28/03/2019 06:40 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Những bê bối vừa diễn ra tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) chỉ là phần nổi của một vấn đề đã được nhắc tới từ rất lâu: cách đi chùa - cũng như cách hiểu về đạo Phật - của một bộ phận lớn du khách hiện nay đang “rất có vấn đề”.
Dâng lễ “khủng”, xô đẩy khi thắp hương đặt lễ, giẫm đạp lên nhau để tranh lộc, rồi khấn cầu những thứ vốn rất xa lạ với cửa Phật như quan lộc, tình, tiền… - những hiện tượng ấy mới chỉ xuất hiện trong một số năm gần đây, nhưng lại diễn ra thường xuyên.
Vậy, người xưa đi chùa thế nào, và chúng ta có thể học gì từ tâm thế của họ? Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa Thể thao &Văn hóa (TTXVN) và TS triết học Nguyễn Văn Vịnh (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội và Phát triển), chuyên gia về tôn giáo và tín ngưỡng.
* Mỗi hiện tượng phản cảm xảy ra ở khách hành hương, chúng ta lại nói với nhau rằng trong quá khứ, điều ấy không bao giờ xảy ra ở chùa. Vậy, người xưa đi chùa với văn hóa và tâm thế ra sao, theo ông?
- Tôi có thể nói ngắn gọn rằng, khách hành hương khi xưa hành xử đúng, bởi họ hiểu về Phật giáo.
Đạo Phật là một tôn giáo lớn trên thế giới với tư tưởng triết học, giáo lý chặt chẽ, tuy nhiên lại rất trong sáng và dễ hiểu. Nó dạy con người ta tu tâm, hướng thiện, và vượt qua mọi khổ ải, trầm luân bằng trí tuệ của mình. Bởi, khi có trí tuệ - hoặc ở mức phát triển cao hơn với khái niệm “trí huệ”, người ta sẽ ngộ ra rằng mọi cuộc đời khi kết thúc đều giống nhau, mọi chúng sinh đều bình đẳng trước Phật. Từ đó, chuyện “tham sân si” trong cuộc sống là vô nghĩa.
Do vậy, Phật giáo không bao giờ có những nghi lễ xa hoa, phù phiếm. Tương tự, những ngôi chùa Việt trong quá khứ đều giản dị, khiêm cung, hài hòa với tự nhiên – một hình ảnh gắn với sự trầm mặc, với lối sống khổ hạnh, lánh xa trần thế của các bậc chân tu. Trong khuôn viên chùa, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình đều gợi cho du khách cảm giác thanh bình tĩnh lặng, từ đó mở ra khả năng chiêm nghiệm, suy tư với bản thân mình.
*Một cách cụ thể, vậy chúng ta nên cầu gì khi tới cửa Phật?
- Từ đặc thù của Phật giáo, người xưa không bao giờ tìm đến nhà chùa để cầu lộc, cầu tài. Muốn những điều ấy, họ sẽ tìm đến hệ thống các đền, phủ, miếu hoặc các cơ sở tín ngưỡng khác. Còn nhà chùa là nơi để con người tìm kiếm trạng thái tâm lý tĩnh lặng sau những nặng nề của cuộc sống trần thế. Ở trạng thái yên bình ấy, họ có thể tập trung để chiêm nghiệm và suy nghĩ, đưa ra những quyết định để điều chỉnh sự “tham sân si” của mình trong đời thường.
Do đó, khách hành hương luôn có tâm thế nghiêm túc, điềm đạm khi đi tìm kiếm sự bình an . Sự nghiêm túc ấy trước hết đến từ y phục lịch sự, đàng hoàng, từ tâm thế không cười đùa, không xô đẩy hoặc nói những lời bất nhã. Và, vì là nơi cửa Phật, du khách luôn cần biết nhường nhịn người khác trong chuyện xếp hàng lễ bái thắp hương, khi có chút lộc như xôi, oản, trái cây được nhà chùa “đưa tay” thì cần đón nhận với thái độ khiêm cung, điềm đạm, thậm chí đến lượt mình mà hết phần thì thôi.
* Còn chuyện làm công đức, một vấn đề thường xuyên được báo chí nhắc tới gần đây, thì sao?
- Chuyện đặt tiền giọt dầu, làm công đức, cúng đường Tam Bảo… đơn giản là tùy tâm và luôn đòi hỏi sự nghiêm túc, thành kính của người tới chùa. Cần nhớ, với triết lý nhà Phật, không bao giờ có chuyện người làm công đức nhiều sẽ có phúc quả lớn. Nhiều hay ít thì người ta cũng công đức với tinh thần im lặng tay phải làm phúc thì không để tay trái biết chứ không khua chiêng gõ mõ…
* Vậy, nhìn lại các hiện tượng phản cảm từ khách hành hương mà dư luận từng nhắc tới, ông nghĩ rằng đâu là lý do của tình trạng này?
- Có rất nhiều lý do phức tạp. Nhưng tựu trung, tất cả đều quy về sai lầm lớn nhất, với cách thiển cận rằng Phật có quyền năng lớn, có thể làm được tất cả, bao gồm cả việc ban phát tiền bạc, quyền chức, sức khỏe cho chúng sinh.
Người ta chen chúc nhau đi chùa để xin lộc, nhét tiền lẻ loạn xạ vào tay bất kì pho tượng Phật nào trong sân, rồi thậm chí tổ chức kinh doanh trá hình tại các ngôi chùa cũng chủ yếu dựa trên tư duy ấy. Tôi nói thẳng, đó là một điều đáng hổ thẹn vì đi ngược lại triết lý nhà Phật.
*Có một thực tế: vào mùa lễ hội, nhiều người muốn tới chùa, nhưng lại ngần ngại khi nghĩ tới cảnh chen chúc của một biển người hỗn loạn, xô bồ với khói hương nghi ngút. Nếu được, ông sẽ tư vấn thế nào với họ?
- Thực tế, không phải ngôi chùa nào cũng vậy. Tôi lấy ví dụ ngay tại khu phố cổ Hà Nội, rất nhiều ngôi chùa cổ tồn tại từ lâu nhưng không có quá nhiều du khách tới thăm. Là nơi để hoằng dương Phật pháp, không phải chỉ những ngôi chùa nổi tiếng hay có kiến trúc hoành tráng thì mới có Phật. Nghĩ như vậy, thì đó không phải là chuyện của Phật nữa, mà là chuyện của người (cười).
Như thế, chúng ta cần hiểu mình muốn gì, trước khi tới chùa. Nếu thật sự muốn tìm sự yên bình tĩnh lặng- chứ không phải là chen vai thích cánh, khoe mẽ theo phong trào – thì mỗi người sẽ tự có những lựa chọn phù hợp. Tất nhiên, trong trường hợp muốn kết hợp với vãn cảnh, chiêm ngưỡng những ngôi chùa tại các điểm danh thắng thì chúng ta hoặc phải chọn thời điểm phù hợp, hoặc phải chấp nhận chuyện đông người trong những mùa lễ hội.
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
(Còn tiếp)
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất