25/02/2019 07:38 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trọng tâm văn hóa tuần này có thể kể đến chuyến biểu diễn của Dàn Hợp xướng Gustav Sjokvist tại Hà Nội và TP.HCM. Bên cạnh đó là Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
1. Dàn Hợp xướng Gustav Sjokvist có 33 thành viên, được thành lập tại Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, vào năm 1994. Gustav Sjokvist được xem là một trong những dàn hợp xướng xuất sắc nhất của Thụy Điển, nơi có truyền thống hát a cappella (hát không có nhạc đệm) và là hợp xướng mang màu sắc đặc trưng của Bắc Âu.
Dàn hợp xướng Gustav Sjokvist chuyên biểu diễn các tác phẩm kinh điển của Bach, Mozart, Brahms và các tác phẩm nhạc jazz, nhạc đương đại.
Giám đốc nghệ thuật của dàn hợp xướng là nghệ sĩ Florian Benfer, ông là ca sĩ và cũng là nhà chỉ huy, ông kế vị giám đốc Gustav Sjokvist - người sáng lập của dàn hợp xướng (qua đời năm 2015).
Trong dịp sang Việt Nam lần này, dàn hợp xướng Gustav Sjokvist sẽ có 2 buổi trình diễn chính: 20h ngày 25/2 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và 20h ngày 2/3 tại Nhà hát TP.HCM.
Gustav Sjokvist sẽ biểu diễn một số tiết mục hợp xướng ngắn của Thụy Điển, tác phẩm Ode to Joy được trích từ Bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Tiết mục chính của chương trình là tác phẩm Vị thần cải trang.
Tác phẩm này do Lars-Erik Larsson sáng tác vào năm 1940, theo phong cách tân lãng mạn, nó được xem là một trong những tác phẩm phổ biến nhất trong lĩnh vực cổ điển ở Thụy Điển. Tác phẩm có những phần độc diễn cho giọng nữ cao và nam trầm rất đặc sắc.
Nội dung tác phẩm xoay quanh câu chuyện về một vị thần Hy Lạp cổ đại, vị thần Apollo xuất hiện trong một năm làm việc trong một nông trại phục vụ vua Admetus ở vùng Hy Lạp. Câu chuyện này được kể trong vở kịch Alcestis của nhà bi kịch Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Euripides.
Trong chương trình diễn ra tại Nhà hát TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM cũng góp một tiết mục mang màu sắc dân tộc, được trích từ tổ khúc dân gian Việt Nam dòng chảy (do Trần Nhật Minh chỉ huy).
Ngoài ra, vào 20h ngày 26/2 tại Nhà thờ Cửa Bắc (Hà Nội), Gustav Sjokvist cũng sẽ có một buổi trình diễn với những tiết mục a cappella đặc sắc, hy vọng sẽ đem đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả thủ đô.
2. Triển lãm Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong Mộc bản Triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới sẽ trưng bày hơn 32 hình ảnh, tài liệu và 20 phiên bản gồm: Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương; Văn Lang thời Hùng Vương; Âu Lạc thời An Dương Vương; Vạn Xuân thời Tiền Lý; Đại Cồ Việt thời Đinh - Tiền Lê; Đại Việt thời Lý - Trần - Lê; Đại Ngu thời nhà Hồ; Việt Nam thời Gia Long và Minh Mạng.
Mộc bản triều Nguyễn là tư liệu quý hiếm, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009. Mộc bản được công nhận có phương pháp chế tác tinh xảo, đặc biệt là nội dung ghi chép, phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời đại, từ Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn.
Nội dung của Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như lịch sử, địa lý, chính trị - xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa - giáo dục, tôn giáo - tư tưởng - triết học, văn thơ, ngôn ngữ - văn tự…
Triển lãm khai mạc ngày 25/2 và trưng bày đến 25/3 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), là khoảng thời gian mà rất nhiều phóng viên các nước trên thế giới đến để đưa tin sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, đây cũng là dịp để chúng ta giới thiệu lịch sử, văn hóa… Việt Nam qua một tư liệu quý đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.
Bình Minh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất