Truyện tranh 'Tintin' tròn 90 tuổi: Bí quyết gì khiến truyện tranh Bỉ thành công bậc nhất thế giới?

18/06/2019 18:51 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bỉ vốn nổi tiếng là vùng đất của bia, kẹo nhân quả, sô-cô-la và truyện tranh. Cơn sốt truyện tranh Bỉ đã lan tỏa từ cách đây 90 năm khi cuốn truyện Những cuộc phiêu lưu của Tintin (The Adventures Of Tintin) lần đầu tiên ra mắt độc giả. Những người hùng truyện tranh Bỉ còn phải kể đến Lucky Luke và Smurf (Xì trum) khi những nhân vật này cũng thu hút được hàng triệu độc giả khắp thế giới. Song bí quyết gì để Bỉ trở thành “thánh địa” truyện tranh?

Nhân vật Tintin tròn 90 tuổi: Không già đi, dù chỉ một ngày

Nhân vật Tintin tròn 90 tuổi: Không già đi, dù chỉ một ngày

Hình tượng phóng viên Tintin và chú chó trung thành Snowy đã... tròn 90 tuổi. Trong gần một thế kỷ, chàng thanh niên người Bỉ này, với chỏm tóc màu vàng, áo len xanh và quần gối thụng đã trở thành một thương hiệu đặc biệt trên khắp thế giới.

“Với hơn 700 cây bút truyện tranh, Bỉ hiện là đất nước có nhiều nhà sáng tạo truyện tranh và họa sĩ minh họa nhất thế giới”, theo trang web du lịch chính thức của Brussels “kinh đô” truyện tranh của Bỉ.

“Loại hình nghệ thuật thứ 9” ở Bỉ

Theo thống kê, tổng số lượng phát hành truyện tranh của Bỉ đạt 40 triệu bản/năm, chiếm khoảng 60% doanh thu xuất bản hàng năm của nước này. Vậy nên chẳng có gì lạ khi Bỉ coi truyện tranh là “loại hình nghệ thuật thứ 9”.

Truyền thống truyện tranh của Bỉ thường gắn với Georges Remi, tác giả loạt truyện tranh nổi tiếng thế giới Những cuộc phiêu lưu của Tintin với bút danh Herge. Loạt truyện tranh này kể về nhà báo Tintin và chú chó trắng trung thành của anh.

Chú thích ảnh
Nhân vật Lucky Luke và chú ngựa Jolly Jumper trong truyện tranh “Lucky Luke”

Loạt truyện này xuất hiện lần đầu tiên trong mục dành cho thiếu nhi của tờ báo Bỉ Le Vingtieme Siecle, nhưng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của độc giả người lớn. Và không chỉ ở đất nước Bỉ quê hương của nhà báo Tintin, loạt truyện này đã được phát hành ở 85 nước trên thế giới.

“Hiện vẫn chưa có người Bỉ nào nổi tiếng như nhân vật Tintin” - Didier Leick, người phát ngôn của Bảo tàng Herge khẳng định. “Tintin không chỉ là một người Bỉ điển hình mà còn là một người hùng toàn cầu, nhưng anh không phải là một siêu nhân. Anh vẫn là một nhân vật đáng tin cậy lôi cuốn chúng ta”.

Chú thích ảnh
Dickie

Tác phẩm của Herge đã truyền cảm hứng cho vô số người khác cầm bút và kể những câu chuyện bằng tranh vẽ. Ông là nhà tiên phong về phong cách minh họa ligne claire (nét rõ ràng, mạnh mẽ), đường viền rõ, màu sắc đậm và độ tương phản thấp đã trở thành tiêu chuẩn vàng cho nhiều thế hệ vẽ minh họa.

Thể loại truyện tranh đã nhanh chóng được phổ cập nhờ có 2 loạt truyện được xuất bản định kỳ hàng tuần. Năm 1938, nhà xuất bản Dupuis đã cho ra mắt Spirou, tạp chí truyện tranh bao gồm cả câu chuyện về Spirou, nhân viên bán hàng tại khách sạn Moustique và chú sóc Pips của anh. Tại khách sạn nơi Spirou làm việc, anh đã gặp nhà báo Fantasio vào năm 1943. Cả hai đã cùng nhau thực hiện nhiều cuộc phiêu lưu, trong đó họ gặp phải nhiều nhân vật trung tâm khác như người em họ độc ác của Fantasio, Zantafio; nhà khoa học điên Zyklotrop; ông trùm mafia xui xẻo Don Vito Cortizone và sinh vật giống khỉ Marsupilami.

Chú thích ảnh
Spirou Fantasio

Và từ năm 1946, cha đẻ của truyện tranh Bỉ, Herge xuất bản Tintin tại Brussels. Cả hai loạt truyện đều thể hiện tài năng của các tác giả trẻ và định hình nên khung cảnh truyện tranh châu Âu trong nhiều thập kỷ sau này.

“Mượn” nhân vật để bày tỏ những điều muốn nói

Ngoài Tintin, các nhân vật truyện tranh nổi tiếng khác của Bỉ phải kể đến Marsupilami. Marsupilami sống trong rừng rậm Palombia và thuộc về gia đình của các loài động vật đơn cực (như thú mỏ vịt và cầu gai).

Với cái đuôi dài 8 mét và thèm ăn cá piranha (cá nhỏ nước ngọt ở vùng nhiệt đới Mỹ thường tấn công và ăn các động vật sống), Marsupilami là nhân vật nhút nhát nhưng có siêu năng lực. Kẻ thù lớn nhất của Marsupilami là con báo đốm săn mồi chuyên rình rập đàn con của mình và thợ săn Bring M. Backalive, người muốn bắt Marsupilami để bán cho một công viên động vật.

Chú thích ảnh
Marsupilami

Lucky Luke và chú ngựa trung thành của anh, Jolly Jumper, cũng đã lôi cuốn hàng triệu độc giả trong nhiều năm qua. 2 nhân vật này là những người gìn giữ công lý ở miền Tây hoang dã từ năm 1946. Kẻ thù của họ là băng đảng anh em “khét tiếng” Dalton, những kẻ không chỉ tấn công nhà băng, xe ngựa chở khách mà còn đàn áp nhiều người dân vô tội. Jolly Jumper luôn là kẻ thân tín của Luke, nó không chỉ chơi cờ mà còn có thể trèo cây và tự chất đồ lên yên.

Hay nhân vật Ric Hochet (Rick Master), trong suốt 55 năm đã xử lý nhiều bí ẩn đầy khó khăn. Từ năm 1955 đến năm 2010, phóng viên kiêm thám tử nghiệp dư này đã thực hiện 77 cuộc phiêu lưu này đã lần theo dấu vết kẻ thù của những động vật hoang dã, từ sói đến ma cà rồng và nhiều nhân vật siêu nhiên khác.

Chú thích ảnh
Gaston Lagaffe

Còn nhân vật Gaston Lagaffe xuất hiện trong tạp chí truyện tranh Pháp-Bỉ Spirou. Gaston là một loạt truyện tranh xuất bản hàng ngày được phát hành lần đầu tiên vào năm 1957 với nhân vật chính là Gaston Lagaffe, một nhân viên văn phòng lười biếng trong một nhà xuất bản truyện tranh, người liên tục gây hỗn loạn. Thay vì làm việc, anh ta nuôi một gia đình chuột trong hộp đựng tài liệu của mình hoặc tạo ra vô số phát minh bao gồm một thiết bị buộc dây giày.

Những sinh vật màu xanh da trời nhỏ bé đáng yêu (Smurf) trong những ngôi nhà nấm của họ bắt đầu nổi danh từ năm 1958. Hầu hết trong số đó là những nhân vật yêu âm nhạc và siêng năng, ngoại trừ Lazy, thường ngủ cả khi đứng. Sức mạnh ma thuật của Smurf Papa đã góp phần bảo vệ được chú cừu của ông, song quan trọng hơn là bảo vệ được những Smurf khác thoát được phù thủy độc ác Gargamel.

Chú thích ảnh
The Smurfs

Loạt truyện tranh này đã được dịch sang 25 thứ tiếng. Tác giả loạt truyện, Pierre Culliford hay Peyo, không hề hình dung được công chúng thế giới lại yêu quý những chú lùn màu xanh da trời này.

“Thành công của truyện tranh Bỉ có lẽ liên quan đến thực tế là các nhân vật không quá coi trọng đến bản thân”, Didier Leick giải thích. “Các nhân vật này luôn chứa đựng những yếu tố siêu thực và đó là nhân tố thu hút độc giả”.

Chú thích ảnh
The Cat

Các sản phẩm truyện tranh Bỉ vẫn tiếp tục “sinh sôi” trong thiên niên kỷ mới, với loạt truyện tranh được yêu thích Le Chat (The Cat) của Philippe Geluck, được xuất bản trên tờ báo Le Soir từ năm 1983 đến năm 2013.

Truyện kể về nhân vật mèo béo phì mặc complet nổi tiếng với những suy nghĩ triết lý ngớ ngẩn. “Chú mèo này là công cụ để tôi nói những gì mình muốn”, Geluck cho hay. "Đôi khi nó rất triết lý và nghiêm túc nhưng nhiều lúc thì điên rồ”.

Khó tồn tại hơn trong kỷ nguyên manga

Nhằm tôn vinh các nhân vật truyện tranh địa phương, một bảo tàng truyện tranh đã được khánh thành ở Brussels hồi năm 1989. Các nhân vật truyện tranh cũng bất tử trên nhiều con đường khắp nước Bỉ.

Tuy nhiên, các nhân vật truyện tranh Bỉ mới nhất không nổi tiếng như Tintin hay Smurf bởi từ lâu truyện tranh Nhật Bản (manga) đã thống trị thị trường quốc tế nhưng ít nhất là ở Bỉ, người dân nước ngày vẫn yêu quý các nhân vật hư cấu của mình.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm