Tốt Động - Vùng đất cổ (kỳ 1): Sông Bùi chảy chậm

19/06/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi cánh đồng ở Tốt Động đều gắn với trận chiến chống giặc Minh, tường bao Quán Bến trở thành một “bảo tàng”. Hơn chục tấm đá trắng khắc quốc ngữ, chôn chìm để khỏi bị nắng mưa làm hư hại, giới thiệu những nơi có liên quan…

Từ sông Tô Lịch được làm sạch: Hi vọng từ những dòng sông…

Từ sông Tô Lịch được làm sạch: Hi vọng từ những dòng sông…

Sông Tô Lịch đang trở thành tâm điểm chú ý của người Hà Nội với những dự án thí điểm làm sạch nước sông.

Vào ngày nước đứng, từ cầu Rét nhìn xuống khó nhận ra dòng chảy sông Bùi, đâu phía thượng nguồn Lương Sơn, Xuân Mai, đâu ra Ba Thá nhập vào sông Đáy. Lờ đờ vài thuyền nhỏ buông lưới chỉ kéo lên những trai hến vụn vặt, đem ra chợ làng chả biết có bõ. Thế mà có thời cá nhiều, dân xóm Mới đi thành đoàn thuyền chặn cả khúc, lưới quăng xuống kéo lên nhộn nhịp. Được cái nó còn trong lành, không bị những nước thải từ làng miến làng rèn đổ vào như sông Tích sông Đáy kề bên.

Nhịp sống chậm, ít hối hả đua chen đôi bờ giữ lại những con người có tâm thế trầm mặc, bảo tồn những gì rất xưa cũ. Mà cách đô thị Hà Đông (Hà Nội) đang sình sịch sốt đất chỉ mươi cây số.

Quán Bến ở xóm Bến, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, mặt trông ra sông có bức bình phong đắp tinh xảo, chắc do phong thủy quy định. Bên trái thờ đức Thổ kỳ cai quản đất làng, còn cây xà cừ cao to nhất vùng. Bên phải thờ anh hùng liệt sĩ các thời kỳ, có bức phù điêu lớn diễn tả trận Tốt Động - Chúc Động. Quãng sân nhìn từ bàn thờ ra là cây kiếm cắm sâu xuống đất như biểu tượng chiến thắng, lại là sự khẳng định chủ quyền, vì thân kiếm vốn là hòn “đá cõi” xưa đánh dấu ranh giới với xã bên. Giữa là đền tướng công Đỗ Bí, người trực tiếp đánh trận ở đây, được thờ tự như Thành hoàng.

Chú thích ảnh
Nhìn từ bình phong đền Quán Bến ra sông Bùi

Trời mưa hôm trước, dưới bóng xà cừ râm mát, mấy cụ ông lách tách đục chạm làm lại nhà thêu hương. Những tay nghề của làng sao mà rành chuyện làng…

“Chỗ này các cụ tôi thờ tướng Đỗ Bí đánh trận Tốt Động - Chúc Động. Cụ rất thiêng, xin thi đỗ, thành đạt, buôn may bán đắt được cả. Bình Ngô đại cáo ghi: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/ Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm”.

Cả vùng này ra đến thị trấn Chúc Sơn - xưa gọi Ninh Kiều - đình đền đều liên quan đến chiến công ấy. Còn quán Đừn bên xóm Đừn thờ cụ Lê Ngân to ngất ngưởng triều ông Lê Lợi. Ngài không dự trận ở đây, do đất Tốt Động sau cứ bị ma khách quấy nhiễu không yên, dân thỉnh về thờ như là để trấn yểm khí”.

“Vùng đây là rốn nước từ Ba Vì, Lương Sơn đổ về. Tôi còn bé thì nhiều gò đồi, sông rộng hơn, là đường vận tải chính. Người làng đi rừng đóng mảng tre nứa dài trăm mét trôi về, người Mường đem quế, măng, cánh kiến, nấm, sắn bán chợ Gốm phiên một - hai - sáu - tám. Đình Thuần Lương xã bên toàn gỗ to là đóng bè xuôi xuống. Ngược lên là ngói - sản phẩm của xóm Mới, ngói ri cho nhà dân, ngói mũi hài lợp đình chùa, cả gạch bát, cùng cá tươi, gạo muối, tôm tép khô, chum vại bát đĩa. Thuyền buồm cánh dơi chở nặng, ngược dòng phải 1 người lái 2 người kéo mới đến chợ Đồn được. Giờ rừng mất, nước ít nên sông bị bồi lấp, cảnh kia chả còn”.

“Đình Tốt Động có 54 đạo sắc phong, xưa nhất từ triều Lê. Hội quán Bến mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng là hội làng, rước linh ngai Lê Ngân và Đỗ Bí về đình, mấy trăm mâm ăn uống giúp việc rầm rập, thường là thịt lợn thái rối, canh chuối đậu rau ghém. 60 tuổi cả nam nữ, ai ưng thì “vào các cụ”, đóng 200 nghìn, quỹ đem cho vay, tiền lãi đem liên hoan, lúc chết thời hoàn gốc cho gia đình”.

***

Sử cũ chép về giai đoạn “chuyển cầm cự sang tấn công” của khởi nghĩa Lam Sơn. Năm 1426, khi quân Minh đang bị chôn chân ở Nghệ An, Lê Lợi phái mấy đạo ra Bắc “đánh nhứ”. Tháng 8 năm ấy, 5.000 quân và 3.000 phu mộ của ta đã thắng ở Ninh Kiều, rồi vì đơn độc nên cứ di chuyển trong vùng, áp sát, vây hãm Đông Quan.

Vương Thông đem viện binh sang, thanh thế rất lớn, 2 tướng Lý Triện, Đỗ Bí (có chỗ chép Lê Bí) ra nhử, giả cách thua chạy về. “Bắt được gián điệp của địch, ta biết Thông đã tiến đóng ở Ninh Kiều, ngầm cho kỳ binh đến phía sau quân Triện, còn chính binh của Thông sẽ vượt sông tiến lên phía trước. Chúng hẹn nhau hễ nghe tiếng súng pháo nổ, thì các mũi quân địch cùng lúc đánh khép lại” (Khâm định Việt sử).

Chú thích ảnh
Phiến đá trắng ở đền Quán Bến giới thiệu Đồng Trê, Trũng Hẻn: "Tương truyền, đây là cánh đồng lầy thụt sâu nhất trận địa, nghĩa quân Lam Sơn dồn ép giặc Minh xuống để tiêu diệt, về sau cá trê cá hẻn sinh sôi nhiều rúc vào đầu lâu giặc làm tổ"

Không may kế hoạch trên bị lộ, giặc ngang nhiên tiến vào Tốt Động - Chúc Động, bị 3 mũi quân Lam Sơn xông lên giáp công, chém thượng thư Trần Hiệp. Binh tướng giặc sa vào bãi lầy, voi ngựa dẫm chết vô số, Vương Thông, Mã Kỳ bỏ chạy về Đông Quan cố thủ. Sau trận này thanh thế Lam Sơn lên vòi vọi, nhiều người đang “dùng dằng” theo về. Rồi quân Minh phải đàm phán, rút về nước, Lê Lợi toàn thắng lên ngôi Thái Tổ.

2026 là tròn 600 năm trận chiến có ý nghĩa lớn trên. Người cao niên Tốt Động tự hào về mảnh đất của mình, có những lý giải riêng khác. Như với vị trí trên bến dưới thuyền, giao thương đắc địa, quê hương đây tụ hội linh khí dày đặc, một trong những vị được thờ phụng đầu tiên là quan ngự sử thời An Dương Vương. Đất học sinh ra Đặng Ma La, đỗ thám hoa đời Trần khi mới 14 tuổi, đời Lê có tiến sĩ Hạ Ngọc Trúc. Người Trung Hoa đời Minh ngắm nghía phong thủy, ưng ý đưa quân đến để rồi sa lầy trong bùn thụt, đầm ao dày đặc, loạn binh tự dày xéo mà chết.

Sang khúc hiện đại, khi những văn bản Hán Nôm trên bia đá, hoành phi, cuốn thư và giấy tờ trở nên khó hiểu, nhân dân lại có cách giới thiệu quá khứ vẻ vang độc đáo. Mỗi cánh đồng ở Tốt Động đều gắn với trận chiến chống giặc Minh, tường bao quán Bến trở thành một “bảo tàng”. Hơn chục tấm đá trắng khắc quốc ngữ, chôn chìm để khỏi bị nắng mưa làm hư hại, giới thiệu những nơi có liên quan:

Về Đồng Vỡ, ghi: “Khi tướng giặc (Minh) tử trận, quân sĩ giặc bị phản công hoảng hốt tan vỡ như ong vỡ tổ chạy trốn từ đây”. Đồng Trê, Trũng Hẻn: “Cánh đồng lầy thụt sâu nhất trận địa, nghĩa quân Lam Sơn dồn ép quân Minh xuống để tiêu diệt; về sau cá trê, cá hẻn sinh sôi nhiều rúc vào đầu lâu giặc làm tổ”. Gò đồng Gạo: “Gò cao rậm rạp, nghĩa quân Lam Sơn để lương thảo tiếp tế cho quân mai phục”. Hóc Năng: “Khúc đầm còn gọi là “suối Ninh Kiều” nhân dân cắm chặng đơm cá, quân Minh chết trong 2 trận Ninh Kiều - Tốt Động quá nhiều trôi xuống mắc chặng hóc tắc nước không chảy được”. Gò Đống Kiếu:“Nơi đặt đài quan sát bộ chỉ huy… kêu gọi quân sĩ xung trận”. Đồng Mồ: “Năm Tự Đức thứ 19 - Bính Dần (1866), nhân dân Tốt Động phải thu dọn hài cốt của giặc Minh chết trận Tốt Động đem lên gò chôn cất xây lăng, hiện nay còn bia thờ, ngày 24/12 Âm lịch, địa phương tế “nghĩa chủng” cho các vong hồn tử trận”. Quán Bến: “Chiến thắng Tốt Động, quân ta đại thắng giặc Minh, chém đầu tướng giặc thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng; ta tiêu diệt và bắt sống hơn 6 vạn tên giặc, thu được ngựa, quân trang, khí giới, xe cộ, sổ sách nhiều vô kể (Toàn thư)”. Gò Đống Giả:“… nghĩa quân Lam Sơn lập doanh trại giả để nhử giặc sa vào trận địa mai phục sẵn…”. Lại Quán Bến: “Miếu thờ Đỗ tướng công - tướng chỉ huy trận chiến thắng Tốt Động - Chúc Động… đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia - 1985”. Gò Trống, Gò Kèn: “Nơi phát hiệu lệnh thúc quân bằng kèn trống, để cổ vũ tướng sĩ xông lên…”. Đồng Án: “Nơi đắp đất án ngữ không cho giặc Minh chạy vào các thôn xóm Phù Linh (xóm Leo), Mạnh Trung (xóm Bến)”.

Hầu hết nội dung những tấm đá khắc ấy đều bắt đầu bằng “Theo tương truyền”, nghĩa là người ghi hôm nay đã thận trọng, tránh cảm tính.

(Kỳ 2& hết: “Neo” quá khứ lại)

Trần Chiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm