22/08/2011 14:33 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - LTS: Họa sĩ Vũ Giáng Hương qua đời hồi 3h30 ngày 20/8/2011. Bà là con gái nhà văn Vũ Ngọc Phan và là họa sĩ có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật hơn 50 năm qua. TT&VH giới thiệu bài viết của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng về bà.
Họa sỹ Vũ Giáng Hương
1. Thoạt tiên tôi định viết về bà, như một nhà phê bình viết cho một họa sĩ. Nhưng vò đầu bứt tai mãi cũng không hài lòng, vì cách đó xa lạ với một người tình cảm.
(Ảnh chụp năm 1996).
Nhớ mùa Đông năm 1979-1980, vừa đói lại vừa rét, nhiều sinh viên đã bẻ giường để nấu ăn và sưởi. Bà đã gọi ban chấp hành đoàn trường chúng tôi lên họp, rồi không kỷ luật ai cả và mở một chỗ cho nấu nướng tự do tại nhà bếp, cho phép sinh viên lấy chất đốt không mất tiền. Kết quả thật ngược lại, chẳng ai lấy gì, cũng không bẻ giường nữa. Hơn nửa thế kỷ là họa sĩ, nhưng bà có rất ít thời gian để vẽ. Hình như nghệ thuật phân công bà chăm lo cho những nghệ sĩ khác và chỉ được dành cho mình rất ít cái riêng.
Sinh trưởng trong một gia đình văn nghệ với người cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương, bà được hấp thụ vốn văn hóa phong phú của gia đình, và nhất là vốn văn hóa ấy được thử lửa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nếu như sự nghiệp của người cha lẫy lừng với bộ sách Nhà văn Việt Nam hiện đại cho văn học Tiền chiến, thì sự nghiệp của cô con gái dần nảy nở trong chín năm kháng chiến ở Việt Bắc, được học và tiếp xúc với các bậc thầy Nguyễn Sĩ Ngọc, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tiến Chung...
2. Học khóa mỹ thuật Tô Ngọc Vân 1955-1956, bà tiếp tục học khóa I Cao đẳng Mỹ thuật, rồi trở thành giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (sau đổi thành Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Thời gian đi thực tế ở nhiều vùng nông thôn, các khu công nghiệp rồi đặc biệt năm 1971 bà đi Trường Sơn phục vụ kháng chiến trong tiểu đoàn 39 công binh và tiểu đoàn xe 52, thuộc đoàn 559, đã lắng đọng trong tâm hồn họa sĩ những sự kiện, những con người, những hình ảnh không thể nào quên, đầy tình người trong máu lửa.
Song tất cả đã được vẽ lại với một cái nhìn điềm đạm, trong sáng, dường như những gian khó của đời sống kinh tế thấp, những hiểm nguy của bom đạn luôn chìm đi, ẩn giấu trong cảnh đẹp thơ mộng. Chắt lọc mà dường như là để nguyên, tinh khéo mà tỏ ra thô nháp và thi vị hóa trở thành tính cách nghệ thuật.
Những ký họa thuốc nước và mực nho cho thấy lối nắm bắt sự vật nhanh, đơn giản hóa, lại có khả năng đẩy sâu nếu cần. Từ những bà cụ nón thúng khăn mỏ quạ, yếm sồi váy chùng, những lão nông rắn rỏi, những chiến sĩ du kích bồng súng đứng gác hoặc trên đường hành quân sinh động... cho đến những phong cảnh lúc được bao quát đến từng chi tiết, lúc buông vài nét mà vẫn nên thơ. Tự chúng, khi chưa được xây dựng thành tác phẩm đã có sự hấp dẫn và sức sống của một họa sĩ đi nhiều, từng trải.
Tác phẩm Đôi chim bồ câu, khắc gỗ, năm 1959.
Đồ họa in khắc gỗ của họa sĩ có thể được chuyển thể từ các kí họa và thậm chí được chuyển thành những chất liệu khác nhau, như bức Cầu Hàm Rồng năm 1970. Bà yêu thích cả tranh khắc gỗ đen trắng, lẫn khắc gỗ màu khi vận dụng sự tinh tế của tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ. Nếu như bức Chùa Thầy năm 1957, diễn tả một ngày Đông bình đạm, cầu ngói nép bên cây gạo, lác đác vài người nông dân đi lại, thì bức Chuyến phà đêm năm 1965 là cảnh du kích tải gạo và bộ đội khẩn trương chuyển pháo qua sông, ánh trăng sáng lóa dòng sông, còn người và thuyền chỉ hiện lên bằng các bóng đen. Chân dung cháu gái năm 1978 và Đôi chim bồ câu năm 1959 là hai kỹ thuật đơn giản và kỹ lưỡng khác nhau trên không gian phẳng. Nếu như dành nhiều thời gian cho khắc gỗ có lẽ họa sĩ là trứ danh trong lĩnh vực này.
Phần lớn những tranh sơn dầu được sáng tác những năm 1990 trở lại đây, cho thấy họa sĩ trước kia có ít thời gian, ngay cả cách vẽ cũng chưa thật dụng công. Ta có cảm giác các bức họa đều được vẽ nhanh, hoặc trực tiếp từ thực tế, hoặc chuyển thể từ ký họa ít sửa đổi, không quá cầu kỳ nhào nặn một hình thể. Đó vừa là điểm mạnh và điểm yếu của sáng tác sơn dầu, vì nó có hơi thở rất hồn hậu, nhưng cũng thiếu chiều sâu.
3. Có lẽ sở trường và thành công nhất trong sáng tác của Vũ Giáng Hương là tranh lụa, một chất liệu gắn bó với họa sỹ tới 50 năm qua. Bà có thể vẽ rất kỹ, dài hơi và chỉn chu mọi chi tiết (như bức Hợp tác xã đánh cá năm 1956), có thể vẽ khoáng hoạt đơn giản, dường như không cần phác thảo, can hình, như nhiều bức phong cảnh tĩnh vật, thậm chí cả chân dung. Tranh lụa cho thấy hòa sắc đặc trưng của họa sĩ, ưa các sắc trung gian, vàng nhạt, xanh nhạt, nâu nhạt, rất ít đối chọi. Vàng - xanh - lơ nhạt, tím - nâu - vàng xám, hồng - vàng - trắng là những cặp hòa sắc thường dùng tạo ra một sắc thái tình cảm rất nhẹ nhàng thanh thản, dù là đề tài của những bức tranh không phải lúc nào cũng như thế, đặc biệt vẽ về chiến tranh. Không gian tranh có xu hướng chuyển từ ba chiều về hai chiều, con người luôn xen lẫn cỏ cây hoa lá, sinh hoạt luôn ở trong cảnh đẹp như biển sương sớm, rừng âm u suối đổ thông reo, vườn hoa... xua tan cảm giác mệt nhọc, gian khó của bước đường hành quân và lao động thời chiến.
Họa sĩ có những vận hội tốt để không đặt vấn đề gì căng thẳng cả, đó là quan niệm thẩm mỹ và nghệ thuật như vườn hoa mơ mộng để con người thưởng ngoạn và trìu mến với tất cả.
Họa sĩ chú ý đến nhiều mặt của cuộc sống, từ gần đến xa, từ những gì trực tiếp xung quanh mình ra thế giới bên ngoài. Bà vẽ cha mẹ, anh chị em mình thành những chân dung trang trọng, trước tiên khái quát một nét đặc trưng của nhân vật, để ai cũng nhận ra họ, sau đó là cái nhìn vào nội tâm như họa sĩ suy tưởng.
Đặc biệt bà dành sự ưu ái cho trẻ con, vẽ chúng ở mọi nơi, mọi lúc, bé bên mẹ, bé cõng em và bé ngồi một mình, những cô gái sắp lớn tuổi trăng tròn với tương lai và số phận nào đó phía trước. Qua mỗi bức họa ấy họa sĩ như tìm lại một câu chuyện của chính mình, một nữ họa sĩ trưởng thành từ chiến tranh, nhưng nhiều may mắn mà ai cũng biết, và nhiều đau khổ mà không ai biết. Ở tuổi ngoài 80 bà vẫn làm việc như bảo mẫu của giới văn nghệ và vẽ tranh, và hạnh phúc là họa sĩ luôn ưu ái với cuộc sống.
Phan Cẩm Thượng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất