30/11/2020 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn chục năm vắng bóng trên sân khấu, vậy nhưng sự ra đi của NSND Xuân Huyền vẫn khiến người trong nghề tiếc nuối và trĩu nặng trong lòng. Bởi từ rất lâu, bên cạnh chỗ đứng của một đạo diễn tài năng, ông còn là người truyền lửa cho bao thế hệ về cái tâm và sự kiên nhẫn trong nghề.
1. Cơn tai biến năm 2008 đã lấy đi phần lớn sinh lực của Xuân Huyền. Khi ấy, ở tuổi ngoài 66, ông vẫn sung sức và là cái tên luôn được nhiều nhà hát chèo kéo khi dựng vở.
Suốt 2 thập niên trước đó, kể từ khi thế hệ của những NSND Dương Ngọc Đức, Đình Quang... dần lui về phía sau, Xuân Huyền sớm trở thành gương mặt nổi trội nhất trong làng đạo diễn, ông cùng với Doãn Hoàng Giang và Lê Hùng, bộ ba ấy đã in đậm dấu ấn của mình lên sân khấu Việt Nam. Để rồi, những lúc trà dư tửu hậu, như một tất yếu, người ta vẫn thích so sánh, đàm luận với nhau về sự khác biệt giữa 3 đạo diễn lớn này.
Ở đó, nếu NSND Doãn Hoàng Giang luôn mở ra những sân khấu với bục bệ, trang phục hoành tráng và vô cùng náo nhiệt; nếu NSND Lê Hùng thích hút hồn khán giả bằng những mảng trò dí dỏm, duyên dáng; thì Xuân Huyền lại cuốn hút người xem bằng sự cô đọng, súc tích nhưng vẫn đầy tinh tế, sắc sảo mà người khác khó lòng chạm vào. Với ông, mọi thông điệp trong vở diễn đều được đẩy lên tới tận cùng, với chiều sâu mà đôi khi chính tác giả kịch bản cũng không nhìn ra khi viết.
Bởi thế, không phải ngẫu nhiên, giới sân khấu gọi Xuân Huyền là người gác đền của sân khấu chính kịch. Không bao giờ ngại những kịch bản gai góc, mỗi vở diễn của ông đều ngồn ngộn hiện thực, nóng hổi tâm thế thời đại và sâu lắng với những triết lý cuộc về đời. Từng hình tượng, chi tiết kịch, từng mẫu nhân vật đều được Xuân Huyền lựa chọn và tiếp cận một cách đầy tinh tế. Đã từng làm hài kịch - và làm rất tốt - nhưng như chia sẻ của ông, xét cho cùng, cái chất hài ấy cũng chỉ là một phương tiện để ông chia sẻ góc nhìn và triết lý của mình.
Và cũng bởi thế, khác với sự tấp nập trên sân khấu của 2 đạo diễn kia, Xuân Huyền có sự trầm tĩnh và... khó tính hơn. Ông một năm chỉ dựng vài vở, bởi sự khắt khe, nghiêm túc, cẩn trọng với tất thảy những gì mình làm. Bởi thế, mỗi lần cái tên Xuân Huyền xuất hiện, người trong nghề đều hy vọng vào một vở diễn hoàn hảo, với kịch bản được lựa chọn kỹ và dàn diễn viên ấn tượng.
“Chắc chắn sẽ hay!” - Xuân Huyền cũng luôn khẳng định thế trước mỗi vở diễn được khởi công, như một sự tự tin và kiêu hãnh của người làm nghề cộng cùng chút bướng bỉnh của người miền Trung gốc.
2. Chẳng có gì lạ, khi 30 năm làm nghề, Xuân Huyền chẳng giữ vai trò gì đáng kể ngoài cương vị giảng viên. Và cũng không giàu, dù đã dựng ngót 300 vở diễn.
Quê Thanh Chương (Nghệ An), ra Hà Nội theo học trường Sân khấu Việt Nam từ năm 17 tuổi rồi đi Liên Xô tu nghiệp, Xuân Huyền vẫn mãi giữ cái giọng Nghệ An đặc sệt. Và những học trò của ông - mà không ít người đang sở hữu danh hiệu NSND, NSƯT và đang là các gương mặt sáng giá trong nghệ thuật biểu diễn, cũng như trong công tác quản lý các đơn vị sân khấu cả nước - khi nhắc về thầy mình cũng luôn hào hứng “nhái” lại chất giọng ấy với những câu phát ngôn để đời. Nào là “các cậu có phúc mới được học tôi”, nào là “ tôi dựng vở hay thì dễ, muốn dựng dở thì có cố cũng không dựng được”.
Nhưng, dù kiêu, ương ngạnh, đáo để thế nào đi nữa, Xuân Huyền không bao giờ thiếu sự yêu quý của học trò. Tính cách một người dân xứ Nghệ thẳng thắn, trung thực, không bao giờ chịu làm trái với lương tâm và cá tính của mình trong cuộc sống cũng như trong công việc đã khiến ông trở thành người thầy được tôn trọng trong hàng chục năm giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Còn với bạn nghề, sự bướng bỉnh của Xuân Huyền cũng gần như trở thành một huyền thoại. Thích thì làm, không thích thì trả lại kịch bản, chứ không bao giờ “cố đấm ăn xôi”. Người ta vẫn nhắc mãi câu chuyện về một chiều 30 Tết mưa rét sụt sùi, ông vẫn đùng đùng mang tiền đặt cọc tới trả cho một nhà hát vì “kịch bản không thích thì không dựng được”. Bởi với Xuân Huyền, sân khấu phải là ngôi đền thiêng mà ở đó không có sự chi phối của đồng tiền hay sự nhường nhịn, nể nang.
Gần nhất, năm 2012, bạn nghề, học trò và các đơn vị sân khấu đã cùng chung sức tổ chức chương trình nghệ thuật NSND Ngô Xuân Huyền - Mùa xuân và Sân khấu kịch Việt Nam, với việc diễn lại 5 vở diễn mà Xuân Huyền từng dàn dựng. Đó là món quà tặng cho ông trong thời gian bệnh tật, và cũng là lần cuối cùng người ta thấy Xuân Huyền xuất hiện trên sân khấu với tư cách đạo diễn, trước khi lui về phía sau.
Nhưng chẳng ai muốn quên Xuân Huyền cho đến tận những ngày này. Có tài, có tâm, giàu lòng tự trọng và bướng bỉnh, nên cuộc đời đôi khi trúc trắc, vậy nhưng người ta yêu quý và kính trọng ông chính vì điều ấy.
NSND Xuân Huyền qua đời tại bệnh viện Bạch Mai lúc 11h40 ngày 27/11, hưởng thọ 79 tuổi. Lễ viếng NSND Xuân Huyền dự kiến tổ chức từ sáng 30/11 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (Hà Nội). Ông được gia đình hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ. |
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất