“Văn hoá đọc” qua Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới

24/04/2010 10:02 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Văn hoá đọc đang được hình thành rõ nét hơn trong cộng đồng. Đó là những gì chúng ta có thể "mắt thấy tai nghe" trong "Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới", diễn ra sáng 22/4, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Văn hoá đọc là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý và cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, việc đọc không chỉ là đọc trên sách mà còn đọc trên rất nhiều phương tiện khác: "Mặc dù có ảnh hưởng rất lớn của các tài liệu điện tử nhưng việc đọc tài liệu giấy không hề suy giảm, với dịch vụ của thư viện cung cấp, bạn đọc đến với Thư viện quốc gia đây có thể sử dụng tài liệu giấy hay đồng thời sử dụng các tài liệu điện tử", Chị Phạm Quỳnh La - Trưởng phòng đọc Thư viện Quốc gia cho biết.


Đại diện của thư viện các tỉnh miền núi nhận sách biếu tặng
của các đơn vị tổ chức chương trình


Hoạ sĩ đồ hoạ Nguyễn Thành Đàm thì chia sẻ cảm nhận của ông: "Trước đây tôi làm việc ở Cục Xuất bản cho nên tôi có theo dõi được cái nhịp độ, cái văn hóa đọc dần dần bị dãn ra, tức là người ta vẫn muốn đọc. Hiện nay đi trên tàu xe vẫn thấy nhiều người đọc báo, đọc sách, nhất là thanh niên. Họ đọc những sách liên quan đến chuyên ngành của họ. Những người lớn thì đọc báo để biết tin tức thời sự."


Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sách in không còn là phương tiện duy nhất để đọc mà có thể đọc qua mạng. Tuy nhiên, Thư viện vẫn là nơi cuốn hút.

Đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin nhanh và hiệu quả của bạn đọc, đồng thời nhằm phát triển văn hoá đọc, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư trang thiết bị thu hút bạn đông đảo bạn đọc. Bà Phan Thị Kim Dung , Giám đốc thư viện Quốc gia đã cho biết: "Điều kiện hiện nay, thông qua mạng Internet, bạn đọc được tiếp cận thông tin rất nhiều chiều. Những thông tin trên Internet là những thông tin tức thời. Những thông tin mang tính chuyên sâu thì chỉ có thư viện. Chính vì điều đó mà chúng tôi đang tiến hành xây thư viện kỹ thuật số để chuyển tải những thông tin đang nằm ở thư viện quốc gia và các thư viện khác một cách nhanh nhất để bạn đọc tiếp cận. Tất cả mọi người dân sống trên địa bàn Hà Nội và ở toàn quốc đều có quyền đến thư viện đọc sách ở tại thư viện quốc gia. Chúng tôi hoàn toàn mở và phục vụ phi lợi nhuận."


Các em nhỏ vui đọc sách

Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller-Marin, thì khẳng định: “Sách nâng cao kiến thức của chúng ta về con người và về những triết lý sống, từ đó tăng cường những hiểu biết của chúng ta về thế giới. Sách cũng cung cấp các cơ hội phát triển cho mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên”.

Trong ngày hội này, hơn 170 em nhỏ từ các trường tiểu học, mầm non của Hà Nội đã tham gia vẽ tranh và đọc truyện cùng đông đảo các bạn trẻ cũng tới để theo dõi trưng bày sách, bản đồ cổ, tài liệu điện tử về Hà Nội và nghe các diễn giả trình bày về thơ và văn hóa.

...và hơn 170 em khác tham gia vẽ tranh

Có thể nói văn hoá đọc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tri thức nói riêng và phát triển xã hội nói chung. Qua sự phát triển của văn hoá đọc người ta có thể thấy sự phát triển của đất nước. Chúng ta chỉ có thể phát triển nền văn hoá đọc Việt Nam, xây dựng một xã hội ham đọc để đáp ứng với xã hội thông tin, nền kinh tế tri thức và một xã hội phát triển bền vững. Hy vọng trong tương lai gần sẽ có nhiều ngày hội đọc sách hơn nữa.

                                             Thanh Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm