Phim Việt tiếp tục gặp khó trong phát hành

03/12/2018 15:31 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một trong những khó khăn đã được nhìn nhận thẳng thắn tại Hội nghị tổng kết công tác điện ảnh năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Cục Điện ảnh tổ chức vào cuối tuần qua.

Thưởng thức những phim Việt Nam 'kinh điển' những năm 2000

Thưởng thức những phim Việt Nam 'kinh điển' những năm 2000

Khán giả yêu mến điện ảnh Việt Nam sẽ có cơ hội xem lại những bộ phim "kinh điển" như: Chuyện của Pao, Mùa len trâu, Sống trong sợ hãi, Gái nhảy tại Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh (TPD) từ 1/12.

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt nhập khẩu phim vào Việt Nam thì phim trong nước lại bộc lộ rõ sự yếu thế, vấp phải không ít vướng mắc trong phát hành, đặc biệt trong việc đưa vào hệ thống phát hành do nhà đầu tư nước ngoài quản lý.

Những vướng mắc cần tháo gỡ

Nhìn lại năm 2018, báo cáo của Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) nêu, khó khăn lớn nhất trong hoạt động của ngành hiện nay là hoạt động chiếu phim tại các rạp của nhà đầu tư nước ngoài. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại thị trường Việt Nam do khi ký kết các Hiệp định Thương mại của WTO (năm 2007), Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch nhập khẩu phim. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc đã ồ ạt nhập khẩu phim nước ngoài vào Việt Nam.

Chú thích ảnh
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng đã trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ cho Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan.

“Phim của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vừa ít về số lượng, vừa không đồng đều về chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật, nên gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào hệ thống phát hành do nhà đầu tư nước ngoài quản lý. Hiệp hội Phát hành và Phổ biến Phim Việt Nam đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Bộ VHTTDL và một số Bộ, ban, ngành liên quan phản ánh việc CJ CGV có dấu hiệu thống lĩnh thị trường, chèn ép các doanh nghiệp Việt trong phát hành, phổ biến phim. Tuy nhiên, do những vướng mắc về quy định pháp lý nên đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết”, Cục Điện ảnh cho biết.

Một số hạn chế khác cũng đã được Cục Điện ảnh thẳng thắn nhìn nhận như chậm ban hành văn bản pháp quy hướng dẫn đấu thầu đặc biệt sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; thiếu ngân sách hoạt động đối ngoại và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức và nhân lực làm việc tại cơ quan Cục Điện ảnh; thẩm định cấp phép nhập khẩu phim không nhằm mục đích kinh doanh. Trong đó, về vấn đề thiếu ngân sách hoạt động đối ngoại và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài, theo lãnh đạo Cục, Tuần phim Việt Nam tại các nước do Cục Điện ảnh chủ trì tổ chức với nguồn kinh phí xã hội hóa đã đem lại tiếng vang lớn trong và ngoài nước, đặc biệt các Tuần phim Việt Nam tại Argentina và Canada.

Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động lại trông chờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa nên Cục khó có thể chủ động về quy mô, địa điểm, thời gian tiến hành các hoạt động…

Về việc thẩm định cấp phép nhập khẩu phim không nhằm mục đích kinh doanh, sau một thời gian tiếp nhận công việc cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, theo Thông tư số 22/2018/TT-BVHTTDL và Nghị định số 32/2012/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh, Cục Điện ảnh nhận thấy một số vướng mắc như: Luật Điện ảnh quy định các doanh nghiệp có rạp mới được phép nhập khẩu phim, hiện nay không có quy định đối với doanh nghiệp đứng ra nhập khẩu phim truyền hình khi chưa có đơn vị phát hành. Ngoài ra, cũng chưa có quy định về việc cấp giấy phép nhập khẩu đối với các phim nhập để phát trên Internet hay các kênh truyền hình trả tiền…

Chú thích ảnh
Phim “Tấm Cám chuyện chưa kể” từng gây nhiều tranh cãi khi không chiếu trên hệ thống rạp của CGV

Khắc phục khó khăn, tăng cường quảng bá

Theo Cục trưởng Ngô Phương Lan, năm 2018, Cục Điện ảnh đã nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn như một số vướng mắc trong quy trình thẩm định và cấp kinh phí đặt hàng sản xuất phim, thực hiện giải ngân các dự án phim tài liệu, phim khoa học, hoạt hình… theo kế hoạch đặt hàng của Nhà nước...

Tính đến 30.11.2018, Cục đã thẩm định, phân loại cho phép phát hành 30 phim truyện Việt Nam chiếu rạp, 208 phim truyện nước ngoài, 16 phim truyện video, 2 phim truyện hợp tác với nước ngoài, 5 phim tài liệu nhựa, 22 phim tài liệu kỹ thuật số và 32 phim ngắn, cấp 13.070 tem nhãn quản lý đĩa hình. Hoạt động chiếu phim lưu động đã phục vụ 9,1 triệu lượt người xem, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị và góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn…

Chia sẻ với những khó khăn trong công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực điện ảnh, các đơn vị như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Công ty cổ phần phim Giải phóng, Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình VN, Viện phim Việt Nam, Công ty cổ phần phim truyện I, Trường quay Cổ Loa… cũng đã nêu lên những khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phim Giải Phóng nêu, do thay đổi cơ chế đặt hàng sản xuất phim nên từ năm 2015 đến nay, Công ty chưa nhận được kinh phí Nhà nước tài trợ đặt hàng sản xuất phim truyện hằng năm. Kinh phí Nhà nước tài trợ đặt hàng phim ngắn hằng năm được cấp chậm so với kế hoạch, công ty phải tự cân đối nguồn thu ít ỏi để sản xuất các phim kịp kế hoạch. Đến nay, công ty vẫn chưa nhận được kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của Nhà nước năm 2018. “Nguồn thu đảm bảo đời sống cho người lao động hiện nay chủ yếu từ việc khai thác rạp chiếu phim, khai thác phim trường…”, ông Hưng cho biết.

Đại diện Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Phó Giám đốc Nguyễn Phúc Diên cũng chia sẻ hiện trạng một số phòng chiếu đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Hoạt động của Trung tâm trong năm 2018 gặp nhiều khó khăn, lượng khán giả bị sụt giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, về thị trường phổ biến phim, các hệ thống rạp do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển mạnh trên toàn quốc, đặc biệt xung quanh Trung tâm Chiếu phim Quốc gia có tới 7 cụm rạp. Trong đó, công ty CGV- CJ, Lotte chiếm thị phần lớn trong phổ biến, phát hành phim đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phổ biến phim của các công ty và đơn vị trong nước cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.

Tập trung tháo gỡ khó khăn là một trong những định hướng mà Cục Điện ảnh đưa ra trong năm 2019. Trong đó, Cục trưởng Ngô Phương Lan lưu ý, các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa cho mục tiêu nâng cao chất lượng phim và đưa phim ra rạp. Về làm phim Nhà nước đặt hàng, cần thay đổi triết lý phim nghệ thuật sẽ không có khán giả. “Không thể làm những bộ phim nhiều tỉ đồng theo kiểu làm cho xong tay, không cần khán giả. Như thế chính là các hãng tự giết mình, và giết cả ngành điện ảnh. Cần chú trọng tổng thể các khâu từ kịch bản, sản xuất đến phát hành, phổ biến phim…”, theo bà Ngô Phương Lan.

Cục Điện ảnh cũng nêu các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 như tổ chức tốt các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn; mở lớp bồi dưỡng máy chiếu kỹ thuật số HD, tuyên truyền, quảng cáo phim cho các đội chiếu phim lưu động trên cả nước; hoàn thiện Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi; xây dựng Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực Điện ảnh; tổ chức LHPVN lần thứ XXI tại Bà Rịa - Vũng Tàu; tăng cường quảng bá điện ảnh Việt Nam thông qua các Tuầm phim tại nước ngoài…

Không thể làm những bộ phim nhiều tỉ đồng theo kiểu làm cho xong tay, không cần khán giả. Như thế chính là các hãng tự giết mình, và giết cả ngành điện ảnh. Cần chú trọng tổng thể các khâu từ kịch bản, sản xuất đến phát hành, phổ biến phim…

(Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh)

 Theo Báo Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm