23/06/2016 13:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Bản chính thức của ca khúc Nắng cực mà Phạm Toàn Thắng sáng tác đã được phát hành trong vài ngày qua và đang gây chú ý. Dù không tự nhận mình là hit-maker (người tạo hit) nhưng ít ra những bài hát của Phạm Toàn Thắng lúc nào cũng đem đến những nét riêng.
Lên hay xuống thì cũng bình thường
* Vẫn là đội hình cũ của thời “Bốn chữ lắm” với Trúc Nhân, Trương Thảo Nhi, thêm vào đó là Bá Hưng, anh có nghĩ mình đang tiếp tục đi lạc đề với “Nắng cực”?
- Đây không phải là lần đầu tiên tôi viết về những chủ đề liên quan đến cuộc sống. Thực ra, Nắng cực đầu tiên được viết ra bởi một lời thách thức. Một tờ báo đã viết rằng “Tác giả đã viết một bài Chạy mưa thì thử viết thêm một bài "Chạy nắng" xem được không”? Bài báo đó làm tôi cảm thấy vui và cảm hứng thế là chỉ trong 2 tiếng, tôi đã viết xong.
Với tôi, âm nhạc không cần phải quá nghiêm túc, cao siêu, đơn giản là nó thể hiện xúc cảm của mình lúc hiện thời. Ai cũng biết Nắng cực là bài hát viết về nắng nhưng nghe xong tôi lại muốn mọi người mát mẻ.
* Và đây cũng là bài hát báo hiệu sự trở lại của anh?
- Không đâu, quan trọng là tôi biết tích tụ thời điểm và xả van lúc nào là thích hợp. Đó là lý do tại sao tôi viết rất ít. Một năm tôi viết chỉ vài bài và chỉ viết khi tôi biết rằng điều tôi sắp viết làm cho tôi thấy hứng khởi.
* Bởi sau thành công của “Bốn chữ lắm” thì dường như Phạm Toàn Thắng không thừa thắng xông lên?
- Bốn chữ lắm mang tới cho tôi nhiều thành công nhưng không có nghĩa tôi phải mang một áp lực gì đó. Hơn 10 năm trước tôi đã thành công với Cô bé mùa đông và sau tôi đã biến mất khỏi âm nhạc rồi tiếp sau nữa mới trở lại.
Tôi thấy việc lên hay xuống thì cũng bình thường. Có những bài hát không được đại chúng như Bốn chữ lắm không có nghĩa là nó dở hơn. Nếu cứ viết nhạc liên tục và làm ra những sản phẩm âm nhạc mới với mong muốn nó sẽ thành hit thì chán lắm. Tôi muốn tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Viết nhạc, với tôi, đầu tiên vẫn phải là từ niềm vui.
“Hầu như các ca khúc hit đều nhàn nhạt”
* Thị trường này nếu cứ dừng lại có nghĩa là sẽ biến mất, anh không nghĩ vậy sao?
- Vậy thì chúng ta cùng nhìn lại đi, từ đầu năm đến giờ chúng ta đã có những bài hit nào? Tôi thấy hầu như các ca khúc hit đều nhàn nhạt. Nhàn nhạt ở đây theo nghĩa là không thấy một sự mới mẻ trong âm nhạc.
Trong khi đó, có những bài không thành hit nhưng rất đáng để nghe. Chẳng hạn như âm nhạc của nhóm Ngọt, rất thú vị, rất đời. Đừng nói các nghệ sĩ đã ngừng sáng tạo hay không có sản phẩm hay.
Tôi nghe trong giới underground hay các nghệ sĩ indie vẫn có những sản phẩm âm nhạc rất hay mà chỉ là do người nghe chưa biết tới hoặc là do không hợp thị hiếu số đông bây giờ để có thể trở thành một hiện tượng. Mà muốn trở thành hiện tượng thì phải có chiến thuật và kinh phí.
Đâu phải ai cũng có nhiều tiền để làm được chuyện ấy. Sự biến mất của anh không quan trọng bằng việc khi trở lại anh đem tới điều gì khác biệt. Và cũng không nên đánh giá rằng người tạo nên một hiện tượng là giỏi hơn những người viết nhạc khác.
* Tiền quan trọng thế nào đối với nghệ sỹ nếu so với mặt danh tiếng của họ? Bởi nhiều người kiếm tiền rất nhiều nhưng âm nhạc của họ, như anh nói, vẫn “nhàn nhạt”.
- Tôi nghĩ tiền rất quan trọng, cái này là thực tế. Nhưng không có nghĩa âm nhạc đang nhạt đi là vì tiền. Cái đó thuộc về tư duy.
Có tiền thì mới làm nhạc được, mới thuê được nhạc công giỏi, nhà sản xuất danh tiếng. Đó là điều mà các nghệ sỹ underground đang rất thiếu. Anh có thấy hiện nay tình trạng album gần như đang khô héo? Đó cũng một phần là do kinh phí. Bỏ vào mấy trăm triệu nhưng hiệu quả của nó không bằng một MV.
Khán giả ngày xưa bỏ tiền mua album, giờ thì nghe miễn phí. Tiền đâu chúng tôi tái đầu tư? Ai cũng biết rằng album là thước đo đẳng cấp của ca sĩ, nhạc sĩ, hòa âm… nhưng họ không được trả tiền cho sáng tạo của mình thì làm sao sống?
* Cảm ơn anh!
Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất