11/06/2011 14:29 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Đành rằng phim là tác phẩm hư cấu, không nhất thiết phải kể câu chuyện thật, nhưng nhìn vào phần nhiều các vai nữ chính trên truyền hình Việt hiện nay, chỉ thấy vài ba tính cách xấu đơn điệu được tập trung khai thác.
Kịch bản mỏng, cuộc sống dễ!
Nhìn qua một lượt, tất nhiên không “vơ đũa cả nắm”, có thể thấy khi các “kiều nữ” lên phim truyền hình Việt trong 3-5 năm qua, không mưu mô thì tham vọng, không ghen tuông thì ngoại tình, không tham tiền thì vô tâm. Trong 10 phim có bối cảnh hiện đại và hiện tại, có 5-6 phim xây dựng hình tượng kiểu như vậy. Ví dụ như phim Tóc rối đang phát sóng lại trên THVL1, một số vai do Xuân Lan, Phi Thanh Vân, Tường Vy, Minh Khuê... đóng là như vậy, số vai tuyến chính mà hiền lành trong phim ít hơn rất nhiều.
Phim trường Cơm tấm tình yêu. Ảnh có tính minh họa
Nếu chỉ riêng một phim thì không có gì đáng nói, nhưng thành xu hướng, thì cũng hơi lạ.
Trước đây 5-10 năm, xu hướng làm phim thường là câu chuyện gái quê lấy chồng giàu gặp bi kịch; rồi kiều nữ lập nghiệp, thăng trầm với đồng tiền; rồi kiều nữ với tính cách hơi yếu đuối và chịu đựng một chút; rồi con gái tuổi teen... Nay thì kiều nữ học gì, làm gì không quan trọng, chủ yếu là phải có nhà đẹp, xe hơi đi kèm; hoặc chuyện tình tay ba, tay tư, yêu đương nhăng nhít trong chính quan hệ gia đình, công ty; hoặc tính cách lạnh lùng và thủ đoạn.
Cuộc sống trong phim thì luôn dễ dàng. Sự thay đổi về hoàn cảnh sống từ nghèo sang giàu, từ tay trắng đến thành đạt chỉ trong “chớp mắt”, giống như có đũa thần hoặc trúng số độc đắc vậy. Ít có bộ phim nào cho người xem thấy rằng một nghề như nhân vật này đang có thì làm sao mua được xe hơi, làm sao để thành công. Nghĩa là thiếu một quá trình. Đó là chưa nói diện mạo, cốt cách của nhân vật thì chẳng có gì thay đổi, từ cô nhân viên “thay áo” thành bà giám đốc. Điều này có thể được nhìn thấy trong các phim như Ngôi nhà hạnh phúc, Vệt nắng cuối trời, Đại gia đình, Sự thật vô hình...
Nếu ai biết về quy trình sản xuất phim truyền hình thì sẽ biết sự dễ dàng này là do đâu, khi mà có những chỉ dẫn từ nhà đài luôn hướng phim về tương lai tươi sáng, nên phải cho những thứ sang đẹp vào, dù thực tế chưa có. Trên cái nền kịch bản mỏng, các nhân vật đi lại vô hồn...
Sợ nhất là sự vô tâm
“Phim truyền hình là phim của kịch bản. Trong điện ảnh người ta tính cho kịch bản 30%, nhưng một kịch bản tốt phải quyết định đến 70% thành công của bộ phim truyền hình. Diễn viên dù có nghề hay không, khi đã có kịch bản tốt thì có chỗ cho người ta bám vào...
Một người viết bình thường cũng có thể viết được bản đề cương rất hay. Nhưng để thực hiện kịch bản vài chục tập lại là vấn đề khác. Vài chục tập đó thành phim lại là vấn đề khác nữa: đạo diễn thế nào, diễn viên ra sao...”, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Đài THVN) nhận xét.
Nỗi sợ lớn nhất của khán giả hiện nay là sự vô tâm của các khâu, mà nhất là sự “làm quá” của các kiều nữ trên phim. Khi mà họ chọn phim để “làm đẹp” mình, nên quyết không chịu xấu chịu nghèo, kiểu gì cũng “make up” kĩ lưỡng, đẹp đẽ. Các kiều nữ càng nổi tiếng, càng “dày dạn” phim trường càng làm quá. Có những cảnh nghèo, nhân vật đang gần như không có cơm để ăn, nhà cửa xập xệ, nhưng cái áo cái quần mà các kiều nữ mặc (dù kiểu phổ thông) luôn mới tinh tươm, nếu phải mua thì đến tiền triệu, vì đó là... hàng hiệu.
Nhiều vai lội từ dưới ruộng lên, ngủ trong mùng chui ra, đang tập võ... cũng trang điểm, phấn son rất công phu. Tuy vậy, với cơ chế và quy trình làm phim truyền hình như hiện nay thì thật khó khắc phục ngay những khiếm khuyết nói trên, chỉ còn biết trông đợi vào sự thay đổi xu hướng khai thác đề tài, biết đâu vài ba năm nữa, chủ đề và hình tượng trên phim truyền hình sẽ thay đổi theo hướng chân thật hơn?
Như Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất