17/11/2012 14:03 GMT+7 | Văn hoá
Nhân dịp này, TT&VH đã trao đổi với NSƯT Mạnh Chung, PGĐ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và nghệ sĩ opera Hà Phạm Thăng Long, một giọng nữ cao nổi tiếng hiện nay.
* Vở Cô Sao được công diễn tại Nhà hát Lớn ngày 24 và 25/11 tới đây là một tin vui, đối với hai nghệ sĩ, cảm xúc của anh chị như thế nào?
- NSƯT Mạnh Chung: Vở Cô Sao được nhà hát dàn dựng từ năm 1965, năm 1976 và đây là lần thứ 3. Đối với những người làm nghề, khi được dàn dựng lại vở opera kinh điển này sau hơn 30 năm, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng.
- Ca sĩ Thăng Long: Là người đảm nhận vai Cô Sao, vốn đã gắn liền với tên tuổi của các nghệ sĩ lớn, tôi có một chút áp lực, phải làm thế nào để mọi người có thể nhìn nhận cho công việc của thế hệ ca sĩ opera trẻ như chúng tôi.
Có một thuận lợi khi làm vở opera hát bằng tiếng Việt là tôi hiểu được chính xác từng từ mình hát ra, hành động thể hiện sẽ dễ hơn. Nhưng cái khó là ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều âm đóng, khi hát nốt cao phải làm thế nào để rõ được từ. Chúng tôi phải tập luyện rất nhiều để làm được điều này.
Nghệ sĩ opera Hà Phạm Thăng Long |
* Vở Cô Sao được công diễn lần đầu tiên năm 1965, trở thành một dấu mốc rất quan trọng của nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng sau một thời gian rất dài, chúng ta không được thấy xuất hiện những vở nhạc kịch như vậy. Tại sao nhạc kịch Việt Nam lại có khoảng trầm dài như vậy?
- NSƯT Mạnh Chung: Từ năm 1965 đến 1981 chúng ta có những vở opera như Cô Sao, Người tạc tượng, Bên bờ KrongPa, Tình yêu xanh... Nhưng từ giai đoạn 1981 đến nay chúng ta không có một tác phẩm nào nữa. Làm opera không phải là làm một chương trình nghệ thuật, nó là công trình nghệ thuật lớn. Trong đó có cả hát, dàn nhạc giao hưởng, hội họa, thời trang, múa, sân khấu, ánh sáng kết hợp. Để làm một vở là cực kỳ khó khăn ngoài yếu tố con người tài năng, thì kinh phí cũng rất lớn.
NSƯT Mạnh Chung |
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thường xuyên năm nào cũng đỏ đèn ở Nhà hát Lớn để mang loại hình giao hưởng thính phòng, opera đến với khán giả. Chúng tôi làm những chương trình trích đoạn opera khoảng 30 phút hoặc 45 phút để khán giả được tiếp cận với loại hình opera.
Ngoài ra, chúng tôi xây dựng CLB khán giả, những người trong CLB sẽ được phát vé miễn phí để họ đến thưởng thức và chuyển lại cho bạn bè của họ đến với chúng tôi, đến với opera.
Chúng tôi cũng đã liên hệ rất nhiều với các đơn vị làm kinh tế, nhưng trong giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn nên việc hợp tác chưa phát triển được. Hơn nữa, doanh nghiệp nào đến với chúng tôi phải rất tâm huyết, bởi nó không như các môn nghệ thật khác, lượng khán giả không lớn.
Một cảnh trong vở Cô Sao công diễn năm 1965 |
* Theo anh chị, để opera Việt thực sự "sống dậy", chúng ta phải làm gì và bắt đầu từ đâu?
- Ca sĩ Thăng Long: Để có được sự hồi sinh này, cần có một quá trình và một hệ thống. Quá trình là việc đào tạo nhân lực gồm ca sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn... Đồng thời phải nâng cao kiến thức âm nhạc cho công chúng, bắt đầu từ các em học sinh cấp 1, cấp 2. Việc giáo dục kiến thức âm nhạc phải có sự thay đổi lớn hơn nữa.
Tính hệ thống ở đây là cần sự quan tâm đầu tư kinh phí của nhà nước, từ trên xuống dưới.
- NSƯT Mạnh Chung: Hiện tại nước ta không có đạo diễn opera, chỉ duy nhất đạo diễn Văn Hà học chính quy về đạo diễn opera ở Liên Xô (cũ) nay đã 85 tuổi. Việc đào tạo ca sĩ opera cũng phải được quan tâm hơn ở các nhà trường, học viện âm nhạc...
Một điều không thể không nói, đó là nhà nước cần có chế độ tương xứng cho loại hình âm nhạc này.
* Xin cảm ơn hai nghệ sĩ!
Cô Sao là vở nhạc kịch đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam cũng là tác phẩm opera nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được sáng tác năm từ 1960 đến 1963 và công diễn lần đầu tại Hà Nội năm 1965 do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam dàn dựng. |
Thảo Vy - Yên Khương (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất