31/05/2022 11:47 GMT+7 | Văn hoá
Trong 11 tác phẩm lọt vào Vòng Chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022 có bản thảo truyện dài Nếu một ngày chúng tớ biến mất của tác giả Mộc An. Truyện gồm 3 phần: Cô nàng Ốc Sên ăn chay, Sọc Vàng và Sọc Xanh và Nơi trú ẩn cuối cùng. Tự thân mỗi phần đủ sức nặng để có thể chuyển thể thành mỗi “bom tấn” hoạt hình cho thiếu nhi.
Dù không lọt vào Top 8, nhưng truyện đã gây ấn tượng mạnh với giải Dế Mèn, và được biết, truyện cũng đã tìm được “bà đỡ” và sẽ sớm ra mắt bạn đọc. Sau đây là bài viết của nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, thành viên Ban sơ khảo.
1. Chậm rì, chậm rì/ kìa con ốc nhỏ/ trèo núi Fuji (Nhật Chiêu dịch). Ở thế kỷ 19, con ốc sên chậm chạp bò vào văn chương qua những câu hài cú của Kobayashi Issa 1 trong những thi nhân lớn nhất xứ Phù Tang.
Con ốc sên nhỏ bé và núi Phú Sĩ (Fuji) hùng vĩ. Con ốc sên chậm chạp dịch chuyển và núi Phú Sĩ bất động. Một thế giới u huyền mở ra, và ta nhận ra có tiểu vũ trụ đang chuyển động bên cạnh chúng ta. Chậm nhưng kiên nhẫn và không ngừng nghỉ.
Thế giới ốc sên đó đã vào truyện thiếu nhi của Luis Sepulveda, Con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp, và từ lâu rồi từng xuất hiện trong phim hoạt hình hài hước Turbo. Lần này, những chú sên ấy lại đi vào câu chuyện đồng thoại của tác giả Mộc An, Nếu một ngày chúng tớ biến mất, tham dự Giải Dế Mèn năm 2022.
Chuyện khởi đầu từ một cô ốc sên ăn chay. “Ở vùng này mỗi ngôi nhà đều có một khu vườn. Mẹ An cũng có một khu vườn bé xíu trồng những loại rau cỏ bà thích. Ở trong vườn có một con ốc sên”. Mộc An đã bắt đầu như thế, trong một mảnh vườn bé xíu của những con vật bé xíu được nhân cách hóa. “Ăn chay” ở đây được lý giải “chẳng qua chỉ là một cách nói. Với loài người, ăn chay có nghĩa là không đụng vào thịt cá… ờm… nghĩa là thịt động vật nói chung. Còn ở đây, ăn chay có nghĩa là không đụng vào hoa, cô bé ạ” (lời bác Bồ Đề).
Nàng ốc sên ăn chay bước vào khu vườn mới với luật lệ nghiêm ngặt như thế. Trong thế giới của những loài nhỏ bé, cái đẹp mong manh, chóng vánh của một bông hoa cũng có thể làm chúng xúc động. Một nỗi buồn, chính xác Mộc An đã viết “đẹp và buồn”, gợi nhớ cuốn tiểu thuyết của Kawabata cũng làm nổi bật lên cái bi cảm về sự phù du của cuộc đời, đặc biệt là cuộc đời của những loài bé mọn.
Đây cũng như một dự báo cho những biến động sắp tới, những lần “di cư” của chúng, dẫu như đã nói đi nói lại, cái thế giới của chúng, bé nhỏ chỉ vừa bằng một mảnh vườn.
Mà cuộc đời con người sống trong trời đất rộng khôn cùng, nhưng phải chăng tâm hồn cũng chỉ quẩn quanh trong những hàng rào vô hình. Như lời chú bé tâm sự với ốc sên:“Thật ra nếu tao là chúng mày, tao cũng chán lắm. Suốt ngày chỉ có thể quẩn quanh trong trong mấy tấm lưới này. Tụi mày biết không, tao cũng suốt ngày quẩn quanh trong nhà thôi. Bố mẹ chở tao đến lớp, xong lại đón về nhà. Tao cũng thường xuyên ở nhà một mình. Kể ra tụi mày còn được nhốt chung với nhau, nhưng tao thì không có ai cả”.
2. Nhưng cũng chính trong phút hạnh ngộ giữa người và vật ấy, những sinh vật nhỏ nhận ra tốt nhất cái thế giới của chúng nên vô hình bên cạnh con người, “con người đã phát hiện ra chúng ta. Chúng ta cần đến một nơi mà họ chưa lui tới”.
Phải chăng đây như một thông điệp ngầm nói với chúng ta, ở đâu có dấu chân con người đặt đến thì ở đó các loài động vật bị đe dọa? Từ bao giờ, nhân loại biến thành giống loài “thiên địch” với các loài khác? Một câu hỏi, mà có lẽ ta còn đợi ở những tác phẩm khác đào sâu hơn.
Truyện của Mộc An như vòng lặp. Khép lại phần đầu bằng một cuộc di cư và khép lại cả câu chuyện bằng một cuộc di tản. Di cư, nhưng đi đâu mới được, ở đâu thì con người vẫn đặt chân đến. “Con người. Sáng nay họ đã đến bên kia đồi. Họ mang theo những con quái vật khổng lồ, và con quái vật đó bắt đầu gặm vào sườn núi” hay “họ sẽ biến nơi này thành một khu nghỉ dưỡng gì đó. Những ngọn đồi sẽ được xẻ ra, và những ngôi nhà sẽ mọc lên” hoặc “con người sẽ chiếm ngọn đồi”.
Vậy đó, mâu thuẫn giữa thế giới con người và thế giới loài vật không thể hòa hoãn. Và “nếu một ngày chúng tớ biến mất” không còn là giả định nữa mà trở thành viễn cảnh. Ở đó, “bạn muốn tìm loài Ốc Sên của chúng tôi, chỉ còn cái tên trong từ điển, tự hỏi giờ này chúng đã ở đâu rồi. Biết đâu lúc đó, chúng tôi đã ở ngoài những vì sao lấp lánh xa xôi kia, cùng với những chòm Bọ Cạp, Dế Mèn, Bươm Bướm, Chuồn Chuồn… Tự dưng tôi thấy nhớ những người bạn của tôi vô cùng. Chuyến đi này, có lẽ lâu lắm chúng ta mới gặp lại. Các bạn của tôi, các bạn có khỏe không?”.
Các bạn có khỏe không? Chúng ta có yên ổn nếu thật sự những loài ta tưởng là bé mọn, tầm thường lại biến mất? Và phải chăng, cũng như tốc độ của loài sên kia, con người cũng đang chậm chạp đi trên con đường hủy hoại hành tinh này?
Vài nét về tác giả Mộc An Tên thật: Nguyễn Thị Nguyệt Trinh. Sinh năm: 1980. Hiện sống và làm việc tại Bình Định. Lớn lên từ những câu chuyện thiếu nhi, và đến một lúc nào đó bắt đầu muốn viết những câu chuyện cho thiếu nhi. |
Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất