Tiểu thuyết ‘Lần đầu thấy trăng’ của Võ Diệu Thanh: Cái nhìn ‘thấu thị’ về giáo dục

27/10/2013 14:06 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét: “Đọc xong Lần đầu thấy trăng, thấy đúng là phải cải cách giáo dục”. Cũng không quá khó hiểu, tác giả của tiểu thuyết ấy là Võ Diệu Thanh, một nhà giáo.

Nhà văn Võ Diệu Thanh sinh năm 1975, hiện là giáo viên dạy môn mỹ thuật tại An Giang. Đoạt nhiều giải thưởng văn chương khu vực, nhưng Võ Diệu Thanh chỉ thực sự được chú ý đến khi đoạt giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học tuổi 20 lần thứ 4 với tập truyện Cô con gái ngỗ ngược (NXB Trẻ, 2010). Năm 2011 Võ Diệu Thanh tiếp tục gây bất ngờ khi lập “cú đúp” nhận tặng thưởng tác phẩm hay tạp chí Nhà văn và giải nhất truyện ngắn trên mạng xã hội Yume.

Lần đầu thấy trăng (NXB Phụ nữ, 10/2013) là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Võ Diệu Thanh viết về đề tài giáo dục vừa được giới thiệu trong Hội sách mùa Thu vừa qua tại Hà Nội.


Nhà văn Võ Diệu Thanh tại Hội sách mùa thu Hà Nội (13/10) . Ảnh: Lãng Ma

Thổ âm sông nước Cửu Long

Tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng dựng lên một vùng sông nước đồng bằng Cửu Long mà ở đó, những mảnh đời của những học sinh cá biệt bị đeo đẳng bởi cái nghèo, cái đói. Ở đó là hành trình của họ để vượt thoát khỏi cái xấu, sự xuống cấp đạo đức của xã hội, để sống một cuộc đời “không chết ngộp” bởi vì còn quá nhiều điều tốt đẹp đang chờ họ phía trước.

Lần đầu thấy trăng tưởng chỉ miêu tả một mùa thơ dại, với những ngây thơ, khờ khạo yêu đương buổi ban đầu của những chàng trai, cô gái tuổi dậy thì. Nhưng, ẩn dưới giọng văn hiền lành ấy là “sức chữ”, nó thâm trầm và bi thảm đến rốt ráo về một thực trạng giáo dục đang còn nhiều nhiêu khê, bất ổn. Nó hấp dẫn độc giả trong nghệ thuật miêu tả hành trạng tâm lý của những nhân vật với vòng xoay kỳ diệu biến ảo từ tốt – xấu – tốt.

Ở đó, có thân phận những người phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long, họ sinh ra để sống, vì đời sống chứ không phải là để chết trong muộn phiền, khổ đau hay tột cùng sung sướng. Sự tha hóa, biến chất là nhất thời, và những con người đó, đến một thời điểm họ lại sống đúng với ý nghĩa của cuộc đời lương thiện, đầy ắp sự chia sẻ và bao dung.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhận xét: văn của Võ Diệu Thanh đậm nét Nam Bộ, Lần đầu thấy trăng hay và rất đặc sắc. “Chị đã biết nương thân ở “hậu phương” của mình, nơi đó miền sông nước Cửu Long, chính là nơi chốn sinh thành và dung dưỡng tâm hồn của một nhà văn biết chắt lọc, thanh tẩy để đưa ngôn ngữ một vùng miền ra ngoài một vùng miền”.

Ông nói thêm: “Đọc xong Lần đầu thấy trăng, thấy đúng là phải cải cách giáo dục”.


Bìa tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng.

Nhà giáo, nhà văn cùng trăn trở về giáo dục

“Sợ nhất thói ích kỷ, thứ hai là nhàm chán”, Võ Diệu Thanh phát biểu tại lễ giới thiệu tiểu thuyết Lần đầu thấy trăng.

Lần đầu ra Hà Nội và mặc áo dài ở Thủ đô trong hội sách, Võ Diệu Thanh không giấu giếm cảm giác hạnh phúc khi gặp gỡ được nhiều bạn văn và được sống trong bầu khí quyển văn chương thực thụ.

Võ Diệu Thanh thổ lộ khi cho biết trước đó gia đình không cho viết, lúc đầu can ngăn dữ lắm, bảo viết chi cho nặng đầu óc, ngồi lì với máy tính không khéo thì thành “tượng”. Mãi đến sau này, khi đã đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 thì mọi việc mới nhẹ nhàng và “đỡ tủi”.

Chia sẻ về Lần đầu thấy trăng, nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương (Viện Văn học) lại có cái nhìn sâu hơn vào ngòi bút Võ Diệu Thanh, trên cả hai khía cạnh: nhà văn và nhà giáo. Anh cho rằng: “Điều đáng nói là Võ Diệu Thanh không hề cường điệu, tiểu thuyết cũng không mang dáng dấp hiện thực phê phán. Đơn giản đó chỉ là một thực tế, cô giáo Võ Diệu Thanh bảo đó là hệ quả của sai lầm giáo dục, nhà văn Võ Diệu Thanh thì bảo thêm đó là hệ lụy của sai quấy lòng người”.

Rõ ràng, ở đây đã ít nhiều xuất hiện một khối “mâu thuẫn dịu dàng” giữa sáng tạo nghệ thuật và thực tế cuộc sống, giữa nội tâm một người hai vai: nhà giáo và nhà văn, cả hai đều nắm giữ những “quyết sách” ngôn ngữ của mình.

Đọc Lần đầu thấy trăng dễ liên tưởng tới Dòng xoáy của nhà văn Trần Thị Nhật Tân - cuốn tiểu thuyết chống tiêu cực trong ngành giáo dục đã từng gây xôn xao dư luận, để lại dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nữ nhà văn đất Thành Nam. Ngày đó, Dòng xoáy có lẽ cũng là một trong những cuốn tiểu thuyết hiếm hoi khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay khi đọc xong bản thảo đã viết thư động viên và khen ngợi tác giả.

Nhà văn Võ Diệu Thanh hay Trần Thị Nhật Tân: một Nam - một Bắc, một trẻ - một già, một tinh tế - một bạo liệt, nhưng hai nữ nhà văn có cùng cái chung đều là cô giáo, đều viết về thực trạng giáo dục và đều có cái nhìn thấu thị, có chua cay mà bất lực, có đau xót mà cảm thông.

Và “đầm nước mắt” – một biểu tượng tinh thần mới trong Lần đầu thấy trăng, như một thông điệp lớn, hãy đốn ngộ và thiện tâm trở về bên những bài học về tiếng Việt, theo nghĩa trong sáng nhất: sống để còn yêu thương.

LÃNG MA
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm