiễng, nhưng BLĐ đội bóng Anh quốc mà cũng chơi kiểu “ăn xổi, ở thì” như ở Việt Nam thì HLV Alex Ferguson cũng còn lâu mới có được thành công như bây giờ.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này!
Nhã Nam (thực hiện)