Quy tắc bàn tay bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục

21/03/2017 20:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Bằng cách sử dụng 5 ngón trên một bàn tay, bố mẹ có thể giúp con nhận diện được đâu là những người thân quen, những người có thể đến gần mình và đâu là những người xa lạ, không đến tiếp cận và đụng chạm vào cơ thể mình.

Trong cuộc sống, có nhiều đối tượng, nhóm người mà bé phải tiếp xúc, giao tiếp. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có quyền được tiếp cận và đụng chạm vào cơ thể bé. Chính vì không biết đến điều này, nhiều bé đã gặp phải nhiều mối nguy hiểm đe doạ, trong đó có thể bị dâm ô, xâm hại tình dục.

Quy tắc bàn tay dưới đây giúp trẻ nhận diện được 5 nhóm người thường gặp trong cuộc sống, đồng thời gợi ý cho trẻ những cách giao tiếp, ứng xử với từng nhóm người sao cho phù hợp. Từ đó, bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị lạm dụng, xâm hại tình dục.

Quy tắc này rất dễ nhớ và dễ học, bố mẹ hãy cùng dạy con mình để bảo vệ con nhé!

Quy tắc bàn tay:


- Ngón cái – ngón tay gần mình nhất - tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà nội ngoại, bố mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để những người này ôm hôn, ngủ chung, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín, không ai được phép nhìn thấy và chạm vào vùng kín của bé.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc cô, dì, chú, bác, họ hàng của bé. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa cùng bé. Song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào “vùng đồ lót”, bé cần phải phản kháng, hét to và gọi mẹ.

- Ngón giữa - người quen biết nhưng không thân với bé và ít khi gặp, nói chuyện như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Với những người này, bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi họ như một phép lịch sự.

- Ngón áp út - người quen của gia đình mà bé mới gặp lần đầu. Với những người này, bé chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất - thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an. Với những người này, bé không nên nói chuyện, cũng không nên cho họ đến quá gần mình. Nếu những người này cố tình đến gần bé, đụng chạm vào người bé nhất là đụng chạm vào “vùng đồ lót” thì bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

P.V (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm