06/10/2020 14:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vài năm trở lại đây, cái tên Trung Sỹ được bạn đọc biết đến nhiều qua các tác phẩm thấm đẫm hồi ức như Chuyện lính Tây Nam (2017), Đội trinh sát và con chó Sara (2020)... Trong đó, đáng chú ý là cuốn Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu, được ví như một "bảo tàng" về một thời Hà Nội chưa xa, về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quê trong hai thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước.
Và với những giá trị đó, Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đã lọt vào danh sách đề cử chính thức Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 ở hạng mục Tác phẩm. Nhà văn Trung Sỹ đã có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Được biết, khi ở chiến trường Campuchia, ông được cử đi tham dự một trại sáng tác nhưng bản thân lại không biết, không hiểu sao mình “bị” cử đi. Nhưng đó chính là nguyên do “đẩy” ông đến với văn chương?
- Năm 1982, sau những bài báo tường được đánh giá tốt ở đơn vị chiến đấu, tôi được cử về Phnom Penh học lớp viết tin của Quân đoàn 4. Đến nơi mới biết đó không phải lớp tập huấn, mà là trại viết của những cây bút thành danh tên tuổi mà tôi đã từng đọc khi nằm rừng.
Thấy tôi hoang mang, bác Vũ Sắc, khi đó là Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, bảo: “Cháu cứ viết đi, rồi đưa bác sửa cho. Viết đi đừng sợ! Các chú, các anh ấy đầu tiên cũng như cháu thôi"! Thế là tôi bắt tay vào viết truyện ngắn đầu tiên trong đời.
Tôi viết như một sự chia sẻ, như cái bình nước đầy thì phải tràn, ít khi nghĩ về khái niệm văn chương. Khi viết, ta dốc lòng ra như dốc nước trong bình, vô tư tưới cỏ cây hoa lá, thì lại có thêm nhiều chỗ trống trong lòng dành cho các xúc cảm mới, cho các tác phẩm mới, cho các bạn viết mới quen.
Văn chương với tôi không phải một nghề, mà nó là nghiệp, phái sinh từ một nghề chính thống. Nhà văn cũng như anh xe ôm, anh cửu vạn, làm công việc chuyên chở, có điều không phải chở người chở hàng, mà chở tình yêu quê hương đất nước, chở lòng bác ái nhân văn, chở chuyện đời vui buồn của những người xung quanh và của chính cả người viết vậy.
* Một người viết tay ngang, lại lựa chọn thể loại là “hồi ức”, vậy ngoài trí nhớ ra, ông còn dựa vào nguồn tài liệu nào? Và tại sao một người được xem viết văn là "tay ngang" như ông lại chọn chủ đề Hà Nội để rồi cho ra đời "Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu"?
- Khi viết hồi ức, đương nhiên là người viết chỉ có thể dựa vào chính hồi ức, trí nhớ, trải nghiệm cuộc sống của chính mình. Chẳng cần nhật ký ghi chép, đôi khi các đồ vật cũ trong gia đình cũng là những vật chứng, là nhân vật, tự chúng nói lên câu chuyện của mình.
Tôi nghĩ một thành phố, nhất lại là thành phố nơi mình chôn nhau cắt rốn, không phải chỉ có các món ăn quán xá, các tà áo dài thanh lịch hay liễu rủ mặt hồ… Một thành phố có những con người thân yêu của tôi đã sống, thì thành phố đó phải có những số phận con người, những người Hà Nội cũ, có lúc hào hoa, có kỳ gian khó. Đó là ông bà, cha mẹ tôi, cậu tôi cùng những bạn bè thuở nhỏ. Lớp già các cụ đã ra đi, lớp con cháu như tôi thì cũng bắt đầu luống tuổi rồi, nên phải có chút gì lưu lại. Một đường phố, một con ngõ nhỏ cũng có số phận của nó.
Với suy nghĩ đó, tôi bắt tay vào viết cuốn sách về Hà Nội này.
* Ông có sợ “những tâm hồn hoài cổ sẽ bơ vơ tụt hậu trong cái thành phố quê hương tuổi thơ một thời, chẳng biết có bị gỉ ngoèn ra như cây cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi?” Với “Hà Nội mũ rơm và tem phiếu”, phải chăng ông muốn gửi gắm những giá trị cũ tới thế hệ ngày nay?
- Câu hỏi bạn trích trong cuốn sách, thực ra chỉ là một câu hỏi tu từ mà tôi muốn nhắn gửi thôi. Các công trình, vật thể kiến trúc, các cây cầu cũ có thể già đi, hàng cây cổ thụ trên phố xưa sẽ sinh trưởng thêm những vòng gỗ hằng năm, nhưng tâm hồn Hà Nội, phong cách Hà Nội xưa vẫn tồn tại đâu đó trong những lớp người cũ. Nó kín đáo như các ngôi nhà xưa ẩn dưới hàng cây trên phố, nằm cạnh các cao ốc mới được xây dựng. Những ngôi nhà dù nhỏ bé và cũ kỹ nhưng chất chứa đầy kỷ niệm.
sẽ có một thành phố cũ sống trong lòng một thành phố mới, sống trong những bức tranh phố xưa phủ bụi trên tường mới sơn màu, sống trong hoài niệm của những người Hà Nội. Ngay trong tâm trí của tôi đây, tiếng sâm cầm nhao nhác vẫn vọng Hồ Tây, và tàu điện leng keng vẫn chạy, vẫn có một thành phố cũ đang sống...
* Nhà văn Bình Ca có nhận xét: Để ghi lại chân xác những khoảnh trong “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” tác giả phải có một tình yêu sâu nặng với Hà Nội... Vậy, ông yêu Hà Nội như thế nào? Và ông thấy nó ra sao so với một Hà Nội thời bao cấp?
- Tôi yêu Hà Nội như một lẽ tự nhiên, như sẵn trong tiềm thức, trong bản năng sâu thẳm, không cần ai hướng dẫn hay dạy dỗ. Giải thích một tình yêu nguyên phát chắc chắn là rất khiên cưỡng và chẳng khi nào có thể đủ lời. Yêu như chúng ta yêu ông bà cha mẹ, yêu quê hương đất nước nơi chôn nhau cắt rốn, thế thôi!
Hà Nội bây giờ phát triển về mọi mặt, cả về kích cỡ lẫn dân số. Các đường phố mới, các đại lộ rộng thênh thang mở rộng khắp nơi. May mắn sao đường phố mới song các món ăn ngon, các thức quà xưa như phở bò, bún thang cùng xôi vò... vẫn cũ.
Song điều làm tôi yêu Hà Nội nhất bây giờ bởi sự năng động của đời sống mới, bởi làn gió mở cửa, bắt đầu từ công nghệ thông tin. Chúng ta không phải đến từng nhà đưa thiệp mời cưới nữa, cũng như bạn có thể phỏng vấn trực tiếp tôi như thế này mà không cần gặp mặt trong mùa dịch Covid-19. Thật tiện lợi biết bao!
* Nếu còn viết về Hà Nội, ông sẽ chọn đề tài gì?
- Tôi vẫn chọn một Hà Nội cũ thời tôi đã sống. Một Hà Nội với đủ các câu chuyện vui buồn, một vỉa tư liệu trầm tích còn chưa khai thác hết thì chẳng việc gì phải vội vàng xông vào những gì bề nổi cuộc sống đang ào ạt diễn ra. Những gì nhẹ thì sẽ trôi qua rất nhanh, chỉ còn tinh hoa cuộc đời sẽ lắng lại, đọng trên trang viết.
* Có câu: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Ông sẽ theo nghiệp văn chương hay chỉ xem viết lách để “giải sầu”, là tay ngang lúc nhàn rỗi?
- Tôi vẫn sẽ viết. Viết cho tôi một sự giải tỏa, một hoạt động thể thao vận động não bộ, một biến chuyển tâm hồn, hơn nữa nó cho tôi thu nhập thì tại sao lại không viết? Tôi viết cả báo lẫn sách. Khi viết xong cuốn sách thứ ba - cuốn Đội trinh sát và con chó Sara - thì tôi biết là tôi sẽ tiếp tục viết cho đến khi không thể viết được nữa.
* Xin cảm ơn nhà văn Trung Sỹ!
Nhà văn Trung Sỹ tên thật là Xuân Tùng, sinh năm 1960 trong một gia đình viên chức cũ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1978, ông từng tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất