24/05/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Trong số 8 tác phẩm lọt vào Vòng Chung kết – chấm điểm của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2022, rất nhiều người tò mò về 2 tác giả còn khá mới: Nguyễn Hoàng Diệu Thủy và Nguyễn Vũ An Băng. Một là biên tập viên và mới cầm bút sáng tác chưa lâu, một là gương mặt nhí ở tuổi lên 9, hiện đang học lớp 4, trường Tiểu học Quỳnh Lôi (Hà Nội)...
1. “Tuổi thơ như chiếc gối êm, êm cho tuổi già úp mặt…”. Ca từ của nhạc sĩ Trần Tiến thì thầm bên tai, khi một người lớn như tôi bước vào thế giới trẻ thơ của các tác phẩm thiếu nhi.
Văn học thiếu nhi khai thác hồi ức tuổi nhỏ của chính tác giả không hiếm. Riêng Việt Nam, ta có thể kể đến Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng cùng nhiều tác phẩm khác biến kỷ niệm ấu thơ thành chất liệu hấp dẫn. Cho nên không lạ nếu trong một cuộc thi như Giải Dế Mèn lại thiếu vắng tác phẩm như thế. Đu đưa trên ngọn cây bàng của Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ là một ví dụ.
Truyện là bối cảnh một vùng quê xứ chè Bắc bộ trong thời bao cấp. Ở đó cô bé Thuỷ trải qua một tuổ thơ yên bình cùng gia đình, bè bạn - những đứa trẻ sống trong buổi giao thời, tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn không mất đi những niềm vui dung dị. Đối với chúng, gia đình, bạn bè, mái trường, những con vật xung quan là cả thế giới. Một thế giới nhỏ nhắn nhưng đầy ấp hạnh phúc, dù không phải không có những khoảnh khắc trầm buồn như cuộc sống vốn thế.
Từng chương truyện lần lượt đi qua là từng kỷ niệm được khơi lại. Có vui, có buồn, có những lầm lỡ và ân hận. Nhưng tất cả rồi cũng thành những hạt bụi vàng, những “chiếc gối êm” để người lớn bồi hồi áp mặt vào nằm mơ lại thiên đường tuổi thơ đã mất.
Đu đưa trên ngọn cây bàng không có những cuộc phiêu lưu kỳ thú hay phép màu nhưng vẫn hấp dẫn bằng sự trong trẻo của những câu chuyện đời thường. Và chỉ thế, nhiều lúc cũng làm độc giả chúng ta tự hỏi, tại sao những tuổi thơ không cùng “thời đại” với tuổi thơ ta, mà sao cảm thấy gần gũi, vẫn khiến ta háo hức dõi theo như chính tuổi thơ mình.
Có lẽ, thượng đế đã tạo ra mọi đứa trẻ trên trần gian đều có chung một đôi mắt thiên thần để trẻ con trên đời đều nhìn mọi thứ một cách mới mẻ, đáng yêu và tò mò. Nên đứa trẻ của thời đại này vẫn đáng yêu như đứa trẻ của những thời xưa.
2. Trong mạch suy nghĩ này, tôi lại nhớ đến một tác giả nhí, bạn nhỏ An Băng, đến với Giải Dế Mèn với chùm truyện đồng thoại. An Băng mới 9 tuổi, không rõ các truyện em dự thi Giải Dế Mèn được viết từ khi nào.
Thử xem trích đoạn một mẩu đồng thoại của An Bằng.
“ - Ơ! Bạn Nhím không biết là tớ đã lìa khỏi cành rồi, tớ sẽ sớm khô héo quắt queo mà thôi.
Tớ nằm còng queo trên mặt đất, nước mắt lã chã. Chị Xoài sà cành lá xuống, anh Bơ nghiêng ngả, Ngũ gia bì rung rinh những chùm lá xanh non.
- Đừng buồn... đừng buồn nữa, bạn ơi. Có chúng tớ đây.
- Tiếng ai thế nhỉ?- Tớ nghe thấy tiếng nói, lại cả những tiếng cười khúc khích trong mưa, xung quanh... ôi chao! có bao nhiêu chiếc lá Bàng cô đơn.
À! Tớ đã biết rồi, lá Bàng cô đơn sẽ trở thành chiếc ô khi có ai cần đến. Rồi khi khô quắt đi chúng tớ sẽ không còn là lá Bàng cô đơn, tất cả sẽ cùng nhau hoà làm một tấm thảm lá ấm êm”.
Lá rụng là một hình ảnh sầu muộn trong nghệ thuật. Hoa tàn, lá rụng, cuộc đời con người hữu hạn, rực rỡ đó rồi tàn úa đó. Nhưng qua truyện có tên Chiếc ô bằng lá, An Băng lại nhìn sự tàn úa, rụng rơi của một chiếc lá bàng bằng đôi mắt khác. Cả khi cuộc đời một chiếc lá dường như đã chấm dứt thì sinh mệnh này vẫn ráng sao tồn tại của mình có ý nghĩa đến tận cùng.
Tôi nghĩ em không cố lồng ghép thông điệp hay gửi gắm bài học gì đâu. Chỉ bởi qua đôi mắt em, sự vật đã hiện lên như thế, sống động, có hồn cốt. Em làm tôi nhớ đến những đứa trẻ bình thường xung quanh chúng ta. Những đứa trẻ trò chuyện với đồ chơi, tưởng tượng trong hang kiến là một xã hội thu nhỏ, hay hòn đá nhành cây cũng có cảm xúc nên biết đau, biết giận, vui buồn.
An Băng mới 9 tuổi thôi, chưa biết con đường phía trước của em rồi sẽ tiến bước đến đâu. Nhưng tôi hy vọng rằng, nếu còn ở lại với văn chương, hãy trở thành một nhà văn của những truyện đồng thoại, hãy tiếp tục với những chiếc lá với những con vật, để trẻ con và cả người lớn nữa thấy thới giới này muôn màu muôn vẻ.
Nguyễn Hoàng Diệu Thuỷ chỉ mới bắt đầu sáng tác vài năm trở lại đây, sau nhiều năm làm công việc biên tập sách. An Băng còn ở độ tuổi nhi đồng. Một người lớn, một con nít, chung nhau một điểm, đó là đã tựa đầu vào chiếc gối tuổi thơ, để từ hồi ức hay mộng tưởng, đã đem lại sự trong sáng và nhân hậu cần có ở một tác phẩm thiếu nhi.
Tôi nhớ hình ảnh cuối của Đu đưa trên ngọn cây bàng:
“Nắng chiếu lên những lá chè non bóng loáng lấp la lấp lánh. Màu xanh như nhung mươn mướt dập dềnh tới tận chân trời…”
Thế giới tuổi thơ cũng giống như màu xanh của lá chè non ấy, tinh khôi và mong manh, nhưng lại đủ sức mở ra cả một chân trời.
Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất