27/01/2015 10:54 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - Gần 2 thập kỷ trước, bóng đá Việt Nam có một tranh cãi ai là HLV đầu tiên cho đội bóng chơi với sơ đồ 4 hậu vệ. Trong số đó có lời giải là ông Đoàn Phùng ở Huế và ông Quản Trọng Hùng ở Thể Công.
Rồi cách nay khoảng một thập kỷ bóng đá Việt Nam lại tìm xem đội bóng nào ở V-League chơi với sơ đồ 4-5-1 hình cây thông thời thượng.
Cả 2 sơ đồ (hoặc một phần) chiến thuật ấy đều đã quá phổ biến trên thế giới, nhưng nó đều được coi là dấu mốc trong tiến trình hội nhập của bóng đá Việt Nam: Các HLV tiếp thu kiến thứ bóng đá hiện đại, còn cầu thủ thích ứng với tư duy mới mẻ.
Nhưng cả Huế của ông Đoàn Phùng lẫn Thể Công của ông Quản Trọng Hùng sau đó đều bết bát trong xu thế bóng đá quốc doanh nhường chỗ cho bóng đá tư nhân và sự xuất hiện ồ ạt của các cầu thủ ngoại.
Hải Phòng (trái) chơi ổn định sau 5 vòng đấu nhờ phần lớn vào phong độ của các ngoại binh như Fagan (trái). Ảnh: V.S.I
Sơ đồ chiến thuật hàng tứ vệ giăng ngang với hàng tiền vệ hình thoi hay hình thang trở nên vô nghĩa trước một công thức giản đơn là lắp 2 tiền đạo ngoại (đa phần là da màu) cho hàng công, còn phía dưới dù được tổ chức theo mô hình nào cũng đều có cùng công năng là bơm bóng cật lực lên trên. Sơ đồ đó gọi là 8-2, còn nếu cặp tiền đạo đá theo kiểu một thò một thụt thì là sơ đồ 8-1-1.
Giờ đội bóng đang đứng đầu bảng V-League 2015 sau 5 vòng đấu là Hải Phòng (rất bất ngờ) cũng chơi bóng theo công thức 8-2. Cặp tiền đạo người Jamaica gồm Stevens và Fagan đã ghi cả thảy 8 trong tổng số 10 bàn của đội.
Cách họ khuất phục các đối thủ không có nhiều khác biệt giữa các trận đấu: Đá với SLNA trên sân đối phương sau khi có bàn sớm thì tiếp tục cố thủ tới mức HLV Việt Hoàng bảo ông đã nhìn thấy cửa thắng ngay khi hiệp 1 chưa kết thúc. Đá với HA.GL trên sân Lạch Tray, họ nhường khu trung tuyến, tranh chấp quyết liệt, bịt các lối vào cầu môn rồi phóng các đường chuyền lên cho Stevens và Fagan giải quyết. Bàn thắng quyết định đến từ một pha lộn xộn, Minh Châu duỗi chân quá nhẹ thành đường chuyền vu vơ để Stevens lắc đầu thành bàn.
Tình yêu trong những người hâm mộ bóng Hải Phòng từ đó trỗi dậy. Vì thích lối chơi cũng có, bởi nó nhì nhàng rất Hải Phòng, nhưng quan trọng nhất vẫn là kết quả. Từ chỗ chán nản nay rất yên tâm xem các cầu thủ nội căng ra phòng ngự rồi chờ đợi bàn thắng tất đến.
Với bóng đá Hải Phòng là thế, còn với cá nhân HLV này có phần bất ngờ. Việt Hoàng là một tiền vệ tổ chức của Thể Công ngày trước, một cái nôi của bóng đá tấn công, với vũ khí là những đường tỉa bóng rất sắc và những cú sút xa uy lực.
Nhưng ở Hải Phòng với thực lực vừa phải và bản thân Việt Hoàng đang là HLV trẻ nhất và lần đầu cầm quân ở V-League mà lại tấn công hoa mĩ thì chẳng khác gì tự sát.
Kéo bóng đá Việt Nam tụt lại một thập kỷ và tương lai của các đội tuyển có thể bị ảnh hưởng không phải là vấn đề của Việt Hoàng và Hải Phòng. Nếu sau này Việt Hoàng lên đội tuyển cầm quân mà U23 với ĐTQG thiếu hụt tiền đạo lại là chuyện quá xa vời.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất