20/05/2020 07:11 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cũng giống như LHP Việt Nam, giải Cánh diều ngày càng được trông chờ để trở thành một người bạn đồng hành thật sự của phim Việt nói chung. Năm này, dù chịu sự tác động ghê gớm của đại dịch Covid-19, nhưng Cánh diều 2019 đã được đánh giá là thành công, khi đã có cách công bố giải hợp lý, chọn ra được những tác phẩm xứng đáng với tiêu chí đề ra. Nhưng cũng như mọi giải thưởng khác, những ý kiến trái chiều và sự trông chờ của giới làm nghề với Cánh diều vẫn còn đó.
Chúng ta hãy thử nghe ý kiến của một số người trong giới làm phim, phê bình phim.
Biên kịch Hạnh Ngộ: Những tác phẩm “chạm đến trái tim” là thành công
“Là một biên kịch, nhìn vào kết quả Cánh diều năm nay tôi không khỏi xúc động và nhìn thấy cơ hội công việc cũng như hướng đi sắp tới cho chính mình. Không chỉ vì “đứa con” cưng của tôi cũng được giải (Diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Cao Thái Hà vai Diệu Ngọc, trong phim Bán chồng, đạo diễn Hùng Phương), mà vì những phim được giải đều đáng để cho tôi quan tâm, học hỏi, cũng là dòng phim mà khán giả truyền hình và điện ảnh đang yêu mến. Nội dung phim là tình cảm gia đình, vừa xúc động vừa day dứt, là đề tài mà tôi “thuận tay” nhất, riêng phim Hai Phượng là dòng phim hành động nhưng cũng là câu chuyện xúc động của tình mẹ con.
Bởi vậy, quan trọng vẫn là tài năng và cách kể chuyện. Đề tài phụ nữ miền Tây yêu chồng, thương con nhưng phải cam tâm để họ tự thất bại, đau đớn (phim Bán chồng); đề tài người mẹ đơn thân vất vả nuôi con bị tự kỷ, có người thương mình mà không dám dựa, vì bản thân cũng đang bị bệnh nan y (Hạnh phúc của mẹ); đề tài người cha nhìn những đứa con gái của mình lớn lên, va vấp và trưởng thành rồi bật khóc (Về nhà đi con)… Những đề tài đó không mới, nhưng có hơi thở của đời sống, có kết hợp cách kể mới, cách dựng mới, được đầu tư một cách chăm chút… thì thành quả đem lại là không hề nhỏ.
Chính vì vậy mà tôi hy vọng, rất hy vọng vào một tương lai tươi sáng của phim Việt, những tác phẩm “chạm đến trái tim” là những tác phẩm thành công. Có điều kiện hơn, nội dung phim sẽ càng sâu càng tốt, về văn hóa Việt đa sắc tộc, đa ngành nghề… Tôi khấp khởi vì sắp tới đây, dòng phim về tính nhân văn, bản sắc người Việt sẽ được tôn vinh và cả khán giả cũng yêu mến (phim Hai Phượng doanh thu cao cả ở Mỹ và Việt Nam), xem phim Việt trên truyền hình và đến rạp xem phim Việt…”.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Cần thay đổi tiêu chí và cách tổ chức
“Thẳng thắn mà nói, từ nhiều năm nay, các giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam chưa phản ảnh được xu hướng hoặc hướng đi cho phim Việt. Hay nói cách khác, các giải thưởng như Cánh diều hoặc Bông sen chưa tác động nhiều đến sự phát triển của đời sống điện ảnh. Đơn giản là tiêu chí của các giải thưởng nặng tính bao cấp này không còn phù hợp với một nền điện ảnh tư nhân hoặc thiên về giải trí như hiện nay. Có lẽ vì vậy mà nhiều người ít còn quan tâm đến giải thưởng hoặc các liên hoan phim tại Việt Nam.
Cần thay đổi tiêu chí và cách tổ chức để tăng thêm sự thu hút, sự sâu sát với thực tế phim ảnh”.
Đạo diễn Lê Hùng Phương: Phim truyền hình ở phía Nam có vẻ ít dự thi
“Cũng như mọi năm, số lượng phim truyền hình ở miền Nam dù rất nhiều, nhưng có vẻ ít đưa đi dự thi. Lý do thì tùy tiêu chí của từng đơn vị. Có thể hãng phim đó chỉ thích đơn giản là phim giải trí, doanh thu cao. Phía Bắc thì có VFC là chuyên về phim truyền hình, đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, làm nhiều phim nhất. VFC là đơn vị nhà nước, có điều kiện làm chỉn chu, có phong cách, một kiểu riêng, có thể thích hợp với tiêu chí của giải chăng?
Năm này bị Covid-19 thì không tính, chứ nhìn chung Cánh diều tổ chức chưa được chỉn chu cho lắm. Có năm tôi được giải, nhưng cái cách họ gọi báo tin, thấy sao sao ấy, nên cũng mất hứng để đi nhận. Giải này của người làm nghề, đáng lý sẽ rất danh giá, nhưng thực tế thì còn một số đơn vị, cá nhân cũng không thấy vui... Tôi chỉ thích làm phim, chiếu cho khán giả xem, còn đi dự giải này nọ thì cứ để nhà sản xuất tự quyết vậy”.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Hướng đi của nền điện ảnh đang thay đổi
“Nếu nhìn từ giải Cánh diều thì chẳng có hướng đi nào cho điện ảnh Việt Nam cả. Phim đoạt giải vàng là một phim chỉn chu về nghề nghiệp, đề tài vốn dĩ được xã hội quan tâm... nhưng không ăn khách. Ngày nay mà dùng tiêu chí hoặc phương thức cũ sẽ rất khó, vì hướng đi của nền điện ảnh đang thay đổi, nhất là chúng ta đang hướng đến một nền công nghiệp điện ảnh - chữ được dùng từ LHP Việt Nam gần đây. Chúng ta có bao nhiêu lợi nhuận từ một nền điện ảnh mà các nhà sản xuất hầu hết đều non yếu, dễ tổn thương và lấy tiêu chí thắng hoặc là chết làm đầu? Và các rạp chiếu hầu hết là của ai? Trả lời xong hai câu hỏi này thì chúng ta sẽ tìm thấy hướng đi cho điện ảnh nước nhà mà chẳng cần phải nhìn vào kết quả giải thưởng của bất một kỳ một LHP nào cả”.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất