05/08/2024 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Từ 31/7 đến 9/8, trại sáng tác văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại tỉnh Phú Yên. Trong khuôn khổ trại sáng tác này, hàng chục nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình cùng tọa đàm chủ đề Văn học thiếu nhi hiện nay - Thực trạng và giải pháp.
Đây cũng là cơ hội để các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình cùng chia sẻ, hiểu hơn về lĩnh vực mình quan tâm, theo đuổi và có sự am hiểu hơn với con đường mình chọn vốn được đánh giá tưởng dễ mà rất khó!
Những tín hiệu lạc quan
Theo đề dẫn tọa đàm Văn học thiếu nhi hiện nay - Hiện trạng và giải pháp, có thể thấy những tín hiệu lạc quan trong việc phát triển văn học thiếu nhi hiện nay. Đội ngũ tác giả ngày càng đông đảo hơn, chuyên nghiệp hơn, với những nhà thơ, nhà văn tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Trần Đức Tiến, Lý Lan, Kim Hải… đã tạo dấu ấn của mình trong lĩnh vực này hiện vẫn có sáng tác mới, còn có thế hệ 8X, 9X với Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Kim Hòa, Cao Nguyệt Nguyên, Hồ Huy Sơn, và có cả đội ngũ tuổi mới lớn viết cho thiếu nhi như Cao Việt Quỳnh (13 tuổi), tác giả của 5 tiểu thuyết (có tác phẩm đạt giải sách Việt Nam), Cao Khải An (12 tuổi) nhận Giải thưởng Khát vọng Dế Mèn vào năm 2020 là 2 tác giả nhí hiếm hoi được ghi nhận bởi những giải thưởng uy tín.
Môi trường để văn học thiếu nhi phát triển hiện có sự quan tâm từ nhiều ban ngành. Hiện đang có nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi cùng diễn ra trong một năm với những giải thưởng hấp dẫn như Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, Cuộc vận động sáng tác của NXB Kim Đồng, Giải văn học thiếu nhi (nằm trong khuôn khổ giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP.HCM), Giải thưởng sách thiếu nhi của Sở TT&TT TP.HCM…
Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), nhắc đến văn học thiếu nhi, chúng ta cũng cần nhắc rằng, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, trong đó nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người quyết liệt nhất, đã dành tình cảm thật sự ưu ái, sự trọng thị và quan tâm rất lớn đến mảng văn học thiếu nhi. Bằng cớ là đã thành lập Hội đồng Văn học thiếu nhi, xuất hiện giải thưởng cho sách văn học thiếu nhi trong hệ thống giải thưởng thường niên của hội, có những cuốn sách hay đã được in và phát hành miễn phí tặng thiếu nhi và chúng ta có cuộc vận động sáng tác dành cho thiếu nhi. Đợt vận động sơ kết vừa rồi có thể thấy được chất lượng của nó.
"Văn học là loại hình nghệ thuật kéo con người đi về ánh sáng của những cái thiện bằng cách gỡ bỏ dần những bóng tối của con người như sự tàn ác, thói ích kỷ, thói tham lam để xây dựng một nhân cách, một đời sống cao đẹp hơn" - Nguyễn Bình Phương nói.
Và anh khẳng quyết: "Vì thế ở góc cạnh nào đó, tôi nghĩ văn học cũng mang tính giáo dục và điều này thì quan trọng đối với văn học thiếu nhi. Bởi vì qua những tác phẩm, chúng ta tạo sự khơi mở và thấu hiểu, giúp cho các em thấu hiểu thế giới; từ thấu hiểu thì chúng ta có sự thông cảm và tình yêu thương con người nói chung. Chúng ta truyền đi được thông điệp làm sao để biết yêu được thế giới quanh mình, yêu được đồng loại mình, và phải yêu được chính bản thân mình. Không yêu mình thì không đủ sức yêu người khác".
Nói về "cú hích" trong văn học thiếu nhi, nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng không một nhà văn nào trong suốt cuộc hành trình sáng tác của mình lại không có một đôi lần viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Nhưng thành công thì không phải ai cũng đạt được. Và mấy năm gần đây cũng đã có không ít những cuộc hội thảo sôi nổi, nghiêm túc, đầy trách nhiệm, đặc biệt có nhiều đơn vị đã có những nỗ lực thiết thực nhằm tạo nên những "cú hích" đột phá như tổ chức những cuộc thi với quy mô lớn, giải thưởng cao. Nhiều nhà văn vào cuộc và cũng nhiều nhà văn (có vào cuộc) mới tự biết rằng, mình cần phải ngả mũ "chào thua" sớm.
"Để trở thành người kể chuyện cho các em, tôi vẫn đang tập lắng nghe, trò chuyện với bọn trẻ xung quanh tôi mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần một người bạn biết kể chuyện hơn một người lớn xa lạ kể chuyện" - nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
Viết văn học thiếu nhi rất khó!
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, Lev Tolstoy đã nhận định viết văn học thiếu nhi rất khó.
Quả thật, viết văn học thiếu nhi không chỉ để trẻ em đọc (mà viết cho trẻ em, phải nắm được tâm lý, suy nghĩ của lứa tuổi - điều này đã khó) còn phải thuyết phục được phụ huynh, ông bà cha mẹ - những "bộ lọc" người lớn, bởi nếu không thuyết phục được người lớn thì không ai mua sách cho trẻ đọc.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định, vẫn còn những khó khăn đáng kể trong việc phát triển văn học thiếu nhi. Ông đưa ra những trăn trở về một thế hệ thích truyện tranh hơn truyện chữ. "Thuở còn thơ thế hệ chúng tôi không mấy ai không nhớ truyện chú người gỗ; cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia; Timur và đồng đội... của Liên Xô. Bây giờ tranh truyện tràn lan, ngoài sức cuốn hút kỳ lạ của Doraemon còn có hàng chục đầu sách tranh truyện dài hàng vài chục tập lôi cuốn các cháu vào mê hồn trận của các trò ảo đầy biến hóa li kỳ. Nhiều bậc phụ huynh quá lo lắng về tác hại của tranh truyện (trong đó có tôi). Tôi thấy tranh truyện bây giờ người ta ít quan tâm đến giá trị thẩm mỹ, kể cả tranh vẽ cẩu thả, tùy tiện lẫn lời lẽ trong tranh thiếu hẳn chất văn học - họ chỉ quan tâm tới hành động và hành động mà thôi!"
Nhà văn Thái Chí Thanh (Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ về sự nỗ lực xây dựng một tạp chí văn học thiếu nhi trong tương lai gần với số lượng in 4 tuyển tập mỗi năm, dự tính số lượng in hàng ngàn bản và dựa hoàn toàn vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Đây là việc khó nhưng không thể không làm. Nhà văn viết cho thiếu nhi cần nhiều hơn đất sáng tác cho mình.
Nhà thơ Hoa Mai, tác giả của tập thơ thiếu nhi Hoa thơm tay bé, lại cho rằng: "Viết thơ thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Phần lớn người lớn làm thơ thiếu nhi nên không thể tránh khỏi lộ liễu sự giả trân, nhất là sự cố tình lồng ghép thông điệp giáo dục. Bây giờ lòng yêu thơ của lứa tuổi thiếu nhi đã bị che phủ bởi nhiều thú vui giải trí khác. Tôi nói "che phủ" vì tâm hồn thiếu nhi vẫn còn đó y nguyên, nhưng chúng biểu cảm tâm hồn ấy theo thời đại mới, mà người lớn có khi không cập nhật kịp. Một nguyên nhân nữa là văn hóa đọc của trẻ em bây giờ cũng thay đổi nhiều về xu hướng… mà người lớn nhiều khi không bắt nhịp được.
Còn theo nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa, khó nhất khi viết cho thiếu nhi, có lẽ là việc sắm cho mình một "cặp kính trẻ con" để quan sát và kể chuyện.
"Công việc tôi gắn với trẻ con hằng ngày, tôi luôn xem đó là một lợi thế khi tham gia sáng tác văn học thiếu nhi. Nhưng càng đi lâu hơn với mảng đề tài "ưu thế" này, tôi càng nhận ra mình vẫn đang loay hoay với lớp ngôn từ "cải trang trẻ nhỏ", chưa thực sự có được cặp mắt nhìn thế giới vô cùng độc đáo của các em. Bước vào thế giới của trẻ nhỏ, nơi những vị khách người lớn rất dễ lạc lõng, để cố làm một đứa trẻ, kể những câu chuyện từ góc nhìn "trẻ nhỏ giả hiệu" sẽ không thể thu hút được độc giả nhí" - Kim Hòa nói.
"Quan sát các học sinh mình, tôi nhận thấy trẻ nhỏ (dù thời đại nào) cũng đều mê nghe kể chuyện. Để trở thành người kể chuyện cho các em, tôi vẫn đang tập lắng nghe, trò chuyện với bọn trẻ xung quanh tôi mỗi ngày. Trẻ nhỏ cần một người bạn biết kể chuyện hơn một người lớn xa lạ kể chuyện" - cô giáo Nguyễn Thị Kim Hòa kể thêm.
Giải pháp mà nhà thơ Hoa Mai có được cũng từ thực tiễn. "Tôi làm thơ thiếu nhi một cách bản năng, từ lòng yêu trẻ (ban đầu xuất phát từ việc muốn làm thơ ghi lại những kỷ niệm đẹp của cháu ngoại). Khi quan sát những sự vật hiện tượng xung quanh, tôi nghĩ mình là bạn của chúng, chơi cùng chúng, cùng các cháu nhìn thế giới, cùng lắng nghe các cháu, nói bằng suy nghĩ, cách quan sát thế giới của chúng. Khi tôi viết thơ thiếu nhi, không chú trọng gồng mình vào bài học giáo dục đạo đức. Bởi tôi nghĩ, tâm hồn con trẻ, được soi chiếu qua đôi mắt trẻ thơ đã quá đủ sự trong trẻo nhân văn cho người lớn thèm muốn, quay lại đắm mình trong đó rồi".
Tác giả của tiểu thuyết Lạc rừng, nhà văn Trung Trung Đỉnh đưa ra ví dụ về "hiện tượng văn học thiếu nhi" Nguyễn Nhật Ánh. Hiện tượng sách được các em đón nhận nồng nhiệt như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không nhiều. "Tôi nghĩ, trong tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh dứt khoát phải có "cái gì đó" trong bút pháp, trong thủ pháp, trong rất nhiều yếu tố như câu chuyện, lối kể chuyện, cách nắm bắt tâm lý, sự thể hiện "thế nào đó" mới khiến các em say mê đến vậy. Tôi đem điều băn khoăn này nói chuyện với mấy người bạn có nhiều thâm niên biên tập sách ở Nhà xuất bản Kim Đồng, các bạn tôi bảo, hình như Nguyễn Nhật Ánh nắm được bí quyết quan trọng nhất, ấy là tâm lý lứa tuổi thiếu nhi và anh ấy rất hiểu sở thích của các em".
"Có thể nói, trong các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, anh quan tâm nhiều tới yếu tố giải trí, chọc cười. Nhận xét này theo tôi là khá xác đáng, nhưng hình như vẫn còn thiêu thiếu. Tiếp theo, một người khác đưa ra nhận định: Đó là tài năng và tâm huyết, thêm nữa, đó cả là định mệnh, cơ duyên của mỗi ngòi bút! Trong văn học, chức năng giải trí là một chức năng đặc biệt quan trọng, nhất lại là văn học viết cho các em. Làm tròn được một chức năng giải trí "cỡ ấy" (cỡ Nguyễn Nhật Ánh - PV) đã là quý hiếm lắm rồi. Nói vậy thì tôi chịu" - Trung Trung Đình kết luận.
Để thêm thấu hiểu thiếu nhi
"Viết văn học thiếu nhi cũng có nghĩa là không chỉ để cho các em mà còn cả người lớn đọc văn học thiếu nhi. Viết văn học thiếu nhi cũng để giúp chúng ta thấu hiểu thiếu nhi, từ đó có cách ứng xử và cách tôn trọng nhất định, vì thiếu nhi cũng cần được tôn trọng và bình đẳng như chúng ta trong những khía cạnh khác. Điều này tôi cho là quan trọng. Muốn làm được như thế thì chắc chắn tác phẩm phải cuốn hút, phải hay và qua cuộc sơ kết đợt 1 vừa rồi chúng tôi cũng nhận ra rằng đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi và chất lượng sáng tác văn học thiếu nhi đang có những bước vận động rất tốt về phía trước" - trích phát biểu của nhà văn Nguyễn Bình Phương.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất