09/04/2011 14:57 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Lỗ Tấn được xem là cha đẻ của văn học hiện đại Trung Quốc. Hầu như ở bất cứ thành phố nào mà ông từng sống đều có bảo tàng tôn vinh cuộc đời và tác phẩm của ông. Và vừa qua, ngôi nhà của ông ở gần Phụ Thành Môn - cổng phía tây tường thành ở Bắc Kinh - nơi ông chỉ sống 2 năm, cũng đã trở thành bảo tàng.
Lỗ Tấn cùng vợ là bà Hứa Quảng Bình và con trai Hải Anh
Lỗ Tấn sinh năm 1881 trong một gia đình quan lại đã sa sút ở Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Người cha bị bệnh mất sớm và điều đó đã tác động tới ông nên Lỗ Tấn đã quyết định theo học y khoa ở Sendai (Nhật Bản) theo học bổng của Chính phủ Trung Quốc. Sau nhiều năm ở Nhật Bản, ông bỏ học nghề y và theo đuổi sự nghiệp văn học. Sau này, nhà văn kể lại rằng, ông quyết định bỏ học y trong một buổi xem ảnh sau giờ lên lớp. Một vị giáo sư đã cho sinh viên xem nhiều bức ảnh mô tả những người đàn ông Trung Quốc bị quân Nhật chặt đầu. Trong những bức ảnh đó, nhiều người Trung Quốc khác đứng xung quanh theo dõi vụ hành xử như một trò biểu diễn. Nhìn thấy tình cảnh đó Lỗ Tấn nhận thấy việc “điều trị” sự kém cỏi tinh thần của người dân Trung Quốc còn quan trọng hơn cả sự ốm yếu về thể xác. Do vậy ông đã bắt đầu sự nghiệp văn chương huyền thoại của mình.
Ngoài việc viết truyện ngắn, tản văn và tiểu luận, Lỗ Tấn còn giảng dạy ở nhiều trường đại học, biên tập nhiều tạp chí và dịch tác phẩm của một số nhà văn nước ngoài. Lỗ Tấn còn đồng sáng lập Hội Nhà văn cánh tả ở Thượng Hải. “Ông hoạt động rất tích cực trong Trào lưu Văn hóa mới. Các bài viết của ông rất sắc sảo”, Huang Qiaosheng - Phó Giám đốc Bảo tàng Lỗ Tấn - nói.
2. Năm 1924, Lỗ Tấn đã mua ngôi nhà ở Phụ Thành Môn với giá 800 NDT sau khi xảy ra bất hòa với các anh em trong gia đình. Ngôi nhà có chiếc sân nhỏ truyền thống này đã được lưu giữ nguyên vẹn như thời nhà văn còn sống. “Chúng tôi hy vọng qua việc viếng thăm nơi này, du khách có thể hiểu sâu hơn về cuộc đời của Lỗ Tấn trong thời gian ông sống ở đây. Mặc dù là một nhà văn nổi tiếng, nhưng ông sống rất thanh đạm”, ông Huang bày tỏ.
Trái nhà phía bắc có phòng khách và 2 phòng ngủ. 1 phòng ngủ dành cho mẹ Lỗ Tấn và phòng kia là cho người vợ đầu của ông - bà Zhu An, một người mù chữ và theo hủ tục bó chân. Năm 1903, mẹ Lỗ Tấn chọn cho ông người phụ nữ đó để kết hôn. Mặc dù chẳng mảy may yêu thương người vợ này, nhưng ông vẫn vâng lời cha mẹ và chu cấp mọi nhu cầu vật chất cho bà Zhu An trong suốt cuộc đời. Đằng sau phòng khách, nhà văn trổ thêm một phòng để làm phòng ngủ, đồng thời là phòng nghiên cứu cho mình mà ông gọi đó là “đuôi hổ”. Trái nhà phía nam, Lỗ Tấn dùng để tiếp khách và lưu giữ các sưu tập sách lớn của mình.
Ngôi nhà của Lỗ Tấn ở Phụ Thành Môn
Năm 1926, Lỗ Tấn rời khỏi ngôi nhà và chuyển tới Hạ Môn sau khi xảy ra cuộc thảm sát sinh viên ngày 18/3. Thời gian đó, nhà văn gặp được tình yêu lớn của mình – bà Hứa Quảng Bình – người lúc đó là sinh viên tại trường ĐHTH Bắc Kinh. Và từ đó bà đã song hành cùng nhà văn trong phần đời còn lại của ông.
Bảo tàng cạnh ngôi nhà cũ của ông là một không gian triển lãm về cuộc đời Lỗ Tấn với những dòng ghi chú về các vở kịch được viết bằng tiếng Hoa và tiếng Anh. Triển lãm được phân chia theo thời gian ông sống ở những thành phố khác nhau, như Thiệu Hưng, Nam Kinh, Sendai (Nhật Bản), Bắc Kinh, Quảng Châu và Thượng Hải.
Triển lãm vẽ lên một chân dung thân tình của Lỗ Tấn, nêu bật được những sức mạnh của ông thông qua các cuốn sổ ghi chép và tác phẩm dịch, tác phẩm nổi tiếng và tấm bằng tốt nghiệp Viện Quân sự. Tuy nhiên, triển lãm này còn bộc lộ phần dễ bị tổn thương của ông, những dòng ghi lại nỗi thất vọng của nhà văn khi ông không thể cứu giúp được các sinh viên bị bắt giam ở Quảng Châu. Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày những vật dụng cá nhân mà Lỗ Tấn sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, nhiều bức thư tình của nhà văn gửi cho bà Hứa Quảng Bình, nhiều bức ảnh gia đình, trong đó có bức ảnh ông ôm con trai Hải Anh (con trai nhà văn Lỗ Tấn và bà Hứa Quảng Bình vừa qua đời ở tuổi 81).
Lỗ Tấn qua đời ngày 19/10/1936 do bệnh lao. Trong triển lãm cũng trưng bày cuốn nhật ký ông viết trước khi từ giã cõi đời.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất