Phan Thị Thanh Nhàn: Nửa thế kỷ … 'Hương thầm thơm mãi bước người đi'

25/12/2019 12:50 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Có thể đó là một bài thơ, một truyện ngắn, hay chỉ là một đoạn văn, một bức tranh... nhưng một khi đã được đưa vào trong sách giáo khoa phổ thông thì tác phẩm đó sẽ đi vào ký ức của hàng triệu triệu học sinh các thế hệ.

Trong mỗi lần đổi mới sách giáo khoa, lại có thêm các tác phẩm mới được đưa vào, và đương nhiên cũng có một con số tương đương bị rút ra. Nhưng cũng không nên xem đó là vui hay buồn, bởi mỗi tác phẩm đều có "sứ mệnh lịch sử" của mình, dù dài hay ngắn, còn cuộc sống thì vận động không ngừng.

Trở lại chuyên đề này sau hơn một thập kỷ, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) tiếp tục nhắc lại những câu chuyện tưởng cũ mà không cũ xung quanh những áng văn "dĩ tải đạo" này. Những chia sẻ của chính các tác giả hôm nay về đứa con tinh thần của mình chắc chắn sẽ hữu ích cho việc dạy và học văn trong nhà trường, đồng thời cũng giúp chúng ta hiểu hơn về những gì mình đã đọc, đã học, đã thuộc làu làu từ thuở "vỡ lòng"...

(Thethaovanhoa.vn) - Sống trong lòng bạn đọc 50 năm, thi phẩm Hương thầm chắc chắn là một dấu ấn định danh nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trên thi đàn. Được đưa vào sách giáo khoa, phổ nhạc, Hương thầm cùng nhiều sáng tác khác của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “bám gốc, bện rễ” trong tâm hồn, ký ức của bao thế hệ bạn đọc bằng một chất thơ rất riêng: trong trẻo, mộc mạc, giàu suy tưởng nhưng cũng đầy tinh tế.

“Sự cực đoan đáng yêu” của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn

“Sự cực đoan đáng yêu” của nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn

Nhiều nhà văn, nhà thơ đã được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn khắc họa kỹ lưỡng trong cuốn Chân dung văn học: Phan Thị Thanh Nhàn, Sự cực đoan đáng yêu do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

Nhiều độc giả khi đọc Hương thầm hẳn sẽ đều phỏng đoán rằng “cô gái” trong bài thơ chắc là tác giả Phan Thị Thanh Nhàn. Nhưng không! Có nghe đích thân tác giả bộc bạch mới biết, bài thơ được viết để dành tặng người em trai mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn nhất mực yêu, nhất mực thương.

Bài thơ viết tặng em trai ngày tòng quân

Mùa hoa bưởi năm 1969, cũng là lúc Hương thầm ra đời. Nhờ sự đa cảm, sự để ý tỉ mỉ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã bắt được những cảm xúc trong chuyện tình chưa tỏ tường của cậu em trai. “Hồi đó, tôi có cậu em trai, 18 - 19 tuổi đi bộ đội, đúng mùa hoa bưởi nở và em quen một cô bạn hàng xóm. Cô bé đó thường xuyên qua nhà chơi, và tôi đoán là hai đứa có tình cảm với nhau, nhưng thời đấy, hai đứa yêu thầm mà chẳng dám nói. Tôi cứ cố gắng vun đắp cho hai đứa nó” - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể lại.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn

Lấy tình cảm, mượn câu chữ viết nên Hương thầm như món quà gửi cậu em trai ngày ra trận. Tiếc thay, cho đến tận khi hy sinh, cậu em của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng không hề hay biết được rằng Hương thầm là món quà chị gái viết tặng mình. Nhà thơ kể, năm 1974, từ chiến trường, cậu em tình cờ nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, cậu viết thư kể lại cho chị gái. Nhưng chị gái chưa kịp viết thư hồi âm để nói bài thơ mình viết từ câu chuyện của em thì đã hay tin em hy sinh ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

Nhắc đến cậu em, nhắc đến Hương thầm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn vẹn nguyên một cảm xúc thương nhớ. Câu chuyện của 50 năm về trước, cho đến giờ nhắc lại vẫn miên man bao kỷ niệm. Nhà thơ xúc động: “Thương lắm vì khi mất em chưa cầm tay bạn gái, chưa biết yêu, chưa biết gì, thậm chí chưa bao giờ được ăn bữa cơm ngon vì hồi đấy rất khổ”.

Thế mới thấy, Hương thầm đâu phải chỉ có chuyện tình của đôi lứa mà còn chất chứa bao tình yêu thương đong đầy của một người chị luôn nhớ mong em mình sau ngày ra trận.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (trái) và nhà văn – liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý thời trẻ, khi cùng học lớp Báo chí trường Tuyên huấn Trung ương - Ảnh: NVCC

Chân thành, mộc mạc, thanh cao

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn lại lấy hoa bưởi, mượn hương bưởi để viết lên chuyện tình đẹp của cậu em mình. Hoa bưởi, hương bưởi còn là cái cơ để gợi nhắc bao kỷ niệm của nhà thơ với cậu em trai. “Biết chị thích hoa bưởi, cậu em trai thường nhặt hoa bưởi bỏ trộm vào túi chị, khi đến cơ quan thấy mùi thơm khắp phòng, mở túi ra thấy hoa bưởi bên trong mới biết là đứa em rất thương chị, yêu chị nên vì thế tôi đặt tựa đề bài thơ là Hương thầm - nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể.

Trải qua bao biến động của thời gian, những thứ tình cảm chân thành, mộc mạc mà thanh cao, tinh tế ẩn chứa trong Hương thầm có lẽ là nguồn sống để thi phẩm này có thể sống bền bỉ cho đến tận hôm nay mà vẫn giữ cho mình được vẹn nguyên những cảm xúc của một thuở Hương thầm.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cùng gia đình bên bia đá khắc bài thơ “Hương thầm” tại nghĩa trang liệt sỹ huyện A Lưới – Thừa Thiên Huế - Ảnh: NVCC

Hương thầm được đưa vào sách giáo khoa với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn “là niềm vui, niềm vinh dự” khi tác phẩm phần nào giúp cho những thế hệ người trẻ hiểu được một phần lịch sử của dân tộc không chỉ có tiếng súng, tiếng bom mà còn có những khoảnh khắc, cung bậc của tình yêu đôi lứa đẹp như những câu chuyện cổ tích. Để từ đó bồi đắp thêm những giá trị nhân văn, tình cảm yêu thương cho người trẻ trong bối cảnh mà những văn hóa trong đời sống thời đại đang biến đổi quá nhiều.

Phải chăng, nhờ nói hộ tâm trạng của cả một thế hệ thanh niên đã sống và yêu, thầm kín, dịu dàng nhưng cũng rất nồng nàn, mãnh liệt, Hương thầm đã sống chừng ấy năm mà chưa bao giờ nguội lạnh cảm xúc. Để rồi biết bao thế hệ đọc lại vẫn thấy yêu hơn một thời lịch sử của dân tộc có những thứ tình cảm đẹp như thế, đáng trân trọng như thế.

Nhưng không chỉ có Hương thầm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn còn là một trường hợp đặc biệt khi có không ít tác phẩm đưa vào sách khoa như: Làm anh (SGK lớp 2), Nàng tiên ốc (SGK lớp 4), Chị Võ Thị Sáu (SGK tập đọc)... Kỳ sau, chúng tôi sẽ đề cập đến các tác phẩm này.

(Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai)

Bằng lòng với cuộc sống thì sẽ hạnh phúc

* Bà có hài lòng với cuộc sống hiện tại không?

- Người ta thường hỏi tôi suy nghĩ như thế nào về hạnh phúc, tôi thường trả lời, ai biết bằng lòng với cuộc sống thì sẽ hạnh phúc. Như tôi, chồng mất sớm, trong khi đó có nhiều bạn bè có chồng, con cháu nhưng thay vì buồn chán, bi lụy thì tôi thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình.

* Nếu được quay về thời kỳ đỉnh cao, bà sẽ làm gì?

- Tôi chọn một cách sống tự nhiên và chân thật với tất cả mọi thứ đến với mình. Tôi nghĩ mấy chục năm qua, những bài thơ của mình vẫn được nhiều người yêu thích đó là đóng góp của bản thân mình cho nền thơ ca. Bây giờ không biết lịch sử sẽ đánh giá như thế nào, nhưng từ những năm chiến tranh, tác phẩm của tôi đã trở thành niềm động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu cho nhiều người.

*Giờ đây, mong muốn lớn nhất của bà dành cho những sáng tác của mình là gì?

- Như đã nói, tôi không sáng tác để cho mình có tiếng tăm hay thu về cho mình bất cứ quyền lợi nào. Những sáng tác của tôi được bạn đọc biết đến, yêu mến cho đến tận bây giờ đã là một niềm vinh dự lớn.

* Xin cảm ơn bà!

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm