PGS Nguyễn Văn Huy: Việc tưởng nhớ tổ tiên mới là 'linh hồn' của Tết

04/02/2019 00:19 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) Đã có quá nhiều nhận xét về việc cái Tết nguyên đán đang có những biến đổi so với truyền thống. Và trong sự biến đổi ấy, nhiều người băn khoăn: ăn Tết như thế nào mới là… đúng cách?

Chọn tuổi xông nhà mùng 1 Tết tốt nhất năm Kỷ Hợi 2019

Chọn tuổi xông nhà mùng 1 Tết tốt nhất năm Kỷ Hợi 2019

Chọn tuổi xông đất phải lấy Vận Khí của năm làm căn bản. Vận khí năm Kỷ Hợi 2019 là Bình Địa Mộc, tượng của cây cỏ, có màu Xanh lá cây thì người xông đất phải có mạng là Thủy màu xanh biển hoặc Hỏa màu đỏ, Mộc Màu Xanh lá cây.

Ăn Tết bằng đồ ngoại với cánh ngỗng hun khói Nga, đùi gà Tây Hàn Quốc hoặc quả cherry, quả chà là. Bỏ chuỗi ngày ăn Tết từ 30 âm để đi du lịch, hoặc sang nước ngoài nghỉ ngơi. Những câu chuyện ấy từ vài năm nay vẫn tạo ra hàng loạt cuộc tranh luận trái chiều trong dư luận.

Ở góc độ một nhà dân tộc học, đồng thời có nhiều năm ăn Tết trong một gia đình Hà Nội, PGS Nguyễn Văn Huy đã có những chia sẻ riêng của mình với Thể thao và Văn hóa. Ông nói:

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Văn Huy

Về bản chất, cái tết bây giờ đã đơn giản hơn trước nhiều. Trong quá khứ, khi điều kiện kinh tế khó khăn, việc có nồi bánh chưng, cân giò, con gà luộc ngày Tết không chỉ là câu chuyện của truyền thống,của mâm cỗ Tết. Đó còn là nhu cầu vật chất, nhu cầu hưởng thụ thật sự của mọi người sau một năm làm ăn vất vả. Bây giờ, những món ăn ấy, gần như đại đa số mọi người đều có thể được nếm quanh năm. Và với dịch vụ phát triển, người ta có thể không cần nấu bánh chưng, gói giò hay thậm chí luộc gà – tất cả đều có dịch vụ cung cấp.

Bởi thế, theo thời gian, nhu cầu hưởng thụ trong ngày Tết đã thay đổi. Bên cạnh món ăn truyền thống, các gia đình có thể bổ sung những món ăn mới, có xuất xứ từ nước ngoài, để đổi khẩu vị. Chuyện vất vả chui vào bếp lo một bữa cỗ cho cả gia đình theo tập quán xưa cũng có thể giản lược đi rất nhiều – để mọi người vẫn có thể có một bữa cơm vui vẻ nhưng không mất quá nhiều thì giờ trong ngày Tết. Tôi cho rằng đó là điều bình thường, thậm chí có những nét tích cực.

Chú thích ảnh
Mâm cỗ Tết giờ đã không còn là mơ ước của nhiều gia đình như trong quá khứ

Và rộng hơn, Tết bây giờ đang có sự chuyển dịch về tư tưởng. Với nhiều người, bên cạnh góc độ truyền thống, đó còn là một kì nghỉ dài và có thể sử dụng quỹ thời gian cho việc du lịch trong nước hay nước ngoài. Nghĩa là, 3 ngày Tết không chỉ để đi chúc Tết nhau như trước. Thậm chí, có tôi biết có gia đình tổ chức chúc Tết ông bà cha mẹ, làm cơm cúng tổ tiên từ sớm, để rồi đi du lịch ngay trước khi giao thừa bắt đầu.

2.Chúng ta tranh cãi với nhau về việc nệ cổ hay hiện đại trong cách ăn Tết. Tất cả những câu hỏi đặt ra có thể được giải đáp nếu làm rõ: hạt nhân cơ bản và cần bảo tồn của Tết là gì.

Với tâm linh của người Việt, trong dịp Tết, bao giờ chúng ta cũng nhớ đến ông bà, bố mẹ, tổ tiên, quê hương bản quán. Bởi thế, vào dịp Tết, người Việt đi thăm và sửa sang lại mộ phần của bố mẹ ông bà. Rồi trong ngày Tết, dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải mời tổ tiên về ăn Tết, phải có mâm cơm cúng dâng lên các cụ. Đó là những cái luôn tồn tại và gắn với đạo lý truyền thống.

Chú thích ảnh
Tảo mộ ngày Tết

Như thế, ngày Tết không thể thiếu được sự sum họp, khong thể thiếu được mâm cơm tất niên dâng lên tổ tiên. Đó là hạt nhân không thể thay đổi của Tết – trong khi những thứ như dưa hành, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh… đều có thể thay đổi theo thời gian.

Có ăn Tết bằng gì, có đi chúc Tết hay dành thời gian để nghỉ ngơi hoặc du lịch, hạt nhân ấy vẫn cần được bảo tồn bằng sự trang trọng và thành kính của mỗi gia đình. Thậm chí, trong trường hợp có gia đình làm cơm cúng sớm trước 30 Tết – để còn dành thời gian đi du lịch- sự trang trọng, nghiêm cẩn ấy mới là thước đo để đánh giá về Tết.

Tôi xin trích một đoạn kết trong bài viết của cha mình, học giả Nguyễn Văn Huyên, về những giá trị vĩnh hằng của Tết Nguyên đán vào 80 năm trước: "Ngày tết, do một quy luật tự nhiên bất di bất dịch, nhờ sự vận hành muôn thủa kết hợp của mặt trời và mặt trăng, bao giờ cũng xuất hiện với bộ trang sức tươi tắn muôn hồng nghìn tía, được làm dịu đi bởi sự đổi mới của vạn vật, được làm sinh động bởi các hạt mưa lâm thâm, điềm báo trước cơn mưa phùn tốt lành.

Trong khi đột nhiên kéo mọi người ra khỏi cuộc sống đơn điệu của họ, Tết vừa khiến cho họ khẳng định sức mạnh tinh thần của gia đình, vừa làm trẻ lại sự hiệp đồng xã hội gắn bó “trăm nhà” với nhau ở xứ sở này có lẽ từ hàng ngàn năm.

Chính vì lý do đó mà Tết vẫn sinh động ở nước ta, mặc dù thời gian khắc nghiệt và những đóng góp chẳng ra đâu vào đâu của các khái niệm luân lý mới hay những phản xạ tâm lý mới".

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm