03/09/2014 08:31 GMT+7
1. Tôi nghĩ vậy khi đọc Đừng khóc những hàng cây của tác giả Nguyễn Gia. Tôi hoàn toàn đồng ý: “Để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi. Cái giá của văn minh sẽ chỉ đắt nếu sau này con cái chúng ta nhận được cái không xứng đáng với những điều chúng ta đã đánh đổi”. Đồng ý luôn câu kết của bài viết: “Thay vì tiếc nuối, chỉ cần hy vọng cái chúng ta nhận được sau này sẽ không rẻ mạt, sự hy sinh sẽ không vô nghĩa”.
Nhưng như bình luận của độc giả Hà: “Tôi vẫn thích những bài của tác giả Nguyễn Gia, nhưng bài này, đặc biệt là câu kết, tôi không nhất trí. Muốn thôi tiếc nuối để hy vọng phải có căn cứ. Trước đây Hà Nội đã đánh đổi vườn đào Nhật Tân và Dinh Đào để có được cái gì; đã đánh đổi di tích Hỏa Lò để có được cái gì; đã đánh đổi rất nhiều diện tích Hồ Tây để có được cái gì - thì bây giờ chúng ta đã thấy” - tôi tin rằng những gì đã thấy qua bốn thập niên khiến chúng ta không thể dừng tiếc nuối.
Tác giả Nguyễn Gia dẫn: 125 năm trước các trí thức lớn của Pháp đã phản đối kịch liệt việc xây dựng tháp Eiffel, gọi nó là con quái vật vô dụng, gớm ghiếc. Rằng: “Ngày hôm nay, khi ngắm Eiffel vươn lên giữa các tòa nhà cổ kính của Paris, người ta mới thấy ngưỡng mộ trước sự táo bạo của công trình…”. So sánh này sang trọng nhưng bất tương, bởi không thể đem vật thể kiến trúc làm “bài học” quy hoạch…
Trong bài Tháng bảy còn mãi, sau khi khuyến cáo xóa bỏ ký ức một vùng đất, một đô thị là cách tốt nhất làm con người mất gốc, TS Nguyễn Thị Hậu đã kêu lên mông lung nhưng xác đáng: “Cứ như vậy, sẽ không còn gì làm cầu Ô thước nối liền quá khứ và tương lai. Tháng Bảy cứ còn mãi, những gì đã mất sẽ không bao giờ siêu thoát…”. Có thể đa cảm, nhưng những người khóc cây không thiểu trí đến mức không biết “để vươn tới hiện đại, sự thay đổi - động lực của phát triển là không thể tránh khỏi”. Nhưng họ biết, như Nguyễn thị Hậu, vẫn có những phương pháp kỹ thuật để giảm thiểu sự hủy hoại di sản, nếu như nhà quản lý và đầu tư thực sự hiểu biết và quý trọng di sản.
2. Mười năm trước, trong một bài đăng trên tạp chí Nhà Đẹp tôi viết: “Một người bạn Pháp của tôi lần đầu đến Việt Nam đã đưa ra nhận xét: Nhà phố nước bạn mang nét đẹp vị kỷ. Chữ vị kỷ của khách khiến tôi giật thót. Mà có đâu xa, loanh quanh khu phố mình thôi: mỗi nhà một kiểu, đẹp, nhưng cả khu phố là quần thể lô nhô, thiếu vắng cái bản sắc mà thường chỉ lướt mắt, du khách có thể biết họ đang ở xứ nào”.
Với tư duy xây dựng vị kỷ, Việt Nam đang mất dần bản sắc với tốc độ điên đảo. Con gái tôi sinh trưởng ở Pháp, mỗi lần nhìn thấy di tích Việt Nam bị phá, cháu lại rên lên xót xa. Cháu tôi, sắp xong cử nhân kiến trúc ở Toulouse, đang muốn học tiếp ở Paris hoặc nơi khác vì Toulouse chỉ có khoa quy hoạch đô thị. Lý do, theo cháu, quy hoạch đô thị ở ta quá ít chỗ cho kiến thức căn bản.
Trong bài viết của mình, KTS Nguyễn Ngọc Dũng, sau khi nhận xét “Sài Gòn xưa giờ đang trở thành đô thị của một nước xa lạ nào đó”, đã than thở: “Quy hoạch mỹ miều 300 năm của Hòn ngọc Viễn Đông đang phải nhường chỗ cho đô thị hiện đại chưa được định dạng”. Tôi thì thấy nó đã ló dạng - đâu cần phải thất bại về khả năng tưởng tượng, bởi những gì ta thấy không “quái vật” đến mức phải hy vọng cái chúng ta nhận được sau này là gì. Nó đẹp, hữu ích cho cộng đồng nào đó, và phảng phất diện mạo… Singapore!
Những người khóc cây vẫn khóc vì lịch sử đang bị đánh đổi cái hiện đại sao chép. Không phải khóc cây, khóc gỗ.
Việt Linh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất