NSND Trà Giang: Thương Bạch Diệp biết bao cho vừa…

18/08/2013 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều hôm qua (17/8), khi chúng tôi liên hệ NSND Trà Giang thì bà đang chuẩn bị hành lý cho chuyến bay tối lúc 19h30 từ TP.HCM ra Hà Nội để viếng NSND Bạch Diệp. Nhắc tới đạo diễn Bạch Diệp, nữ diễn viên Trà Giang đã không cầm được nước mắt: “Tôi thương chị Diệp lắm, vẫn biết chị ấy sẽ ra đi nhưng khi biết tin, vẫn thấy sao quá đột ngột”.

1. Trà Giang và Bạch Diệp là hai trong số những học viên lứa đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Năm 1959, cả hai cùng theo học khóa điện ảnh do Bộ Văn hóa Thông tin mở với sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô.

NSND Trà Giang hồi tưởng: “Thời điểm tham gia khóa học Bạch Diệp đã là một phóng viên uy tín của báo Nhân Dân. Hồi ở trường chị ấy làm nhiều tiểu phẩm hay lắm. Nhưng phải đến LHP Việt Nam lần thứ 4 tại Hải Phòng (1975), chị ấy mới mời tôi đóng phim Ngày lễ thánh. Sau này tôi tiếp tục hợp tác với chị trong phim: Người chưa biết nói, Trừng phạt, Huyền thoại về người mẹ… Hai giải Diễn viên xuất sắc nhất trong sự nghiệp diễn xuất của tôi đều từ phim Ngày lễ thánhHuyền thoại về người mẹ.

Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn cảm kích tinh thần làm việc của chị Diệp và cảm kích vì chị đã luôn tin tưởng vào tôi. Ở phim trường chị ấy cực kỳ nghiêm khắc, luôn đòi hỏi khắt khe mọi công đoạn, nên nhiều người bị mắng lắm. Thật may là tôi chưa bao giờ bị chị Diệp mắng”.


NSND Trà Giang (trái) bên NSND Bạch Diệp

Theo lời kể của NSND Trà Giang, Bạch Diệp là đạo diễn khi đã “ưng” diễn viên nào thì phim sau bà lại tiếp tục mời diễn viên ấy. “Ngày lễ thánh chị ấy mời tôi đóng phim Đêm Bến Tre, nhưng kẹt một nỗi tôi lại được một lãnh đạo trường điện ảnh mời tham gia bộ phim đầu tay của anh ấy. Vì nghĩ anh ấy từng là thầy, lại đang làm bộ phim đầu tay, rất cần diễn viên nên tôi đã nhận lời. Chị Diệp sau đó giận tôi từ năm 1977 đến 1979 mới mời đóng phim lại”. Nhắc lại kỉ niệm này NSDN Trà Giang cười: “Thực ra giận thì giận mà thương thì thương”.

Sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, NSND Bạch Diệp đã trút hơi thở cuối cùng vào 10h sáng ngày 17/8, hưởng thọ 85 tuổi.

2. Từ điện ảnh, đạo diễn Bạch Diệp và diễn viên Trà Giang trở thành những người bạn rất thân. NSND Trà Giang thương bạn về già sống lẻ bóng một mình, nên lần nào ra Hà Nội bà cũng phải tới thăm nhà đạo diễn Bạch Diệp. Cách đây một vài năm đạo diễn Bạch Diệp vẫn có thể cùng Trà Giang đi dạo ở phố cổ, nhưng năm ngoái sức khỏe của vị đạo diễn này đã giảm sút nhiều.

Nhắc lại những lần sau cuối được gặp bạn, NSND Trà Giang không kìm được nước mắt: “Tôi sẽ không bao giờ quên buổi sáng 20/10/2012. Đó là buổi giao lưu của tôi với khán giả Hà Nội do Viện phim Việt Nam tổ chức. Khách mời hôm đó là hai đạo diễn Bạch Diệp và Hải Ninh. Lúc đó cả hai người đã ốm yếu lắm rồi nhưng họ vẫn tới, tôi cảm động vô cùng. Ba tháng sau, NSND Hải Ninh qua đời.

Lần cuối cùng tôi tới thăm Bạch Diệp là 24/7/2013, chị rất yếu nhưng cứ nói đến điện ảnh là mắt chị lại sáng long lanh. Lần đó chị khóc. Lúc về cứ ôm và hôn tôi rất nhiều. Cả hai cùng biết sẽ không còn được gặp nhau nữa. Gần đây, hôm sinh nhật chị 85 tuổi tôi có gọi điện nhưng chị yếu lắm rồi, không nói được nhiều nữa…”.

NSND Trà Giang gọi đạo diễn Bạch Diệp là “nữ tướng” trên trường quay. Với Trà Giang: “Bạch Diệp là một đạo diễn chắc tay nghề và đặc biệt vững về tư tưởng. Phim của Bạch Diệp lúc nào cũng thấm đẫm tính nhân văn, nhân hậu, đầy chất trữ tình. Vì bà là đạo diễn nữ nên phim của bà cũng thật nữ tính. Với tôi bà là một đạo diễn toàn diện”.

Đạo diễn Thanh Vân: NSND Bạch Diệp là một nhà văn hóa

“Vào năm thứ hai tôi học đạo diễn, tôi đã đi thực tập theo đoàn làm phim Trừng phạt của đạo diễn Bạch Diệp. Sau đó năm 1991-1992, khi đạo diễn Bạch Diệp được mời làm trợ lý số 1 phía Việt Nam cho đạo diễn Pháp Pierre Schoendoerffer làm phim tài liệu Điện Biên Phủ, tôi đã được đạo diễn Bạch Diệp gọi đến làm trợ lý cho bà.

Với tôi, bà là một nhân cách đạo diễn tuyệt vời đáng để thế hệ sau phải noi theo. Con người bà khảng khái, hào sảng, quyết liệt, luôn sẵn sàng hiến dâng cho nghề, đam mê tới cùng. Trên phim trường bà đặc biệt cứng rắn, nhiều khi còn quyết liệt hơn cả đàn ông, nhưng khi cần bà cũng rất mềm mại, đúng theo kiểu chỉ có nữ đạo diễn mới có. NSND Bạch Diệp không chỉ là một đạo diễn mà còn là một nhà văn hóa”.

Đạo diễn-NSND Bạch Diệp tới tận cùng đam mê điện ảnh

Đạo diễn-NSND Bạch Diệp, tên thật Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nhiếp ảnh và mê điện ảnh từ nhỏ.

Năm 30 tuổi, bà đã quyết định từ bỏ công việc đáng mơ ước tại báo Nhân dân chuyển sang học điện ảnh. Trong khóa học đạo diễn do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức năm 1959, với sự giảng dạy của các chuyên gia Liên Xô, Bạch Diệp là học viên nữ duy nhất.

Trong sự nghiệp của mình, Bạch Diệp đã gặt hái đủ vinh quang với những tác phẩm: Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương (1982), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Y Hơ Nua (1985), Cuộc chia tay không hẹn trước (1986), Huyền thoại về người mẹ (1987), Ngõ hẹp (1988), Hoa ban đỏ (1994)... nhưng chưa bao giờ có ý định dừng lại. Đến năm 80 tuổi bà vẫn say mê làm phim và trở thành đạo diễn nhiều tuổi nhất ở Việt Nam thực hiện phim truyền hình Hà Nội một thời.

Sự nghiệp thành công nhưng đường tình duyên của đạo diễn Bạch Diệp lại trắc trở. Bà kết hôn lần đầu với thi sĩ Xuân Diệu lúc bà 27 tuổi, còn ông đã 40 tuổi. Nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài nửa năm. Năm 1975, bà kết hôn với ông Nguyễn Đức Tường. Sau 15 năm chung sống hạnh phúc, thì ông Tường qua đời.

Suốt cuộc đời mình bà luôn dành tình yêu thuần khiết cho điện ảnh. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào bà vẫn luôn tin tưởng, yêu đời và yêu nghề tha thiết. Sự ra đi của bà để lại nhiều tiếc thương cho giới điện ảnh Việt Nam.

Linh Lan (tổng hợp)


Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm