Tranh nhà thơ Bùi Giáng bất ngờ bán hơn 255 triệu đồng

08/12/2018 07:38 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 7/12/2018 tại Gem Center (TP.HCM), phiên đấu giá Together For Nhà chống lũ của Live To Love Vietnam đã diễn ra, giới thiệu gần 20 lô tranh của Việt Nam. Tranh Bùi Giáng và Thành Lễ tạo được điểm nhấn.

Điểm nhấn đầu tiên của phiên đấu là sự trở lại của thi sĩ Bùi Giáng, với tác phẩm Ngựa (mực tàu và bột màu trên giấy, 32cm x 31,5cm, 1984). Từ giá khởi điểm là 4.000 USD, kết quả bức này bán 11.000 USD, tương đương 255 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Bức tranh "Ngựa" được Bùi Giáng vẽ năm 1984

Còn nhớ, cũng tại Gem Center (TP.HCM), tối 22/10/2016, bức Gửi đêm của Bùi Giáng đã được gõ búa bán với giá 27.000 USD, trong khi giá khởi điểm là 2.500 USD.

Khi Bùi Giáng qua đời năm 1998, đã có ý kiến cho rằng sau 20-30 năm nữa, tên tuổi ông sẽ được Việt Nam đặt cho một con đường náo đó. Ý kiến này từng bị phản bác, thậm chí lên án, vì cho rằng ông sống lang thang đầu đường xó chợ, điên nhiều hơn tỉnh, có đóng góp gì đâu mà đặt tên đường này kia.

Chú thích ảnh
Bùi Giáng (phải) tại khu vườn quen thuộc của ông. Ảnh chụp ngày 24/3/1996

Nhưng rồi, qua thời gian, người ta dần nhận ra những sáng tạo, đóng góp của ông trong cả trăm đầu sách, gồm thơ, dịch, khảo luận, phê bình… là rất độc đáo, là vô tiền kháng hậu. Và điều gì đến đã đến, tháng 12/2016, Đà Nẵng đặt tên ông cho một con đường thuộc phường Hòa An, quận Cẩm Lệ.

Ngay như lĩnh vực hội họa cũng thế, dù ông đã tẩm xăng đốt toàn bộ tác phẩm của mình tại triển lãm cá nhân sắp khai mạc, hồi trước 1975, nghĩa là ông vẽ rất nhiều, nhưng do vẽ quá phóng túng, nên nhiều người không công nhận. Chính điều này đã làm tranh của ông không được mấy người gìn giữ, nên đến nay chỉ còn chưa tới 20 bức hoàn chỉnh trên toàn thế giới.

Điểm nhấn kế tiếp là bức sơn mài Chợ Thủ Dầu Một (80cm x 152cm, 1960s) của Thành Lễ. Xét về độ hoàn chỉnh của sơn mài và tính nghệ thuật, đây là một trong những tác phẩm công phu của Thành Lễ, nó đứng khá độc lập với tính mỹ nghệ và trang trí thường thấy. Với giá khởi điểm 8.500 USD, kết quả bán được 28.000 USD, tương đương hơn 651 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Bức sơn mài "Chợ Thủ Dầu Một" của Thành Lễ

Trong hơn 30 năm (từ 1943 đến năm 1975), sơn mài nghệ thuật Thành Lễ và các sản phẩm khác của thương hiệu này đã rất nổi tiếng, được ưu chuộng tại nhiều nước. Ví dụ tranh sơn mài Thành Lễ được treo tại lâu đài của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle ở Colombey-les-Deux-Églises (La Boissery), tại tư dinh của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon, tại tư dinh vua Hassan II ở thành phố Ifrane (Morocco), tại Tổ chức y tế thế giới (OMS) ở Thụy Sỹ…

Thành Lễ đã tham gia các cuộc triển lãm sơn mài tại Pháp (1952), Thái Lan (1954), Philippines (1956), Hoa Kỳ (1959)… Năm 1964, đoạt huy chương vàng tại hội chợ quốc tế Munich (Đức), năm 1969 và 1970 nhận huy chương, bằng danh dự tại hội chợ Paris (Pháp)… Ông cũng đoạt nhiều huy chương về nghệ thuật, thương mại tại Sài Gòn trước 1975.

Chú thích ảnh
Một thông tin tư liệu và chân dung của Nguyễn Thành Lễ

Ngày 20/4/1990, kênh truyền hình nhiều người xem nhất châu Âu là TF1 (Pháp) đã phát một phóng sự về sản phẩm sơn mài Thành Lễ, tiết lộ nhiều thông tin mới, sau khi ông và đình định cư tại Pháp.

Ngày nay, sơn mài Thành Lễ đã xuất hiện tại nhiều phiên đấu giá trên thế giới, được giới sưu tập khắp thế giới tìm kiếm, trao đổi.

Một điểm nhấn khác, bức Sound Of Land (80cm x 125cm, 2011) của Phạm An Hải đã được bán với giá 8.000 USD, tương đương hơn 186 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Bức trừu tượng "Sound Of Land" của Phạm An Hải

Phạm An Hải hiện là một trong những họa sĩ trừu tượng thành công nhất Việt Nam. Tác phẩm của anh được giới thiệu trong tuyển tập các tên tuổi trừu tượng thế giới, trong sách vể 100 năm trừu tượng châu Á… Tranh của anh nằm trong nhiều bộ sưu tập, xuất hiện tại các phiên đấu quốc tế.

Năm 1997, anh bị chấn thương nặng mắt phải, trải qua 3 lần phẫu thuật, thị lực còn rất yếu. Cứ tưởng anh khó giữ được phong độ vẽ với con mắt còn lại, nhưng trong họa có phúc, tranh lại càng thanh thoát, giàu năng lượng.

Bức tranh sơn mài Trung du (100cm x 150 cm, 2015) chính thức mở ra con đường chuyên nghiệp của Lê Bá Cầu đã được bán với giá tương đương 8.000 USD.

Chú thích ảnh
Bức sơn mài đầu tay "Trung du" của Lê Bá Cầu

Từ năm 2007 đến 2012 Lê Bá Cầu học tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ngay khi còn là sinh viên đã vẽ liên tục, vẽ nhiều chất liệu, thể nghiệm nhiều ngôn ngữ. Hơn 5 năm gần đây, anh dùng nhiều công phu cho tranh sơn mài - một chất liệu quyến rũ và k công của Việt Nam - đã bình tĩnh chọn một lối đi không mới lạ, nhưng bảo đảm có chiều sâu cảm xúc và giàu tính nghệ thuật.

Vẫn là những phong cảnh, góc phố, con người… tưởng như quen thuộc, nhưng với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, những điều Lê Bá Cầu và những góc nhìn giống như anh thể hiện sẽ mau chóng trở thành dĩ vãng, thành ký ức về một không gian, một nơi chốn sẽ không còn nữa.

Chú thích ảnh
Bộ ba sơn dầu "Đường chân trời" của Hồ Hồng Lĩnh

Cũng tại phiên này, tranh của Vũ Thị Hà bán 4.500 USD, Hồ Hồng Lĩnh bán 5.000 USD, Nguyễn Văn Đức bán 10.000 USD và 2.500 USD, Ngô Bình Nhi bán 8.500 USD.

Chú thích ảnh
Bức lụa" Giờ tan học" của họa sĩ trẻ Vũ Thị Hà

Ngoài đấu giá trực tiếp, phiên này còn đấu giá ngẫm ngợi (silent auction), với mục đích kích cầu, nên tất cả tác phẩm đều có giá khởi điểm rất tượng trưng, thấp hơn mức giá thị trường của tác giả.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm