26/02/2013 07:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Việc vinh danh, bảo tồn 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần gắn liền với một kế hoạch dài hơi để nâng cấp và phát huy giá trị của toàn bộ cụm di tích rộng hơn 54.000m2 này. Đó là khẳng định của rất nhiều chuyên gia trong cuộc tọa đàm sáng qua 25/2 tại Hà Nội.
Với chủ đề Công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 82 bia tiến sĩ, tọa đàm là một trong chuỗi hoạt động để đón nhận danh hiệu Di tích Quốc gia đặc biệt tại Văn Miếu, cũng như tấm bằng công nhận danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới (DSTLTG) từ UNESCO cho 82 bia đá tại đây (đều diễn ra vào tối 25/2).
Bia đá vẫn đang xuống cấp
Tất nhiên, với danh hiệu DSTLTG, việc bảo tồn và giới thiệu 82 tấm bia đá Văn Miếu trở thành điều được quan tâm nhất tại tọa đàm. Đến thời điểm này, toàn bộ 82 bài văn bia chữ Hán đã được các chuyên gia thuộc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám dịch ra tiếng Việt, tiếng Anh và in thành sách.
Dự kiến, trong thời gian tới, các bài văn bia này sẽ được dịch tiếp ra những ngoại ngữ khác và nghiên cứu hình thức giới thiệu hợp lý với khách tham quan. (Theo một vài chuyên gia, việc sử dụng hệ thống máy tính và màn hình LCD là khả thi nhất với hệ thống văn bia và bài thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng này).
Cũng với nạn “xoa đầu rùa” của sĩ tử mà dư luận đề cập tới vài năm qua, Ban quản lý Văn Miếu hiện đã tạm thời sử dụng hệ thống dây mềm để bảo vệ không gian đặt bia, đồng thời huy động đội ngũ sinh viên tình nguyện giữ trật tự trong những mùa thi cử. Tuy nhiên, việc tìm một phương án bảo tồn lâu dài cho di sản này lại đang gặp khó khăn.
Hệ thống bia đá Văn Miếu hiện được bảo vệ bằng dây mềm |
Cụ thể, theo lời TS Đặng Kim Ngọc (nguyên giám đốc TT), 2 phương án bảo vệ đang được các chuyên gia trình lên cấp trên phê duyệt là sử dụng kính chịu lực đặc biệt hoặc làm lan can gỗ. Theo đó, phương án thứ nhất cho phép khách tham quan chỉ có thể quan sát các bia đá từ ngoài vách kính chứ không thể chạm vào kho DSTLTG này. Phương án thứ 2 chỉ sử dụng hệ thống lan can gỗ cao 1m để quây quanh nhà bia.
“Phương án đầu an toàn, nhưng vách kính không hòa nhập lắm với không gian cổ kính của cụm di tích. Phương án sau đẹp và hài hòa hơn nhưng lại chưa thật triệt để trong việc bảo vệ” - ông Ngọc nói. “Chúng tôi đang chờ sự lựa chọn của các cấp quản lý cho một trong hai phương án này”.
Cũng cần nói thêm, các thống kê đưa ra cho thấy: 82 bia đá Văn Miếu (được dựng chủ yếu trong thời Lê - Mạc) đã bị hư hỏng toàn bộ hệ thống mái che trong cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và nhà Trịnh cuối thế kỷ 18. Từ đó cho tới mãi năm 1988, toàn bộ cụm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và số bia đá này bị xuống cấp nghiêm trọng trong cảnh dầm mưa giãi nắng, đặc biệt là với nạn ngập lụt tại vườn bia. Dù đã được tu bổ và dựng nhà che bia vào năm 1994, số bia này cũng vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về bề mặt và cấu trúc đá.
Theo KTS Nguyễn Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích), các nứt vỡ, sứt mẻ và hư hỏng trên bề mặt bia với diễn biến khá nhanh trong những năm qua. Đặc biệt, do một số lần tu sửa vội vàng, tự phát trước đây, rất nhiều bia đá đang mang theo những vết vá, sửa mất thẩm mỹ và sai lệch nghiêm trọng về mỹ thuật. Bởi vậy, theo ông Vinh, việc bảo vệ 82 bia đá cần gắn liền với quá trình khảo sát và nghiên cứu chi tiết về tình trạng và tác nhân gây hại cho mỗi tấm bia, từ đó có những biện pháp cụ thể cho riêng từng tấm.
Nên xây “bảo tàng ngầm” Văn Miếu?
Hiện, 54.000m2 của Văn Miếu được chia thành 3 không gian: hồ Văn, vườn Giám và khu Nội tự. Trong đó, ngoài khu Nội tự chứa hầu hết các di tích hiện có, 2 khu vực hồ Văn (nơi sĩ tử ngâm vịnh, bình thơ khi xưa) và vườn Giám (nơi diễn ra các sinh hoạt sau giờ học của học trò Quốc Tử Giám) mới chỉ được bàn giao cho Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu quản lý từ năm 1999.
Theo TS Đặng Kim Ngọc, trong thời gian tới, phía trung tâm sẽ tiếp tục quy hoạch và tổ chức nhiều hoạt động để phát triển 2 không gian này. Tại hồ Văn, đảo Kim Châu giữa hồ sẽ được cải tạo và xây nhà bát giác làm chỗ họp mặt của các văn sĩ. 2 chiếc cầu đá cũng sẽ được xây dựng để nối đảo Kim Châu với bờ với hình thức “văn kiều” (nhịp cầu của nghề văn), theo đó nhiều điển cố Nho học, các giai thoại văn học nổi tiếng của VN sẽ được trang trí trên thành cầu.
Ngoài ra, một số bia đá có trích dẫn các bài thơ, phú, văn nổi tiếng cũng sẽ được dựng quanh hồ để “tạo hồn” cho không gian này. Tại khu vườn Giám, trung tâm sẽ nghiên cứu tái hiện nhiều hoạt động trưng bày về lịch sử Văn Miếu như cảnh học tập, vui chơi, bình văn, bình thơ, lễ vinh quy bái tổ...
Mạnh dạn hơn, GS-KTS Hoàng Đạo Kính đề nghị Văn Miếu nên xin tiếp tục giải tỏa các hộ dân quanh khu vực hồ Văn, để mở rộng chiều ngang và chiều sâu của không gian này và có phương án giảm dòng xe cộ lưu thông qua con đường cạnh Văn Miếu nhằm tạo cảnh quan phù hợp với di tích.
Còn TS Nguyễn Văn Cường (Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) gợi ý: cụm Văn Miếu - Quốc Tử Giám cần sớm xây dựng một nhà trưng bày truyền thống quốc học, thậm chí là xây hẳn một bảo tàng truyền thống để giúp khách tham quan hiểu thêm về di tích và trưng bày các bộ sưu tập về lịch sử Nho học rất phong phú của VN.
“Không gian cổ kính của Văn Miếu không thích hợp cho việc xây dựng một công trình mới. Để hợp lý, chúng ta có thể xây dựng một bảo tàng ngầm dưới lòng vườn Giám. Bởi trong quy hoạch tổng thể của Hà Nội, sẽ có một tuyến tàu điện ngầm chạy qua đây trong tương lai. Việc kết hợp ga tàu điện ngầm với Bảo tàng Văn Miếu trong một tổng thể sẽ là một ý tưởng thú vị” - ông Cường nói.
Rất nhiều ý tưởng được đưa ra, cho dù trên thực tế, việc bảo tồn và nâng cấp cụm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới chỉ nhúc nhích ở những bước ban đầu.
Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất