14/10/2012 14:46 GMT+7 | Văn hoá
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng |
1. Nhà văn Nguyên Ngọc phân biệt rất rõ phương thức canh tác của cư dân Tây Nguyên với các sắc tộc thiểu số phía Bắc, cụ thể là phân biệt sự khác nhau giữa nương và rẫy.
Nương của đồng bào ít người miền Bắc là một vạt rừng, đồi được phát quang và trồng năm này qua năm khác, không quay trở lại đất rừng tự nhiên nữa. Trong khi đó rẫy của đồng bào Tây Nguyên chỉ được trồng vài ba năm, từ 3 đến 5 năm, rồi bỏ hoang trong tự nhiên chừng 60 năm, cho đến khi rừng tự tái tạo lại trên mảnh đất đó, người ta mới quay trở lại.
Nhưng như thế mỗi gia đình Tây Nguyên cần có từ 15 đến 20 cái rẫy để luân canh và bỏ hoang, rừng liên tục được tái sinh, bởi vì đối với người Tây Nguyên không thể thiếu được rừng, văn hóa cuộc sống của họ sinh ra từ rừng.
|
Ở Tây Nguyên, người ta coi đất đai thuộc về Giàng (Trời), không ai có quyền chiếm dụng, mà chỉ có quyền sử dụng để tồn tại, tất nhiên sự phân chia vùng miền giữa các sắc tộc vẫn có và được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài (cũng như miền núi phía Bắc), do cách sống hòa thuận và tình trạng thưa dân không dẫn đến những mâu thuẫn trầm trọng về ruộng đất và rừng có nương rẫy.
2. Quần cư làng bản miền Bắc hình như chưa được nghiên cứu bao nhiêu của ngành dân tộc học.
Trong kiến thức của chúng ta chỉ đại khái thấy rằng người Thái và người Mường ở tương đối thấp và canh tác những vạt ruộng lớn trong các mường (muang), người Dao ở cao hơn, và người Mông ở cao nhất trên các ngọn núi đá cao nhất trong nước, bất cứ đâu...
Những cái đó thật mơ hồ, và làng bản của các sắc tộc phía Bắc cũng thường không có hình thức rõ ràng để nhận biết như làng xã của người Việt (Kinh) ở đồng bằng Bắc bộ. Những ngôi làng của người Việt (Kinh) và buôn, pley của người Tây Nguyên có hình thức rõ ràng và mang tính phòng thủ, như một ngôi thành tạm thời.
Dù không có tường bao, nhưng làng xã đồng bằng có khả năng phòng thủ tốt hơn rất nhiều so với một ngôi thành, bởi xung quanh bao bọc bằng những lũy tre dày đến hàng chục thước, ngay cả trong thời Pháp xâm lược với súng đạn cũng khó tấn công vào làng, nếu làng chủ động gìn giữ. Buôn hay pley Tây Nguyên chỉ có thể phòng thủ trong các cuộc chiến địa phương với vũ khí là giáo mác thô sơ.
Đối với các bản làng phía Bắc, dường như đã trải qua những tháng năm thanh bình, không biết đến binh đao, nên hình thức làng bản phòng thủ coi như không có, chỉ có nhà phòng thủ, tức là nhà được xây kiên cố như một lô cốt lớn của người Tày và người Mông xưa và chỉ có tính bảo vệ gia đình khỏi trộm cướp. Những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm phương Bắc có những giới hạn nhất định trong các địa bàn ven biển và chủ yếu hắt từ con đường Một ra phía Đông. Từ đường Một hắt vào phía Tây ít khi chịu các sức ép xâm lăng, và địa hình núi sông rất phức tạp không cho phép tiến thẳng theo hướng Đông - Tây mà chỉ có thể đi dọc các triền sông núi, hầu như không có đường bộ cho những cuộc hành quân lớn.
Làng người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, Quảng Nam. Ảnh Bảo Đàn. |
Cho đến nay, làng Cơ Tu mới đã được mở rộng nhưng người ta vẫn giữ hình thái làng cổ truyền, và xây thêm nhà mới ở vòng ngoài cũng xung quanh hình ô van như vậy. Người Cơ Tu có lẽ quan niệm thế giới là một vòng tròn, một ngôi nhà cũng là một thế giới thu nhỏ, buôn làng là hiện hữu của thế giới mà con người tồn tại.
Kỳ sau (Chủ nhật, 21/10): Một thoáng nhìn ra bên ngoài
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất