20/11/2017 10:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Một cuốn nhật ký viết năm 1964, trong đó Vladimir Nabokov, tác giả Lolita, ghi lại hơn 50 giấc mơ của mình - trải rộng từ khiêu dâm, bạo lực tới siêu thực - chuẩn bị lần đầu được phát hành.
Giấc mơ gợi tình mãnh liệt. Máu trên tấm ga, tiểu thuyết gia viết vào ngày 13/12/1964. “Kết thúc giấc mơ: em gái O của tôi, trẻ trung và uể oải khác thường… Sau đó đứng gần cửa sổ, thở dài, chỉ thấy một nửa, nghiền ngẫm về hậu quả có thể xảy đến của tội loạn luân”.
Ở một trang khác, ông ghi lại giấc mơ ông đang nhảy với vợ mình, bà Vera. “Chiếc váy mùa Hè hở hang, lấm chấm kỳ cục của nàng. Một người đàn ông tình cờ hôn nàng. Tôi túm lấy đầu gã và đập mặt gã vào tường bằng sức mạnh dữ dội khiến gã trông như đống thịt bị móc lên đồ đạc trên tường”.
Tác giả, người đã phải vật lộn với chứng mất ngủ gần như cả cuộc đời, bắt đầu viết nhật ký giấc mơ sau khi đọc cuốn An Experiment With Time của triết gia người Anh John Dunne, trong đó, ông đưa ra giả thuyết rằng giấc mơ đôi khi đến từ những sự kiện trong tương lai.
Theo chuyên gia về Nabokov Gennady Barabtarlo, giáo sư văn học Đại học Missouri, người trực tiếp biên tập cuốn nhật ký, thực nghiệm của Nabokov “đi theo những hướng dẫn mô phạm mà ông tìm thấy trong cuốn sách nhỏ kỳ lạ và từng rất có ảnh hưởng của John Dunne, triết gia thiên tài Anh”.
“Mục tiêu chính là chứng minh rằng trong xứ mơ, ánh hoàng hôn giữa cõi vật chât và tinh thần, thời gian trôi ngược, từ hậu quả về nguyên nhân”, theo Barabtarlo. “Một ví dụ điển hình: tờ báo buổi chiều đưa tin ở New York, một tín đồ Hồi giáo đã lao xe tải vào đám đông. Bạn mơ hồ nhớ lại giấc mơ đêm qua của mình và kiểm tra bản ghi chép: thực thế, bạn thấy mình đang ngồi trên xe ba bánh trượt xuống , cố gắng, nhưng thất bại, để không đâm vào một cô bạn gái quen ở trường đại học. Theo lý thuyết của Dunne, giấc mơ của bạn không thể hiện trước sự kiện có thật trong tương lai mà ngược lại – chính sự kiện kinh hoàng kia đã khiến bạn mơ giấc mơ đó vào đêm trước đó. Nabokov rất quan tâm tới lý thuyết này và cố thử nghiệm vào năm 1964”.
Trong khoảng thời gian 80 ngày, Vladimir Nabokov đã ghi lại tất cả những gì ông có thể nhớ về giấc mơ ngay sau khi tỉnh dậy. Tổng cộng có 118 tấm thẻ ghi chép, viết về 64 giấc mơ. Nội dung được tái hiện trong cuốn sách Insomniac Dreams. Cùng với nó là tài liệu thực nghiệm cũng như những liên hệ giữa giấc mơ với các tác phẩm của ông.
Kết quả không thuyết phục, Barabtalo tiếp tục, đặc biệt là “trong một vài trường hợp, Nabokov không nhận thấy sự tương đồng rõ rệt giữa giấc mơ với tác phẩm trước đó của ông”.
Ví dụ, Nabokov tuyên bố “thành công không thể phủ nhận” trong thực nghiệm của mình khi ông có “cảm giác rất rõ ràng” rằng giấc mơ trong bảo tàng lấy cảm hứng từ bộ phim mà ông xem trên TV ba ngày sau đó. Trong mơ, Nabokov lắng nghe một giám đốc bảo tàng trong khi lơ đãng ăn một mẫu đất hiếm mà ông miêu tả là như “một loại bánh ngọt nhạt nhẽo đầy bụi”.
“Cái ông không nhớ ra”, Barabtalo viết trong Insomniac Dreams, “là giấc mơ của ông bám sát hai cảnh trong truyện ngắn The Visit to the Museum viết năm 1939 của ông: một cuộc gặp gỡ mơ hồ giữa người kể truyện với giám đốc bảo tàng trong văn phòng của ông ta, và những mẫu vật kỳ lạ trong bảo tàng địa phương này giống như những mẫu đất hình cầu, chủ đề chính trong giấc mơ của ông”.
Nội dung những giấc mơ từng được phát hành nhỏ lẻ trước đó. Lần này, Barabtalo muốn tập hợp thành một bản đầy đủ khi tình cờ phát hiện nhiều tấm thẻ ghi chép là bản thảo của cuốn tiểu thuyết năm 1969 Ada or Ardour của Nabokov. “Thực nghiệm năm 1964, và những ý tưởng mà nó sản sinh, có vẻ đã tạo ra hạt mầm để từ đó cuốn tiểu thuyết lớn nhất của Nabokov, Ada, phát triển lên, vì phần cơ bản của nó, phần bốn, là miền đất của ‘kết cấu thời gian".
Thư Vĩ (Theo Guardian)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất