Triển lãm 'Nát giỏ còn bờ tre': Lay động những nỗi niềm quê hương

09/11/2020 20:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Xem triển lãm sắp đặt Nát giỏ còn bờ tre của Trung Nghĩa có thể gợi ta nhớ đến mấy câu trong bài Sông lấp của Trần Tế Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”. Thảng thốt trước những biểu tượng nhiều đời đang bị mai một, đang bị biến mất luôn là cảm giác của những nghệ sĩ muốn nhìn lại bản sắc của mình.

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm dát vàng lên tranh trong triển lãm 'Không có gì ở đằng sau'

Họa sĩ Bùi Thanh Tâm dát vàng lên tranh trong triển lãm 'Không có gì ở đằng sau'

Triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing Behind của họa sĩ đương đại Việt Nam Bùi Thanh Tâm sẽ diễn ra từ ngày 21/10 đến ngày 26/10 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. 

Triển lãm mở cửa tự do, kéo dài từ ngày 7 đến 15/11/2020, sắp đặt 6 tác phẩm làm từ mây tre và các vật liệu địa phương ở Nông Sơn, Quảng Nam, được thực hiện trong 4 năm. Trung Nghĩa may mắn khi có được 4 bác thợ tre mây gần như cuối cùng, họ có tuổi từ 79 đến 86, trước khi triển lãm diễn ra, bác Tám Quý đã qua đời do bệnh tuổi già.

“Ban đầu gặp gỡ, vấn đề lớn là các bác thợ họ chẳng tin một đứa trẻ kỳ dị như tôi, những lời tôi nói về những tác phẩm mơ hồ bằng tre mà trong đời họ chưa từng biết, chưa từng làm. Cho nên việc thuyết phục họ cùng chơi những cuộc vui này chẳng dễ dàng gì... Thế mà dần dà những ông già trong các làng đó cũng chơi được gần 4 năm với đứa cháu như tôi, một việc không thể tưởng. Đôi khi tôi dừng lại ngắm nhìn từng người thợ khi họ đang cần mẫn làm việc và lòng nghĩ, mình nhất định sẽ mời tất cả các bác cùng tụ họp trong triển lãm, sẽ vui lắm đây, hy vọng mọi người có mặt đầy đủ” - Trung Nghĩa chia sẻ.

Trung Nghĩa và 3 bác thợ già tại buổi khai mạc triển lãm
Trung Nghĩa và 3 bác thợ già tại buổi khai mạc triển lãm

“Chỉ những kẻ dở người thì mới chơi được với nhau”

Thoạt đầu, Trung Nghĩa bắt tay làm việc với ông Sáu Nhì “dở người” - ông hay tự gọi mình như vậy. Ông cụt một chân và chỉ biết vót nan. Ông vót từ cây nan này qua cây nan kia, ông vót ngược vót xuôi trong 3 tháng trời. Ông thấy thằng Nghĩa này cũng hay ho, quan trọng là ông luôn quan niệm: “Chỉ những kẻ dở người thì mới chơi được với nhau”. Để cuối cùng, chính ông lại là người có tác phẩm “hoành tráng” nhất tại triển lãm này, ấy là chiếc ghe tre dài 6 mét, với thật nhiều bông hoa mây, đan lát tuyệt đẹp. Ông tháo chiếc chân giả của mình, dùng chân cụt để đạp, để nong cái ghe cho đẹp, máu tóe ra! Hàng tháng trời, hàng năm trời như vậy, chiếc ghe thành hình, nhưng câu chuyện đằng sau đó mới thực sự là vô giá!

Bây giờ, người ta bảo rằng ai ai cũng có thể bắt chước tranh Van Gogh, vậy thì kỹ thuật tranh của danh họa ấy hóa ra chả phải là điều gì xa lạ, thậm chí là quá sức bình thường so với ngày nay. Nhưng tại sao mà tranh Van Gogh vô giá? Chả phải là hành trình và câu chuyện đằng sau những bức tranh hay sao? Mà câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh là độc nhất, là khác biệt, không thể sao chép để đổi lại một sự trân trọng hoặc chấp nhận ngang bằng. Không thể!

Những bông hoa trên chiếc ghe cũng giống như bông hoa shiuli đang trên hành trình gieo mơ ước đến vùng đất xa lạ. Hình ảnh chiếc ghe giờ đây không còn là vật vô tri vô giác. Nó chứa đựng linh hồn, sinh mạng và cả lý tưởng. Nó vượt thoát khỏi thân phận vận chuyển để trở thành cái gì đó thiêng liêng hơn. Để giờ đây, mỗi lần nghĩ hoặc nhìn chiếc ghe, nó bỗng lay động trong ta nỗi niềm luyến tiếc về quê hương, nơi có nỗi hoài nhớ, có cả những giấc mơ.

Cuộc đời là vậy, chỉ cần yêu thôi, mọi thứ sẽ tự dẫn tới! Tôi yêu thích tinh thần ấy của họa sĩ Trung Nghĩa. Nghệ thuật đôi khi không phải là thông điệp trên tác phẩm mà là hành trình tạo ra tác phẩm ấy, như người mẹ mang thai 9 tháng 10 ngày, ấy là cả một chặng đường dài để khi đón, sờ, vuốt ve đứa con, thì mẹ vỡ òa hạnh phúc. Vậy nên, khi đứa con ra đời, mẹ sẽ muốn khoe con với cả thế giới.

Tác phẩm “Thêm thuyền” (570cm x 120cm x 60cm) lấy cảm hứng từ câu ca dao: “Trời mưa cho lúa thêm bông/ Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền”
Tác phẩm “Thêm thuyền” (570cm x 120cm x 60cm) lấy cảm hứng từ câu ca dao: “Trời mưa cho lúa thêm bông/ Cho đồng thêm cá, cho sông thêm thuyền”

Cái đẹp vẫn ở ngay trước mắt ta thôi

Tôi hỏi Trung Nghĩa: Phải chăng anh muốn khi nhìn những tác phẩm này, người ta sẽ quay về những điều xưa cũ đẹp đẽ, như hồi sinh lại nghề đan lát tre chẳng hạn?

Nhưng vốn dĩ, như anh bảo, chỉ muốn cho mọi người biết được hành trình đã đi qua, về 4 năm nghiêm túc làm việc với những con người gần đất xa trời, mà một trong số đó đã mất trong Tết vừa qua. Sự sống của họ được tính bằng ngày, thế nên, việc ngồi xuống với những con người nhỏ bé, những con người bị lãng quên như vậy trong xã hội là một điều đẹp đẽ trong chặng đường làm nghệ thuật của anh. Cuộc đời là vậy, chỉ là yêu hay không yêu, thích hay không thích, cái gì dẫn tới sẽ tới, chứ ngồi mà chờ đợi thì uổng phí biết bao nhiêu.

Chiêm ngưỡng một vòng tác phẩm của Trung Nghĩa, từ con cá chết khô, con ốc bươu, tảng đá đến chiếc ghe, tất cả được đan cài những bông hoa thật đẹp. Hoa có thể mong manh nhưng tượng trưng cho cái đẹp, mà cái đẹp thì luôn luôn hiện hữu. Từ chuyện Nát giỏ còn bờ tre, cuối cùng, chúng ta đều nhìn thấy được tia hy vọng. Có thể có những điều sẽ qua đi, có sinh rồi sẽ có diệt theo quy luật vô thường của vũ trụ, nhưng khi trái tim còn rung động, khi trái tim còn rộng mở, thì cái đẹp vẫn ở ngay trước mắt ta thôi.

Thế nên, thay vì bỏ 500-600 triệu đồng tích cóp được để mua một mảnh đất nhỏ ở gần Đà Lạt, xây một căn nhà, vẽ tranh bán, rung đùi sống qua ngày thì Trung Nghĩa quyết tìm cho bằng được những người thợ có thể đi cùng mình, để trả lương cho họ. Anh quan sát ở họ một tinh thần nghệ nhân thực thụ. Chỉ bằng cái rựa và bàn tay thô ráp, họ vót từng cây nan kỹ càng, thẳng tắp, ở giữa vồng lên một chút.

Trung Nghĩa bảo: “Cái chất của họ không phải của một người bình thường. Họ là nghệ sĩ. Họ chọn từng cây nan một, chọn từng cọng mây một, những thứ nhỏ nhặt hoặc to tát, đều được đối xử và chú tâm như nhau rất kỹ càng, rất chỉn chu”.

Mấy bác thợ còn truyền tai nhau thế hệ tiền bối của họ có một “dị nhân” ở trong làng. Ông mù 2 mắt, nhưng cảm rất tốt. Ông chỉ cần đến gần bụi tre, dùng mác gõ gõ thân tre là biết được đâu là tre tốt, đâu là tre chưa già, cụt ngọn, bị cong quẹo. Trung Nghĩa cũng có ước mơ được làm việc với những người như vậy, nhưng họ đã qua đời từ lâu.

Trang Ps

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm