13/12/2019 19:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 13/12, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt trường thiên thơ lục bát và lịch sử viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tên Một người – thơ – tên gọi của nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ. Sự kiện do Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp tổ chức.
Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, tác giả tập thơ, cho biết, trường thiên thơ và lịch sử Một người – thơ – tên gọi gồm hơn 12.668 câu thơ lục bát, được ông viết trong 10 năm, bằng tất cả tâm huyết và lòng kính yêu đối với Bác Hồ.
Trường thiên là một câu chuyện kể bằng thơ về cuộc đời của Bác Hồ, từ khi Người sinh ra ở làng Sen, thời niên thiếu của Bác, tuổi thanh niên với những trăn trở, suy tư khi đất nước bị xâm lược, nhân dân chịu cảnh bần hàn, cơ cực…, hành trình Người ra đi tìm đường cứu nước… Trường thiên thơ cũng kể lại từng giai đoạn lịch sử của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tại lễ ra mắt sách, Nghệ sỹ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, chia sẻ, ở tuổi 90, nhà viết kịch, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã dồn tâm huyết, trí lực cùng những kinh nghiệm chắt lọc từ đời sống hiện thực, lòng kính yêu với Chủ tịch Hồ Chí Minh để cho ra đời tập trường thiên thơ và lịch sử Một người – thơ – tên gọi.
“Tác phẩm là món quà ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020). Sự ra đời của tập thơ được nhiều văn nghệ sỹ quan tâm, có ý nghĩa thiết thực khi toàn Đảng, toàn dân đang hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ nhấn mạnh.
Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1935 tại xã Nghĩa Trung (nay là thị trấn La Hà), huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi, Hội viên Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trên lĩnh vực sáng tác văn học - nghệ thuật, tác giả Nguyễn Thế Kỷ là một người đa tài. Ông là tác giả lớn của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Trong cuộc đời sáng tác ở lĩnh vực sân khấu, ông đã có những vở diễn nổi tiếng vào những năm 60 của thế kỷ XX, như Đốm lửa núi Hồng, Núi rừng năm ấy, Người lão bộc của vua Quang Trung, Những đứa trẻ không cô đơn, Thánh Gióng, Sóng trào biển động, Hạt muối trắng trong, Tìm đường Đồng Lộc… Các tác phẩm sân khấu của ông được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng, được khán giả yêu thích vì tác giả đã xây dựng được hoàn cảnh, nhân vật điển hình, ngôn ngữ chắt lọc, khai thác tâm lý, hành động nhân vật.
Không những xuất sắc trên lĩnh vực sáng tác kịch bản sân khấu, Nguyễn Thế Kỷ còn bén duyên với nhiều loại hình nghệ thuật khác như sáng tác tiểu thuyết, ký sự. Ở lĩnh vực này, ông đã có những tác phẩm như Muôn dặm quan san (truyện ký) viết chung với Tiến sỹ Minh San. Các tiểu thuyết Uẩn khúc Cao Muôn, Trảm long mạch, Đối thoại nhớ quên, Thằng cu nhỏ đã lớn, Người vạc rừng, Kẻ Trổ quê hương tôi… Những sáng tác của ông luôn để lại dấu ấn cho người đọc ở vốn văn hóa, sự từng trải của người cầm bút.
Ở mảng sáng tác thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ cũng đã cho ra đời nhiều tập thơ như Đàn của gió – tập thơ sáng tác về đường dây 500KV, Con người con đường – tập thơ sáng tác về cuộc vận động an toàn giao thông, Áo trắng không phai – tập thơ ca ngợi liệt sỹ Đặng Thùy Trâm, Về tổ và Sóng trào biển động – hai tập thơ sáng tác về biển đảo. Trường thiên thơ Một người – thơ – tên gọi là tác phẩm tâm huyết của ông đối với Bác Hồ kính yêu.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất