UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO

21/10/2020 20:26 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/10, Bộ VHTT&DL tổ chức cuộc họp để chỉ đạo xây dựng hồ sơ khoa học và kế hoạch quản lý Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử với phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang, Hội đồng Di sản quốc gia, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao đến dự.

Thực hiện thông báo số 10766/VPCP – KGVX ngày 20/12/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc lập Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO xem xét, công nhận là Di sản thế giới với phạm vi 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, từ tháng 6 năm 2020 đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao 3 địa phương đã phối hợp thống nhất gửi thư mời các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học viết bài tham luận cho công tác chuẩn bị xây dựng hồ sơ; đã tiến hành tổ chức tọa đàm khoa học tại Quảng Ninh; hội nghị tại Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Đồng thời, thống nhất thời gian, tiến độ dự kiến xây dựng Hồ sơ và các nội dung liên quan để bảo vệ Hồ sơ đề cử trước Ủy ban di sản thế giới.

Chú thích ảnh
Đỉnh thiêng Yên Tử

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến tham gia của các địa phương và thành viên liên quan, Tiến sỹ Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tên gọi trong Hồ sơ khoa học là “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là Di sản thế giới. Đồng thời, giao Ban chỉ đạo và Tổ công tác xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) khẩn trương hoàn thiện các công việc liên quan.

Giao UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Hải Dương xây dựng hồ sơ. Việc xây dựng hồ sơ di sản phải đạt chất lượng và làm nổi bật giá trị loại hình, tiêu chí. Đồng chí yêu cầu Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì mời chuyên gia quốc tế đến quảng bá hình ảnh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử.

Đồng chí Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao quan tâm phối hợp, hướng dẫn UBND 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang các nội dung liên quan đến việc xây dựng hồ sơ Di sản và làm việc với các cơ quan, tổ chức của UNESCO trong suốt quá trình xây dựng, đăng ký và bảo vệ. Thống nhất thời gian đến tháng 3/2021 trình báo cáo tóm tắt Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là Di sản thế giới lên Chính phủ. Đến tháng 9/2021 chính thức nộp Hồ sơ cho UNESCO.

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tại cuộc họp

Việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới đã được Quảng Ninh chủ động phối hợp tỉnh Bắc Giang khởi động từ năm 2012. Gần nhất, lộ trình này được bổ sung thêm sự tham gia của Hải Dương (một trong ba địa phương thuộc khu vực phân bố của quần thể danh thắng Yên Tử) để lập hồ sơ, trong đó UBND tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với 2 địa phương còn lại.

Trước đo, trong tháng 7, ngành quản lý văn hóa của 3 địa phương Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang cũng đã có buổi thảo luận về việc xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.

Tại cuộc họp, ngành văn hóa của các địa phương này đưa ra dự kiến lộ trình, thời gian xây dựng hồ sơ. Theo đó, trong năm 2020 cần hoàn thành tóm tắt hồ sơ và đưa vào danh sách dự kiến đề cử di sản lên UNESCO.

Đồng thời, trong thời gian sớm nhất có thể, thực hiện các công việc chuyên môn liên quan để hoàn thiện hồ sơ di sản, bảo vệ trước Hội đồng Di sản Quốc gia, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ để xin phép nộp hồ sơ lên UNESCO

Theo lộ trình này, trong các năm 2021 và 2022, bản hồ sơ hoàn thiện bằng tiếng Anh của quần thể danh thắng Yên Tử cần được gửi tới trụ sở UNESCO tại Paris, đồng thời Việt Nam cũng cần đón các chuyên gia ICOMOS/IUCN (Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế, thuộc Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế của UNESCO) sang thẩm định di sản và có ý kiến cụ thể. Sau giai đoạn thẩm định này, hồ sơ sẽ được giải trình, bổ sung, phản biện... để có thể thực hiện bảo vệ hồ sơ tại kỳ họp của hội đồng Di sản Thế giới của UNESCO vào đầu năm 2023.

Như vậy, trong trường hợp thành công, quần thể danh thắng Yên Tử sẽ là Di sản Thế giới đầu tiên của Việt Nam phân bổ trên 3 địa phương khác nhau.

Thảo Vy

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm