PGS-TS Nguyễn Thị Hiền: Nhà nước và cộng đồng đang nỗ lực bảo vệ di sản tranh Đông Hồ

03/11/2020 07:05 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao & Văn hóa đã có cuộc gặp gỡ với PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Thành viên Hội đồng Thẩm định, Công ước 2003 nhiệm kỳ 2017-2020, để tìm hiểu về hành trình lập “Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ” đề cử lên UNESCO.

Gặp người chụp hàng ngàn bức ảnh về tranh Đông Hồ

Gặp người chụp hàng ngàn bức ảnh về tranh Đông Hồ

Đầu tháng 8 vừa qua, cùng với nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa và nhà nghiên cứu Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã hoàn thành cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”. Bản thân anh cũng là người đã có nhiều năm tìm hiểu và thực hiện hàng ngàn bức ảnh về thể loại tranh này.

PGS-TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, vào năm 2023, Việt Nam sẽ trình “Hồ sơ về nghề tranh dân gian Đông Hồ” lên UNESCO đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sở dĩ đến 2023 mới trình là bởi quy trình xét duyệt hồ sơ của tổ chức này là hồ sơ nào gửi trước sẽ được “chấm” trước, hồ sơ nào gửi sau thì thẩm định sau. Trong khi đó hiện nay, ở UNESCO, Việt Nam vẫn còn “tồn” 3 hồ sơ gồm: hồ sơ Then của người Tày, Nùng, Thái (sẽ bỏ phiếu vào tháng 12 năm nay); Nghệ thuật Xòe Thái (sẽ bỏ phiếu vào tháng 12/2021) và Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc truyền thống của người Chăm (tháng 12/2022).

* Vậy xin bà có thể cho biết vì sao lại là cần bảo vệ khẩn cấp đối với nghề tranh dân gian Đông Hồ?

- Nghề làm tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một. Hiện nay số nghệ nhân không còn nhiều, chỉ còn 3 hộ gia đình sống bằng nghề làm tranh Đông Hồ, còn lại chuyển sang sống bằng nghề làm hàng mã.

Bên cạnh đó là không có không gian trưng bày, nét văn hóa đặc sắc chợ tranh Đông Hồ cũng không còn nữa, dẫn đến tranh Đông Hồ không được quảng bá, không nhiều người biết đến. Chính điều này gây khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Các hướng đi mới như sáng tạo tranh Đông Hồ với chủ đề đương đại mặc dù đã có sự chuyển dịch nhưng vẫn phải mất một thời gian thì những bức tranh Đông Hồ đương đại mới có thể khẳng định được vị trí của mình, đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

Nguyên liệu để làm tranh Đông Hồ không còn nhiều như trước. Giấy dó, giấy điệp, màu tự nhiên (than lá tre, sỏi son, lá chàm, hoa hòe, vỏ sò điệp…) những nguyên liệu này đều có trong tự nhiên nhưng với số lượng hạn chế thì không thể đáp ứng được chất lượng, giá trị của tranh Đông Hồ.

Chú thích ảnh
PGS-TS Nguyễn Thị Hiền

* Khẩn cấp như vậy, tại sao chúng ta không kiến nghị UNESCO “chấm” hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trước những hồ sơ như đã kể ở trên, thưa bà?

- Theo quy định, một di sản “sắp chết” không phải là tiêu chí ưu tiên để được vinh danh, mà nếu thực tế di sản “sắp chết” thì cơ quan quản lý và cộng đồng phải có nghĩa vụ làm cho di sản “sống” và tìm cách duy trì di sản ấy. Nếu di sản đã “chết” rồi thì thôi, khỏi làm hồ sơ.

Sự vinh danh không phải là lý do để đảm bảo cho di sản “sống” mà điều làm cho di sản “sống” là cả nhà nước và cộng đồng đang bảo tồn di sản. UNESCO vinh danh là để đóng góp cho việc bảo vệ di sản nói chung và việc vinh danh sẽ đóng góp gì cho sự đa dạng văn hóa, để cộng đồng nhận thức và quan tâm hơn đến di sản của mình, đầu tư nguồn lực để bảo tồn và phát triển.

Đối với nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, dù không làm hồ sơ thì di sản vẫn sống, ba gia đình nghệ nhân như đã nói ở trên vẫn sống được với nghề. Đáng mừng hơn là bây giờ, ngày càng nhiều tour đưa học sinh đến làng Đông Hồ để trải nghiệm nghề làm tranh, nghệ nhân cũng được mời đến các trường, các festival làng nghề, làng văn hóa, các bảo tàng hoặc các sự kiện ngày như ngày lễ, Tết để nói chuyện và trình diễn làm tranh. Tất cả những hoạt động đó chứng tỏ rằng nhà nước và cộng đồng đang nỗ lực bảo vệ di sản.

Chú thích ảnh
Tranh Đông Hồ “Mục đồng thổi sáo”

* Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã có những biện pháp gì nhằm bảo vệ và phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được đưa vào hồ sơ trình UNESCO, thưa bà?

- Có một thuận lợi để chúng tôi đưa vào hồ sơ là tỉnh Bắc Ninh đang triển khai dự án khoảng hơn 60 tỷ đồng để xây dựng một bảo tàng trưng bày và quảng bá tranh Đông Hồ. Dự án này đang được triển khai ngay trên chính thực địa chợ tranh Đông Hồ trước đây, ngay bên cạnh đình làng.

Chúng tôi cũng đã có những trao đổi với tỉnh Bắc Ninh là bảo tàng này ngoài việc trưng bày tranh phải trở thành một điểm đến của du lịch Bắc Ninh, trở thành nơi quảng bá tranh Đông Hồ, rồi có thể tổ chức các lớp học cho trẻ em về nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.

* Và bà có nghĩ, nếu được UNESCO vinh danh, nghề làm tranh Đông Hồ sẽ “hồi sinh” mạnh mẽ?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, UNESCO không phải là một thương hiệu “đánh bóng tên tuổi” cho các di sản. Nếu được vinh danh, tranh Đông Hồ sẽ có cơ hội được mọi người trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn, phát triển của di sản văn hóa nói chung và của nghề làm tranh Đông Hồ nói riêng là vô cùng quan trọng.

* Sau hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ, Viện có tiếp tục với những nghề làm tranh dân gian khác như Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh làng Sình?

- Hiện nay có rất nhiều dòng tranh đứng trước nguy cơ thất truyền như tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng,…

Mỗi dòng tranh đều mang trong mình một nét đặc sắc riêng nhưng không vì thế chúng tôi “tự ý” thích làm hồ sơ cho di sản nào thì làm. Bởi việc thực hiện hồ sơ xét duyệt phụ thuộc vào nghệ nhân, người dân làng nghề, lãnh đạo địa phương…. Nghĩa là không thể do một cá nhân hay một tổ chức đứng ra thực hiện mà phải dựa vào tiếng nói, nguyện vọng của cộng đồng và theo quy trình thực hiện của Chính phủ Việt Nam và UNESCO.

Vào ngày 1-2/11/2019 tới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại” tại tỉnh Bắc Ninh.

Hội thảo tập trung vào 4 chủ đề: Một số vấn đề lý thuyết, phương pháp nghiên cứu về nghề làm tranh và tranh dân gian dưới góc độ liên ngành (Nghiên cứu mỹ thuật, Nghiên cứu văn hóa, Văn hóa dân gian, v.v.); Nghề làm tranh và tranh dân gian Đông Hồ trong sinh hoạt văn hóa và đời sống xưa và nay; Thực trạng của nghề làm tranh Đông Hồ (về nghệ nhân, kỹ thuật và tri thức truyền thống về tranh khắc gỗ, về truyền dạy, về sáng tác mới, thị trường của tranh Đông Hồ, sự biến đổi, sử dụng tranh trong giáo dục…); Đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ trong đời sống đương đại.

Phạm Huy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm