Tái dựng 'Bông hồng cài áo': Một kiệt tác khó vượt qua

02/08/2013 09:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Vũ Minh đã rất nỗ lực trong việc tái dựng vở kịch thuộc hàng kiệt tác của NSND Kim Cương - Bông hồng cài áo - và vừa có buổi phúc khảo thành công tại chi nhánh Kịch IDECAF (7 Trần Cao Vân, TP.HCM). Thế nhưng, trong lòng khán giả hôm nay, nhất là với những người từng xem phiên bản trước của vở này, mặc nhiên có so sánh. Trong sự so sánh đó, phiên bản mới chưa thể thay thế được phiên bản trước về nhiều mặt.

Nếu nhìn một cách độc lập, vở diễn với sự tham gia của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, Hoàng Trinh, Phương Dung, Lê Khánh, Đức Thịnh… đã là những tên tuổi bảo đảm để thu hút khách.


Cảnh trong Bông hồng cài áo

Nói về cách dàn dựng, đạo diễn Vũ Minh chia sẻ với báo chí rằng, anh trung thành với thủ pháp chân phương trong dàn dựng của Đoàn Kịch nói Kim Cương và đào sâu tính cách các nhân vật, tạo ra những tình huống chân thật để người xem cảm nhận hết sức nhẹ nhàng... Xét theo khía cạnh này, những tên tuổi vừa kể trên, trừ hai vai có tính hài hước của Lê Khánh và Phương Dung, thì tất cả đã làm khá tốt; vài diễn viên trẻ cũng đã làm được. Ngay trong buổi phúc khảo, vài lớp diễn đã lấy được nước mắt của khán giả khó tính, đó là hội đồng nghệ thuật và báo giới.

Cũng cần nhắc lại, sau vở Lá sầu riêng ra mắt năm 1962 và gây tiếng vang thì khoảng  ba năm sau, Kim Cương công diễn Bông hồng cài áo, thành công cũng không kém. Song song đó, hai tác phẩm cũng nổi tiếng tại Sài Gòn là đoản văn Bông hồng cài áo (viết năm 1962) của thiền sư Thích Nhất Hạnh (Kim Cương dựa vào đây để soạn kịch) và ca khúc cùng tên (viết riêng cho vở kịch) của Phạm Thế Mỹ.

Kim Cương được vài nhà phê bình mệnh danh là bà hoàng lấy nước mắt, với cách diễn sâu lắng, mùi mẫn, các tác phẩm khác của bà như Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Huyền thoại mẹ… cũng đều đạt hiệu ứng như vậy. Bông hồng cài áo được Đoàn Kịch nói Kim Cương diễn trong mấy chục năm, trở thành một trong vài vở có số suất diễn kỷ lục.

Đạo diễn Vũ Minh nhìn nhận: “Làm mới một tác phẩm đã có bề dày thời gian và sự ngưỡng mộ của công chúng bảo chứng là một áp lực nặng nề đối với tôi. Nhiều thập niên qua, đã có rất nhiều đạo diễn muốn tái dựng những kịch bản của NSND Kim Cương nhưng chị đều từ chối. Tôi rất vinh hạnh được chị tin tưởng khi đồng ý cho tái dựng tại sân khấu IDECAF một tác phẩm được xem là gia bảo của một gia đình có nhiều đời theo nghề hát này”.

Trong tình thế và nỗ lực như vậy, chỉ còn biết hi vọng phiên bản mới của Bông hồng cài áo sẽ tìm đến được lớp khán giả mới - những người vốn có ít kỷ niệm và ký ức về kiệt tác này. Bởi nói như NSƯT Hữu Châu: “Trà hoa nữ hay Bông hồng cài áo thì chúng tôi còn dám dựng, chứ Dưới hai màu áo, Huyền thoại mẹ thì không dám, bởi khó mà làm hay bằng, chứ đừng nói hay hơn. Phải chờ thêm vài chục năm nữa, khi ký ức khán giả và giới làm nghề phôi pha, lúc ấy mới nên dựng”.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm