29/06/2022 21:32 GMT+7 | Văn hoá
Tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học quốc tế “Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay”, chiều 29/6, nhiều nghiên cứu chuyên luận, tiểu luận của các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước đã khẳng định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn, thầy giáo giỏi, thầy thuốc tâm đức.
Nguyễn Đình Chiểu từ xứ Dừa của tỉnh Bến Tre đã bước ra thế giới, là danh nhân được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO kỷ niệm 200 năm ngày sinh.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart thông tin, tại kỳ họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại Paris tháng 11/2021, 193 quốc gia thành viên của UNESCO đã nhất trí thông qua nghị quyết rằng: UNESCO sẽ tham gia kỷ niệm ngày sinh của tác gia Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2022.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam lý giải, Đại hội đồng UNESCO đưa ra quyết định này do tác gia Nguyễn Đình Chiểu là một nhân vật xuất chúng, là một trong những nhà thơ Việt Nam được tôn vinh nhiều nhất và có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng.
"Những triết lý về hòa bình, về tình yêu của con người cũng như về lòng khoan dung hoàn toàn phù hợp với triết lý và mục tiêu của UNESCO. Hơn nữa, ông cũng là một nhà giáo xuất sắc, đã cống hiến cả cuộc đời mình để lan tỏa kiến thức, và đây cũng chính là một sứ mệnh của UNESCO: sứ mệnh Giáo dục. Ngoài ra, Nguyễn Đình Chiểu còn là một thầy thuốc vĩ đại với một tầm nhìn sâu rộng trong việc cứu người. Bên cạnh đó, ông còn là niềm hy vọng cho những người khuyết tật bởi ông đã đạt được những thành công ngay cả khi ông bị mù. Điều này cho thấy, câu chuyện cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu là một nguồn cảm hứng không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn với cả nhân loại.
Tiến sĩ Bùi Long - Học viện Nghệ thuật Quảng Tây, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhận định, Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ có vai trò quan trọng trong việc thừa kế tiền nhân, tiếp truyền hậu thế trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam từ cổ đại đến cận đại. Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu là sự kết hợp giữa tinh thần lao động không mệt mỏi và lòng yêu nước bất khuất. Bất chấp hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói, bệnh tật, ông đã đem toàn bộ tâm huyết, sức lực và tinh thần hiến dâng cho sự nghiệp giáo dục, làm thuốc và sáng tác văn học.
Qua nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã chỉ rõ những ảnh hưởng của Nguyễn Đình Chiểu từ phương diện cuộc đời và tác phẩm tới đời sống văn hóa, nghệ thuật, ảnh hưởng tới lối sống của người dân Bến Tre nói riêng, người dân Nam Bộ nói chung gần 200 năm qua. Với góc nhìn phân tích vị thế, đóng góp của Nguyễn Đình Chiểu trong lịch sử - văn hóa Nam Bộ và lịch sử - văn hóa Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh đề xuất giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Theo đó, cần đưa lăng mộ và nhà lưu niệm trở thành điểm đến trong tour du lịch danh nhân văn hóa và di tích lịch sử quốc gia; tiếp tục triển khai nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiều để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của danh nhân. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá giá trị danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu đối với công chúng trong và ngoài nước; tăng cường giảng dạy học tập những tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa di sản văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu.
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ nhấn mạnh, cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu gặp nhiều gian truân, nhưng với tâm sáng, chí cao, nghèo khó nhưng không yếu hèn, ủy mị; ông đã luôn thể hiện bản lĩnh, vươn lên vượt qua nghịch cảnh. Trước cảnh nước mất, nhà tan, không thể cầm súng, cầm gươm giết giặc, ông xung phong dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để “chở đạo” và “trừ gian”, xem đây là cứu cánh để cổ vũ tinh thần của nghĩa binh và nhân dân. Không chỉ vậy, ông còn dùng y thuật để giúp dân, giúp nước trong cơn biến loạn.
Ông chiến đấu không ngừng nghỉ với những câu tuyên ngôn bất hủ để lại cho nhân loại. Đối với khu vực Nam Bộ, nhất là tỉnh Bến Tre - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ người Bến Tre nói riêng, Nam Bộ và cả nước nói chung về đạo lý làm người, về tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất.
Tuy trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nhưng hình tượng Nguyễn Đình Chiểu cùng các tác phẩm chở đạo, trừ gian, ca ngợi những tấm gương anh hùng nông dân vì nước quên thân của ông vẫn luôn in đậm trong lòng người dân cả nước. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bày tỏ, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre mong muốn UNESCO, các quốc gia thành viên của UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương của Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ để hoạt động gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, thơ văn của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu xứng tầm với danh hiệu cao quý được công nhận, vinh danh ở tầm quốc tế; đồng thời, đề nghị tổ chức cấp Nhà nước vào những năm chẵn, năm tròn theo quy định hiện hành đối với ngày sinh của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.
Chương Đài/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất