08/10/2018 18:47 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sau một thời gian “ở ẩn để tu thân” đã xuất hiện trở lại trong buổi tọa đàm “Chúng ta nói gì khi nói về tuổi 20 yêu dấu” và ra mắt tiểu thuyết đầu tay Tuổi 20 yêu dấu của ông tại Hà Nội tối 4/10 vừa qua.
Tiểu thuyết này được ông viết từ 1/2003, đã được dịch và xuất bản từ năm 2005 ở Mỹ, sau đó là ở Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Canada. Vì thế, nói như nhà phê bình Mai Anh Tuấn: “Tuổi 20 yêu dấu trở lại Việt Nam không chỉ là câu trả lời từ phía độc giả yêu mến Nguyễn Huy Thiệp mà có thể xem là sự kiện văn chương đáng chú ý của năm 2018”.
Con trai là nguyên mẫu
Theo lời tự bạch của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông viết Tuổi 20 yêu dấu chỉ trong vòng 1 tháng và nguyên mẫu nhân vật Khuê trong tiểu thuyết này chính là con trai ông.
Theo đó, Tuổi 20 yêu dấu là một tiếng thét của người kể chuyện xưng tôi, cũng là người bố bất lực và một cậu con trai tuổi 20 nhiều lỗi lầm. Nhưng điều đáng nói ở tiểu thuyết này, theo nhà phê bình Mai Anh Tuấn, là tác giả đã đặt ra một cái nhìn rất khác về tuổi trẻ. Khác ở chỗ, nếu những cuốn sách dạy về kỹ năng sống, thường xây dựng nhân vật những người trẻ là những người thành công, hoặc dẫu có thất bại cũng sẽ đứng lên rất hấp dẫn thì ở Tuổi 20 yêu dấu chỉ ra cho người đọc một nhân vật trẻ tuổi thất bại và đầy lầm lỗi.
Nhân vật thất bại này được kể ở ngôi thứ nhất đầy chất tự thú và sám hối, khiến người đọc có thể nghe được tiếng nói thất bại từ bên trong. Gần như những nhân vật văn học của chúng ta khi trưng ra đều có đạo đức hoàn hảo, đều là “con ngoan trò giỏi”, thanh niên có ý chí, có khát vọng, có tư cách tốt. Nhưng riêng nhân vật Khuê trong Tuổi 20 yêu dấu gây ấn tượng là bởi vì có những sự nhầm lẫn, sai lầm của tuổi trẻ, khiến người đọc buộc phải lựa chọn, hoặc đón nhận một con người thất bại, những con người sai lầm, hoặc ngoảnh mặt làm ngơ? “Với góc độ đó, có thể nói bằng tiểu thuyết này, Nguyễn Huy Thiệp đã gửi gắm rất nhiều ý tưởng, những cái nhìn đầy bao dung, đầy thể tất đối với tuổi trẻ mà cụ thể ở đây là tuổi trẻ thất bại. Và có lẽ càng cần nhìn vào lỗi lầm, càng nhìn vào sự thất bại ấy, chúng ta mới xây dựng được một cuộc sống hài hòa và tốt đẹp hơn” - nhà phê bình Mai Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, Nguyễn Huy Thiệp viết tiểu thuyết này không phải là để đổ lỗi cho những tác nhân của xã hội khiến cho những người trẻ tuổi lầm lỗi và thất bại. Ông viết tiểu thuyết này chỉ đơn giản là để hiểu những người trẻ vấp ngã họ có những lý do, có tiếng nói của họ. Và nhìn nhân vật Khuê như là chuỗi sai lầm tất yếu xảy ra trong tuổi trẻ, một nạn nhân cô đơn và cô độc, gợi cho chúng ta sự yêu thương hơn là chán ghét. Sự yêu thương cũng làm cho cuốn tiểu thuyết đi theo mạch của sự phiêu lưu trải dài suốt 30 chương theo tinh thần kiểu như Robinson Crusoe, đặc biệt là ở chương cuối khi nhân vật chính là Khuê lưu lạc trên một hoang đảo, bắt đầu xây dựng lại cuộc đời của mình. Bên cạnh đó, Tuổi 20 yêu dấu còn mang màu sắc Phật giáo: khi người ta ý thức, nhận diện được tất cả những sai lầm và bắt đầu tỉnh thức thì đó là lúc người ta tìm lại được "bản lai diện mục" của mình (ta là ai, ta từ đâu đến, đi về đâu?).
Hãy cứ sống vui và sống có chất lượng
Tại buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đã chia sẻ nhiều về chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tu thân và những quan điểm của ông về tuổi 20 thời hiện đại.
Theo ông, trong cuộc đời mỗi con người, tuổi thanh niên là đẹp nhất và cánh cửa mà lứa tuổi này bước qua đầu tiên chính là cửa tình. Ở giai đoạn này, nếu tuổi trẻ không cư xử với nó một cách có văn hóa và học thức, thì sẽ rất bừa bãi, dễ bị nhầm lẫn, vấp phải những khổ đau. “Trải qua “cửa” này thì ta mới hỉ, xả được. Tiếp đó mới đến được cửa từ bi và cửa giác ngộ, mới vượt qua được cái ranh giới tầm thường, mới tìm ra đạo và biết được thước đo quan trọng nhất chính là đạo đức, hay nói cho đúng hơn là Chân - Thiện -Mỹ” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói.
Về câu hỏi: Tuổi trẻ “thời 4.0” cần phải làm gì để không “tuột xích” như nhân vật Khuê, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cho rằng tuổi trẻ thời bây giờ “khó sống” hơn thời tuổi trẻ của ông rất nhiều. “Trong tôn giáo có một khái niệm gọi là "chủ nguyên thần", là thứ bất biến, đi theo ta suốt kiếp này đến kiếp khác và nơi mà nó ngụ trong ta chính là trái tim. Nó là tâm tưởng, rất thân thuộc và gần gũi với chúng ta” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói - “Vì thế, khi còn trẻ, bạn hãy cứ sống thật vui, hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim của mình và hãy dùng cái tâm tưởng để mà hành động. Khi bạn có tình yêu chân thành thì bạn không tầm thường, cho dù đối tượng mà mình yêu có bạc bẽo, vô ơn và đối xử với mình một cách tệ bạc.
Tất cả mọi hệ thống ở trong xã hội cũng vậy, cái thiện lớn và các ác lớn luôn lẫn lộn với nhau và nó cũng được hệ thống hóa. Nếu chúng ta không đi theo hệ thống ấy thì chúng ta sẽ bị "tuột xích", lỗi lầm và thất bại. Nếu muốn vượt qua nó, chúng ta phải mạnh mẽ, phải có học vấn, sức khỏe, tiền bạc lẫn sự ảnh hưởng xã hội”.
Ông nói tiếp: “Những gì đã qua thì hãy để cho nó qua và một trong những dấu hiệu của một người có đạo đức là vui vẻ. Thế nên, được sống ngày nào thì hãy cứ vui đi, cứ nêu cao tinh thần trách nhiệm với cuộc sống, đừng sợ sai lầm, đừng sợ khó khăn. Ngược lại, cần phải nuôi dưỡng những khát vọng, mạnh mẽ và luôn biết lắng nghe trái tim mình, sống cho thật chất lượng. Cái gì đến nó sẽ đến, Thượng đế đã dành cho chúng ta cả một kế hoạch chu đáo rồi!”.
Minh chứng cho sự đa dạng trong lối viết của Nguyễn Huy Thiệp “Nhiều người cho rằng thành công nhất của Nguyễn Huy Thiệp là ở thể loại truyện ngắn và cùng với đó có thể là kịch và tiểu luận, tạp văn. Nên khi ông bắt đầu viết tiểu thuyết đã xuất hiện không ít ý kiến cho rằng ông thất bại. Nhưng theo tôi, Tuổi 20 yêu dấu là một tiểu thuyết thành công, mang lại sự đa dạng trong lối viết của Nguyễn Huy Thiệp. Vì thế, chúng ta cần phải có cái nhìn khác và đổi mới hơn trong việc định giá các thể loại văn học, trong đó có thể loại tiểu thuyết và không nên mặc định tất cả tiểu thuyết là phải như thế này, như thế khác khi đem ra so sánh với Tuổi 20 yêu dấu” - Nhà phê bình Mai Anh Tuấn. |
“Tuổi 20 yêu dấu là một thông điệp lớn và đau đớn của Nguyễn Huy Thiệp, trả lời cho một câu hỏi hệ trọng về những người trẻ hiện nay. Hãy đón nhận nó, đọc nó, lắng nghe nó, chúng ta sẽ tìm thấy những rất quan trọng ngay từ bậc cửa nhà mình cho đến ra ngoài quảng trường rộng lớn...” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, GĐ NXB Hội Nhà văn. |
Phạm Huy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất