29/05/2014 11:22 GMT+7 | Văn hoá
1. Có thể nói đây là lần đầu tiên một vở kịch “tự dán nhãn” 18+ tại Việt Nam, chứ không phải do cơ quan chức năng yêu cầu. Trong vở có cảnh hãm hiếp táo bạo, được mô tả bằng vũ điệu, nên đạo diễn Hòa Hiệp chủ động dán nhãn 18+.
Đạo diễn này cũng cho biết thêm: Nếu xét cặn kẽ các tiêu chí nhạy cảm thì vở này không hẳn phải cấm khán giả dưới 18 tuổi, nhưng cứ để như vậy cho an toàn. Chủ đề chính của vở là khi Út Thảo (Lê Lộc thủ vai) bước qua 18 tuổi thì xảy ra quá nhiều bi kịch, mà hậu quả của nó là do cha mẹ, người lớn gây ra. Làm sao để tuổi vào đời (18) được xán lạn, vui tươi là điều mà vở kịch pha trộn nhiều chất liệu này muốn hướng đến.
Kịch Phú Nhuận là một trong vài sân khấu đầu tiên của Việt Nam làm kịch kinh dị, trong đó vở Người vợ ma (ĐD: Thái Hòa) đã tạo nên kỷ lục về suất diễn. Gần đây sân khấu này còn đình đám với nhiều vở như Ma lực kinh hoàng, Giờ chết, Đình cõi âm, 12 giờ đêm, Giờ C, Kỳ án 292, Nốt ruồi máu… Cho nên, việc đạo diễn trẻ Hòa Hiệp dựng Vũ điệu dưới trăng theo hướng kinh dị cũng không có gì lạ.
2. “Tôi buộc phải nghĩ đến sự kết hợp này để vở diễn được trọn vẹn. Tôi biết khán giả của Kịch Phú Nhuận chưa quen với nhạc kịch (dù không phải là nhạc kịch đúng bài bản), nên lấy kinh dị để níu chân họ. Vì vẫn muốn đảm bảo thông điệp nhân văn mà vở thật sự muốn hướng đến, nên một hai tuyến nhân vật phải bảo đảm yếu tố tâm lý xã hội. Tôi không dám nói vở này mới, mà chỉ mong nó khác vì sự hòa trộn này” - Hòa Hiệp nói.
Vở này chọn ca sĩ Nguyễn Lê Bá Thắng làm người dẫn chuyện và hát tại những lớp diễn cần cao trào, nó trích lời từ các ca khúc của Đức Trí, Quốc Dũng, Hồ Hoài Anh, Nguyễn Hồng Thuận, Phan Đinh Tùng, Sỹ Luân, Nguyễn Hải Phong, Thanh Bùi, Tiên Cookie… Tuy gọi là nhạc kịch, nhưng đúng hơn thì nên gọi là “ca khúc kịch”, nghĩa là dùng nhiều câu ca để diễn tả tâm trạng của vở diễn.
Phần biên đạo múa của Lê Hải, Diễm Quỳnh, Lu Dương với những vũ điệu hiện đại cũng khá phù hợp với tinh thần và trang phục của vở. Ngoài Hòa Hiệp, Vũ điệu dưới trăng còn có sự diễn xuất của Quốc Thảo, Hồng Ngọc, Hữu Tín, My Trần, Duy Anh, Xuân Nghị, Đinh Mạnh Phúc (Hoàng Nhân), Hoàng Long… Nhìn từ góc độ đạo diễn, nếu so với Số đào hoa trước đây, vở này đã cho thấy sự nỗ lực làm mới của Hòa Hiệp.
Thể hiện cảnh nóng bằng vũ điệu Có thể nói đây là một trong vài lớp diễn khó nhất và đạt nhất của vở này. Đầu tiên, nó khó cho diễn viên (không chuyên múa) trong việc mượn vũ điệu để thể hiện hành động hiếp dâm, không khéo sẽ thành minh họa nhạt nhòa. Tiếp đến, nó cũng khó cho khán giả trong việc nắm bắt trọn vẹn ý đồ diễn xuất, bởi hành động kịch vốn trực tiếp, còn vũ điệu kịch thì gián tiếp, nhiều ẩn dụ. Rất may, lớp diễn này đã đủ chăm chút để thể hiện được vài cung bậc như mong muốn. |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất