18/11/2019 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Xem nghe thấy đọc tuần này có 2 sự kiện đáng chú ý, đó là LHP Việt Nam lần thứ 21 và Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019.
1. LHP Việt Nam lần thứ 21 diễn ra tại Vũng Tàu từ ngày 23 đến 27/11/2019, với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam dân tộc, nhân văn, sáng tạo và hội nhập”. Liên hoan lần này thu hút 16 phim điện ảnh, 29 phim tài liệu, 20 phim hoạt hình, 9 phim khoa học…
Cũng như mọi năm, hạng mục được chú ý nhiều hơn là phim điện ảnh - chiếu rạp. Trong 16 phim tranh giải, tạm chia thành mấy thể loại chính: Phim chủ đề chiến tranh có Truyền thuyết về Quán Tiên; phim hành động - gay cấn có Hai Phượng, 11 niềm hy vọng, Hợp đồng bán mình; phim ly kỳ - kinh dị có Người bất tử, Lật mặt: Nhà có khách, Nơi ta không thuộc về; còn chủ yếu là phim tình cảm - tâm lý xã hội, gồm có: Khi con là nhà, 100 ngày bên em, Anh thầy ngôi sao, Cua lại vợ bầu, Hạnh phúc của mẹ, Thưa mẹ con đi, Tháng năm rực rỡ, Thạch Thảo, Song lang.
Xét riêng 9 phim tình cảm - tâm lý xã hội. Thiên nhiều về hướng giải trí - hài hước có: Anh thầy ngôi sao, Cua lại vợ bầu, Tháng năm rực rỡ; thiên nhiều về tâm lý có: Hạnh phúc của mẹ, Thưa mẹ con đi, Khi con là nhà, Thạch Thảo; thiên nhiều về hướng nghệ thuật có Song lang. Về mặt doanh thu, năm nay là cuộc so kè của Hai Phượng (hơn 200 tỷ đồng) và Cua lại vợ bầu (hơn 191 tỷ đồng).
Tuy nhiên, nếu xét theo tiêu chí thiên về nghệ thuật và chuyên môn - vốn thường thấy ở các liên hoan phim chuyên nghiệp - thì có thể nói năm nay điện ảnh Việt “hơi mất mùa”. Nhìn về mặt bằng chung, điện ảnh Việt tuy có nhiều tiến bộ, nhưng những phim nổi trội, gây dấu ấn thì còn khá ít. Trong số 16 phim dự thi, nổi trội hơn có Người bất tử, Song lang, Anh thầy ngôi sao, nếu phải ráng kể thêm thì có Hai Phượng, Tháng năm rực rỡ. Chắc năm nay ban giám khảo của LHP Việt Nam lần thứ 21 cũng phải “bó đũa chọn cột cờ” mà thôi.
Nhìn rộng hơn, LHP Việt Nam lần thứ 21 còn chọn 15 phim điện ảnh để trình chiếu trong chương trình toàn cảnh, gồm: 798 Mười, Chú ơi đừng lấy mẹ con, Hồn papa da con gái, Giấc mơ Mỹ, Giã từ cô đơn, Anh trai yêu quái, Thật tuyệt vời khi ở bên em, Tháng năm để dành, Chị Mười Ba, Tìm chồng cho mẹ, Trạng Quỳnh, Truyện ngắn, Ước hẹn mùa Thu, Vô gian đạo, Vu quy đại náo. Nếu 15 phim này được “gộp vào” tranh giải thì tình hình cũng không khá hơn, vì chất lượng cũng bình bình, “mua vui” là chính.
Dường như điện ảnh Việt vẫn còn thiếu những tác phẩm có hoài bão về nghệ thuật và kích thước lớn về thông điệp. Vẫn loay hoay cùng những câu chuyện nho nhỏ, thường tình, với tham vọng đoạt được doanh thu.
2. Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019 sẽ diễn ra tại làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong 6 ngày từ 18 đến 23/11. Đây là sự kiện thường niên được Bộ VH,TT&DL tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), đồng thời tôn vinh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thông qua các hoạt động phát huy bản sắc văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Sự kiện năm nay sẽ có sự tham dự của hơn 200 đồng bào thuộc 14 dân tộc đang hoạt động tại Làng Văn hóa: Tày, Nùng, Dao, Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ba Na, Xơ Đăng, Ê Đê, Khmer, Raglai, Ơ Đu.
Trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, hơn 200 đồng bào này sẽ tái hiện các nét sinh hoạt cộng đồng, dân ca, dân vũ, ẩm thực, trang phục, phong tục tập quán… tại chính không gian ngôi làng của dân tộc mình (nằm trong quần thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam) như: Nghi lễ Lẩu then của dân tộc Tày, Nùng (Lạng Sơn); giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch tỉnh Gia Lai; tổ chức cho du khách và đại biểu trải nghiệm trang phục, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực của các dân tộc Việt Nam và các hoạt động dân ca dân vũ theo vùng miền, dân tộc.
Bên cạnh đó, nhân kỷ niệm 60 năm ngày Đồng Khởi (17/1/1960), chương trình “Hành trình về với xứ Dừa Bến Tre” cũng được tỉnh Bến Tre tổ chức như một điểm nhấn đặc biệt tại Tuần lễ nói trên. Chương trình này gồm các hoạt động như diễn xướng Hát sắc bùa Phù Lễ và dân ca Bến Tre; trưng bày, giới thiệu "Đồng Khởi năm 1960 và công cuộc Đồng Khởi mới qua 23 năm xây dựng và phát triển tỉnh Bến Tre"; giới thiệu văn hóa, danh lam thắng cảnh và du lịch gắn với xứ dừa Bến Tre... Dự kiến 60 cây dừa từ tỉnh Bến Tre sẽ được đưa về Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để tái hiện không gian văn hóa xứ Dừa.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có hội thảo về vấn đề nâng cao nhận thức truyền thông trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam và triển lãm ảnh về bản sắc văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc.
Cùng hướng đến Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, từ ngày 21 đến 26/11, tại Trung tâm triển lãm VHNT Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hà Nội) còn diễn ra “Ngày hội di sản văn hóa, du lịch Việt Nam 2019”. Trong khuôn khổ ngày hội sẽ có triển lãm ảnh giới thiệu gần 100 bức ảnh đẹp về di sản Việt Nam, qua đó cho thấy một bức tranh tổng quát về lịch sử văn hóa, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam. Có triển lãm “Di sản văn hóa, Du lịch nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam” tôn vinh 33 nghề được trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; Tọa đàm “Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập Quốc tế 2019”; Cuộc thi vẽ tranh “Việt Nam quê hương em”; Chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật tôn vinh những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận...
Anh Bảo - Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất