29/07/2021 19:26 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những tác phẩm viết về chủ đề biển đảo vốn không hiếm, nhưng tác phẩm hay, để lại dấu ấn - đặc biệt là viết cho thiếu nhi - vẫn còn khá ít. Vì thế, Cà Nóng chu du Trường Sa (NXB Kim Đồng) của Bùi Tiểu Quyên vừa phát hành đã gây chú ý khi truyền tải được thông điệp ý nghĩa bằng cách thức uyển chuyển, phù hợp với trẻ nhỏ.
1. Cuốn sách sử dụng thủ pháp nhân hóa chiếc máy ảnh mang tên Cà Nóng, rồi cùng nhau khám phá quần đảo Trường Sa, phiêu lưu đến Song Tử Tây, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn… Ở đó, Cà Nóng đã kết bạn, chơi đùa cùng các chú chó trên đảo Đá Nam, với những “em bé” hoa muống biển.
Đi theo cô chủ của mình ra đảo, Cà Nóng đã có những trải nghiệm lý thú. Qua đôi mắt quan sát của Cà Nóng, một thế giới sinh động và gần gũi hiện ra trước mắt các bạn nhỏ. Đồng hành cùng Cà Nóng là bác Tê Lê, thằng Ni, thằng So, Meica - những chiếc máy ảnh cũng cùng chủ nhân của mình chu du đến Trường Sa, một địa danh quen thuộc, nhưng cũng chứa đựng trong đó bao điều lạ lẫm như lời bác Tê Lê: “Trên đảo Nam Yết còn có cây bàng vuông di sản nữa, rồi hai cây mù u ở đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Ngoài phong ba, các đảo còn có cây bão táp, tra biển, mù u… Những cái tên đẹp đậm dấu ấn của biển.”
Kể từ chuyến đi đầu tiên ra Trường Sa năm 2009, có lẽ ý tưởng viết Cà Nóng chu du Trường Sa đã được Bùi Tiểu Quyên nhen nhóm. Trong thời gian lên ý tưởng, hoàn thiện bản thảo, hẳn tác giả đã đắn đo nhiều để viết làm sao không sa đà vào giọng văn tuyên truyền khô cứng, nhưng vẫn thể hiện được tình yêu với nơi chốn đặc biệt này.
Viết một câu chuyện dành cho thiếu nhi, tác giả đã lựa chọn góc nhìn qua các đồ vật để mở rộng trí tưởng tượng, nhưng vẫn vừa đủ kéo gần độc giả nhỏ tuổi theo chuyến du hành vào vùng biển đảo quê hương. Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: “Tôi muốn kể với những người bạn nhỏ của tôi về Trường Sa, về biển đảo của Tổ quốc mình, thông qua hành trình của một chiếc máy ảnh. Kể theo cách của một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở đồng bằng từng có những giấc mơ về biển. Kể theo cách của một người trưởng thành đã biết hiểu và yêu đất nước mình hơn những giấc mơ xưa”.
Tiểu Quyên nói thêm: “Hiện thực chuyến đi trở thành chất liệu cho tác phẩm, với nhiều thông tin thực tế về con tàu KN290, các sinh hoạt trên tàu, cũng như những hình ảnh, câu chuyện, nhân vật có thật từ quần đảo Trường Sa. Khác biệt là hải trình ấy được kể qua lăng kính của những chiếc máy ảnh, mỗi máy ảnh có riêng một sứ mệnh, một khát vọng ước mơ, một cách nghĩ về cuộc đời, tình yêu, tình đồng đội, tình bè bạn... Những câu chuyện hư cấu ấy góp phần tạo nên hải trình khó quên cho những người bạn nhỏ”.
2. Nhắc đến Cà Nóng chu du Trường Sa, độc giả không thể bỏ qua một phần mỹ thuật quan trọng, góp phần làm nên sự đặc sắc của tác phẩm. Với những minh họa đầy màu sắc của Đinh Nguyên Hoàng, những con chữ đã hóa thành các bức tranh sinh động, giúp các bạn nhỏ hình dung dễ dàng hơn hình dáng của Cà Nóng, bác Tê Lê, thằng Ni, thằng So, Meica, dẫu các đồ vật này đã được nhân hóa.
Đối với một tác phẩm thiếu nhi, minh họa đôi khi quan trọng không kém gì nội dung. Trong Cà Nóng chu du Trường Sa, tuy phần minh họa không chiếm quá nhiều dung lượng trang sách, nhưng đã lựa chọn được những chi tiết đặc sắc, có chất truyện tranh, tất cả hài hòa với nhau, góp phần nâng đỡ câu chuyện.
Đọc Cà Nóng chu du Trường Sa của Bùi Tiểu Quyên cũng như nhiều tác phẩm thiếu nhi Việt Nam gần đây, có thể thấy văn học thiếu nhi trong nước đang có những thay đổi tích cực từ nội dung lẫn hình thức. Hy vọng, với sự quan tâm của các đơn vị xuất bản, văn học thiếu nhi sẽ được đầu tư hơn nữa, chất lượng hơn nữa, để thu hút thêm độc giả.
Xu thế Sách + Tranh Sự kết hợp với phần tranh minh họa công phu, giàu giá trị là xu thế chung của nhiều sách hiện nay, đặc biệt là các tác phẩm thiếu nhi. Trong số này có thể kể tới Người trồng rừng của Jean Giono với minh họa của Trần Quốc Anh – một tác phẩm vốn dĩ chỉ là một truyện ngắn nhưng từ sự xuất hiện của minh họa đã được “trình diện” như một bản sách đầy đặn. Tương tự, đó là trường hợp của Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), hoặc mới đây là Chú bé Thất Sơn (Phạm Công Luận), cả hai được tái bản với phần tranh minh họa đẹp mắt, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Các tác phẩm sách tranh này phần lớn do các đơn vị xuất bản chủ động tổ chức theo kế hoạch xuất bản. Ngược lại, cũng có những trường hợp sách tranh đến từ những đồ án tốt nghiệp của sinh viên mỹ thuật và được phát triển không theo chủ đích ban đầu. Ví dụ, tác phẩm thiếu nhi Trên đồi, mở mắt, và mơ của Văn Thành Lê xuất bản từ năm 2017, được độc giả Miah - Võ Ngọc Minh Anh chú ý và chọn làm đồ án vẽ minh họa trong trường. Từ đó, phiên bản sách tranh Trên đồi, mở mắt, và mơ ra đời năm 2021 đã có tranh của của Miah. |
Huỳnh Trọng Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất